Doanh nhân Việt ở châu Âu: Hát cho vơi nỗi nhớ quê hương

Nói như bác Lê Tam Thắng (sinh năm 1945, kinh doanh hàng vải ở Hungary) thì Ban Tổ chức Festival Doanh nhân hát châu Âu 2015 đã khơi đúng mạch nguồn cảm xúc đang cuộn chảy trong huyết quản của những người Việt làm ăn ở xa Tổ quốc.


Thí sinh Nguyễn Thị Tuyết (CHLB Đức) hát cho vơi nỗi nhớ quê hương.

Bởi vậy mặc dù tuổi đã cao nhưng bác vẫn quyết chí tham dự vòng sơ khảo Tiếng hát Doanh nhân được tổ chức tại Budapest và may mắn được sang Praha dự vòng chung khảo "Doanh nhân hát" vào tối 25/11.
 
Bác Thắng là thí sinh cao tuổi nhất của vòng chung kết nhưng ở vòng sơ khảo thì bác vẫn “khá trẻ” vì có cụ ở tuổi 82 và thực sự đã là “cựu doanh nhân” cũng dự thi.

Bác tâm sự với phóng viên: “Tôi vốn là cầu thủ bóng đá quân đội, yêu ca hát nhưng chưa hát trước đám đông bao giờ. Tôi tham gia Festival không vì giải thưởng mà vì ý nghĩa tốt đẹp của cuộc liên hoan. Đó là sự tôn vinh doanh nhân, những người lao động nhọc nhằn khi xa Tổ quốc nhưng vẫn muốn mang tiếng hát của mình, mang tình yêu âm nhạc của mình đến với mọi người”.

Kết quả đêm chung khảo đã vượt qua sự mong đợi của bác Lê Tam Thắng. Bác lọt vào tốp 12 và đoạt giải khuyến khích ở vòng Doanh nhân tranh tài.

Lời tâm sự của bác Lê Tam Thắng cũng là suy nghĩ của chị Hồ Ngọc Nga, Trưởng ban Tổ chức "Tiếng hát Doanh nhân" ở Hungary. Chị cho biết: “Tôi khá bất ngờ khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những người Việt đang kinh doanh ở Hungary. Thời gian chuẩn bị ngắn, lại đang vào vụ làm ăn trúng nhất trong năm nhưng các bác, các anh chị gác lại để tập hát, để đi biểu diễn. Qua vòng sơ khảo đoàn Hungary có 8 thí sinh tham dự vòng chung khảo Doanh nhân hát ở CH Séc. Đây hoàn toàn là những người lần đầu tiên được đứng trên sân khấu, hát với tất cả niềm đam mê của mình dù giọng hát còn phô, còn run rẩy trước khán giả”.

Chị Hồ Ngọc Nga, Trưởng ban tổ chức sơ khảo "Tiếng hát Doanh nhân" ở Hungary.

Theo chị Nga, cộng đồng người Việt ở Hungary chỉ khoảng 5.000 người, sống rải rác, không thật dư dả về điều kiện kinh tế nên các phong trào không mạnh như ở CH Séc hay CHLB Đức. Chị Nga lần này “đưa chuông đi đấm nước người” là để thắt chặt tình đoàn kết giữa các cộng đồng người Việt ở châu Âu và cũng là để xóa đi sự “thiếu tự tin” của các doanh nhân Việt tại Hungary. Với một giải ba và một giải khuyến khích của đoàn Hungary ở vòng cuối cùng – Doanh nhân tranh tài, chị Nga cảm thấy thực sự tự tin hơn rất nhiều.

“Với Ban Tổ chức thì Festival Doanh nhân hát châu Âu 2015 nhằm minh chứng một điều: Các doanh nhân Việt ở xa quê không chỉ cần cù làm giàu cho gia đình, cho người thân, hướng về đất nước mà còn biết hát và có thể hát rất hay. Thương trường không làm thui chột tình yêu âm nhạc và tinh thần lạc quan của chúng tôi”, anh Phạm Gia Hậu, doanh nhân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam ở CH Séc, Phó Trưởng ban Tổ chức Festival, khẳng định.

“Hát cho vơi nỗi nhớ quê hương, hát để thể hiện tình yêu đối với đất nước, với đồng bào”. Đó là mục đích tham gia Festival Doanh nhân hát châu Âu 2015 của chị Nguyễn Thị Tuyết, Việt kiều ở CHLB Đức. Chị xa Tổ quốc hơn 20 năm rồi, con trai của chị cũng đã bước chân vào trường đại học, nhưng những điệu ru con, dân ca ba miền vẫn theo chị suốt quản đời mưu sinh nhọc nhằn.

Những bài hát truyền thống được chọn để tham dự Festival Doanh nhân hát.

Bài Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vang lên ở Trung tâm thương mại Sapa nghe thật da diết: “Nắng tỏa chiều nay. Chiều tỏa nắng…”. Với bài hát này chị Tuyết đã lọt vào tốp 12 của đêm chung khảo.

Chị Nguyễn Thị Tuyết thổ lộ: “Em ở Đức rất nhớ quê nhà, không biết nói gì hơn, chỉ biết mượn lời những bài hát đã đi vào lòng công chúng bao thế hệ để trải lòng mình với quê hương đất nước mình. Em mong tiếng hát của mình chạm đến trái tim người nghe, những người cũng như em đang sống xa quê hương và lúc nào cũng nhớ tới quê hương”.

“Tham dự Festival Doanh nhân hát để cảm nhận thật sâu mình là người Việt”. Đó là suy nghĩ của chị Trương Triệu Minh Thi, người đã vượt qua quãng đường xa nhất để đến với vòng chung khảo "Doanh nhân hát" ở Praha. Chị đang sinh sống và làm ăn tại Na Uy.

Theo chị, đất nước Bắc Âu này thật thanh bình, người dân rất lịch thiệp nhưng thời tiết ở đây lạnh giá, nền văn hóa quá khác biệt trong khi cộng đồng người Việt lại thưa thớt và ít gắn kết. Để thỏa mãn nhu cầu ca hát và để không quên mình là người Việt, chị Thi sẵn sàng gác lại công việc để đi biểu diễn ở bất cứ đâu khi có dịp, không đặt ra vấn đề thù lao.

Giật giải nhì trong vòng Doanh nhân tranh tài là một kỷ niệm đẹp của chị Minh Thi. Nhưng điều mà chị sẽ ghi nhận thật lâu trong ký ức của mình là hình ảnh một cộng đồng người Việt ở châu Âu thân thiện, chân tình và càng gắn kết hơn qua lời ca tiếng hát hướng về nguồn cội chung.

Bài và ảnh: Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)
Đêm nhạc hướng về cội nguồn của người Việt tại Séc
Đêm nhạc hướng về cội nguồn của người Việt tại Séc

Tối 30/10, tại Trung tâm Thương mại Sapa ở thủ đô Praha đã diễn ra đêm nhạc "Mùa Đông của anh" phục vụ miễn phí cộng đồng người Việt tại CH Séc và kết hợp tặng sách cho thiếu nhi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN