Gặp những người lính năm xưa ở Karlovy Vary

Vào những ngày đầu tháng 8 này chúng tôi đã gặp các cựu chiến binh ở thành phố du lịch nổi tiếng của CH Séc - Karlovy Vary (thuộc tỉnh cùng tên) và lưu giữ trong ký ức mình những hình ảnh rất đẹp, rất nhân văn về họ. Đó là những con người bình dị, có thể đã thành đạt, có thể đang vất vả mưu sinh nhưng có một điểm chung gắn kết họ với nhau chặt chẽ, đó là chất lính không lẫn vào đâu được.

 

Ông Nguyễn Duy Nhật về tiềm lực kinh tế là một "đại gia". Ông là Chủ tịch Chi hội người Việt Nam tại tỉnh Karlovy Vary (người Việt thường gọi tắt là tỉnh K). Hơn thế nữa, ông còn là một cựu chiến binh, đương kim Phó Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh ở một tỉnh có đến gần 5.000 người Việt sinh sống. Tính cách anh bộ đội Cụ Hồ trong ông dường như lấn át những tố chất khác, đó là sự thẳng thắn đến mức hơi cực đoan và sự quyết đoán, dám làm dám chịu. Ông cho biết: "Chi hội Cựu chiến binh ở tỉnh K thành lập ngày 22/12/2013. Bắt đầu chỉ có 22 hội viên, sau một tháng đã tăng lên gấp đôi và đến bây giờ con số đã lên 48 và còn có tiềm năng phát triển mạnh. Chính các cựu chiến binh là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động của cộng đồng".

 

Những người Việt ở Séc nói chung và ở tỉnh K nói riêng từng cực kỳ vất vả để lập nghiệp và ngày nay việc ganh đua trên thương trường cũng không hề dễ dàng. Cộng đồng người Việt Nam được đánh giá là cần cù, chăm chỉ, biết vượt khó vươn lên. Và ở các cựu chiến binh phẩm chất này càng bộc lộ rất rõ nét. Thời kỳ gây dựng ban đầu trên đất khách quê người thường được rút ngắn hơn bởi sức chịu đựng của những người từng khoác áo lính thật phi thường.


Đại tá Nguyễn Văn Chung, Tùy viên quân sự Việt Nam tại CH Séc, thăm hỏi thân nhân các gia đình liệt sỹ trong buổi gặp mặt các cựu chiến binh ở Karlovy Vary. Ảnh: Ngọc Mai/TTXVN


Hiện tại gần 50 hội viên Chi hội Cựu chiến binh ở K đều có cuộc sống ổn định, con cái trưởng thành, một số anh chị em đã có trong tay cơ ngơi đáng nể phục. Bà Nguyễn Thị Mùi là một tấm gương như vậy. Người phụ nữ trên 55 tuổi đời này có 6 năm phục vụ trong quân ngũ tại một đơn vị giao thông vận tải và đã sinh sống ở Séc trên 30 năm. Bà hiện giờ là một doanh nhân thành đạt dành nhiều tâm huyết cho công việc từ thiện và vừa đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Chi hội Phụ nữ kiêm Chủ tịch Chi hội Phật tử tỉnh K. Bà đến dự cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh trong bộ quân phục màu xanh gọn gàng, mái tóc cắt ngắn, gương mặt rạng rỡ. Bà say sưa thể hiện những bài ca cách mạng hùng tráng mà bà vẫn hát thời còn trong quân ngũ, giọng ca cao vút như quên cả tuổi tác.

 

Bà Nguyễn Thị Mùi tâm sự với phóng viên TTXVN: "Tôi nhập ngũ năm 1972, khi mới 16 tuổi rưỡi, phải khai tăng tuổi. Chúng tôi đi vào chiến trường vào năm chiến trường ác liệt nhất. Tôi đã xa Tổ quốc, xa quân ngũ hơn 30 năm rồi nhưng những kỷ niệm thời lính, từ ngày vào quân ngũ cho đến ngày xuất ngũ sau ngày giải phóng miền Nam, luôn in sâu trong ký ức. Bởi vậy, khi Chi hội CCB thành lập ở K thì tôi sẵn sàng ủng hộ và ủng hộ nhiều nhất. Nói đến sinh hoạt CCB là chúng tôi cứ đau đáu trong lòng, lúc nào cũng muốn đi ngay. Hôm nay hát bài Cô gái mở đường là vì khi đoàn xe chở bộ đội đi qua đường mòn Hồ Chí Minh thì chúng tôi thấy những cô gái Trường Sơn mở đường rất anh dũng. Tôi luôn nhớ về họ".

 

Các cựu chiến binh ở Karlovy Vary trong màu áo xanh quen thuộc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Theo ông Nguyễn Duy Nhật, mục đích của việc thành lập Chi hội Cựu chiến binh K hoàn toàn không có gì to tát, "chỉ là tạo ra sân chơi để anh em đã từng mặc áo lính giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau trong công việc làm ăn hàng ngày ở nơi xa quê hương hàng vạn dặm". Đến dự một buổi giao lưu văn nghệ của các cựu quân nhân, chúng tôi thấy thực tế đã vượt xa mục đích ban đầu chỉ là "sân chơi".

 

Những người có mặt trong cái đêm tình nghĩa ấy đều bồi hồi khi thấy cảnh tượng hàng chục cựu chiến binh, nhiều người từ lâu đã lên hàng ông, hàng bà, "xúng xính" trong những bộ quân phục mới toanh, tíu tít chuyện trò, say sưa ca hát, tràn đầy nhiệt huyết khi ôn lại những ngày tháng quân ngũ. Thật cảm động trước những tình cảm dạt dào mà các cựu chiến binh dành cho nhau, dành cho các bác thương binh và thân nhân liệt sỹ. Thật cảm động khi được nghe chính tác giả bài Gửi đảo yêu thương - nhạc sĩ Ngọc Thức - trình bày ca khúc "ruột" của mình... Chỉ với những gì được chứng kiến trong mấy giờ khắc ngắn ngủi chúng tôi đã cảm nhận rõ sức lan tỏa lớn lao và bền vững của các cựu quân nhân tới những người xung quanh.

 

Đã khuya lắm rồi, trời lại mưa sầm sập như trút hết nỗi niềm vào màn đêm. Những người lính năm xưa ấy vẫn bịn rịn, dùng dằng chưa muốn chia tay...

 


Trần Quang Vinh


 

"Năm anh em" ở Séc - Nghĩa nặng tình sâu
"Năm anh em" ở Séc - Nghĩa nặng tình sâu

Hằng ngày ông Vương Quốc Viễn là chủ quán Phở Hải Anh trên một con phố lớn ở trung tâm Praha (CH Séc). Nhưng ông không bao giờ quên mình vốn là một người lính bởi ông là Chủ tịch "Hội Năm anh em".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN