‘Dân vận khéo’ của phụ nữ Việt tại Séc

Trong gần hai năm trở lại đây Chi hội Phụ nữ tại thành phố Pisek và các vùng lân cận (thuộc tỉnh Nam Séc) để lại dấu ấn khá đậm nét đối với các phong trào của người Việt ở địa phương.

Chi hội Phụ nữ Hradec Kralove ra mắt cộng đồng nhân dịp 8/3.

Với mô hình kinh doanh đặc thù và nếp sống gắn kết của 65.000 người Việt tại CH Séc thì “Dân vận khéo” của Hội Phụ nữ ở thủ đô và các chi hội phụ nữ cấp địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc gây dựng và nuôi dưỡng các phong trào của cộng đồng theo hướng “hội nhập sâu, giữ gìn bản sắc tốt, luôn hướng về đất nước”.

Chị Vũ Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại CH Séc, cho biết: “Hội Phụ nữ có 28 câu lạc bộ (chi hội) ở các địa phương. Các cán bộ phụ nữ đồng thời cũng là nòng cốt hoặc thành viên tích cực của nhiều tổ chức, đoàn thể khác của cộng đồng. Có những lĩnh vực mà vai trò của chị em đóng vai trò chủ đạo như lưu truyền ngôn ngữ, văn hóa dân tộc cho thế hệ sau; hoạt động văn nghệ; từ thiện, giao lưu văn hóa với người dân bản địa và các dân tộc khác cùng chung sống ở Séc…”.

Trong gần hai năm trở lại đây Chi hội Phụ nữ tại thành phố Pisek và các vùng lân cận (thuộc tỉnh Nam Séc, cách Praha gần 150 km) để lại dấu ấn khá đậm nét đối với các phong trào của người Việt ở địa phương. Trong khi Chi hội Người Việt Nam mới thành lập, thiếu kinh nghiệm, cơ cấu tổ chức chưa đầy đủ thì Chi hội Phụ nữ trở thành nòng cốt để cùng gánh vác công việc cộng đồng cùng với anh em.

Tiền thân của Chi hội Phụ nữ Pisek là nhóm chị em yêu thích văn nghệ, muốn làm phong phú đời sống tinh thần của bản thân, gia đình và bạn bè. Họ lập ra đội múa Hương Quê, tập những điệu múa nón, múa quạt. Có người trong đội bắt đầu tập múa khi đã thành bà nội, bà ngoại, có người chân tay thô cứng vì quen bốc hàng, kéo xe đẩy, có người hễ đứng trước đám đông là quên hết các động tác… Vượt qua những khó khăn ban đầu, ngày bán hàng, tối về khổ luyện, đội múa dần dần tích lũy được tiếng khen của bà con qua các buổi biểu diễn trong cộng đồng nhỏ, qua các chương trình giao lưu với các chị em ở cùng tỉnh Nam Séc. Rồi Hương Quê mạnh dạn “đem chuông đi đánh” tại các đêm dạ hội của cộng đồng người Việt ở thủ đô Praha.

Và nhờ những lần chị em xuất hiện trong các lễ hội văn hóa đa sắc tộc ở địa phương mà chính quyền thành phố Pisek biết tới đội múa và mời tham gia Liên hoan Nghệ thuật dân gian quốc tế diễn ra từ ngày 18 đến 20/8/2016. Tại Liên hoan đại diện Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc với khản giả bản địa và bạn bè các nước nhờ trang phục rực rỡ cùng các động tác xoay nón, xòe quạt uyển chuyển rất Á Đông.

 Điệu múa trên nền ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận trong đêm khai mạc thực sự là thành công đáng ghi nhận của Hương Quê. Ông Pavel Bruzek, Giám đốc Liên hoan Nghệ thuật dân gian quốc tế Pisek, cho biết: “Liên hoan nghệ thuật dân gian dành cho các cộng đồng người nước ngoài đã bước sang mùa thứ 22. Lần này, so với các vũ công điêu luyện từ Ấn Độ, Áo, Grudia, Ba Lan, Slovakia… thì đội múa Hương Quê thực sự là những nghệ sỹ không chuyên. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể dùng hai từ “rất tuyệt” để đánh giá về điệu múa của các chị em Việt Nam và điệu múa xứng đáng được chọn vào danh sách các tiết mục tiêu biểu của Liên hoan”.

Các mẹ dạy hát, dạy múa cho các con không chỉ đơn thuần là tập một tiết mục văn nghệ.

Khi đã giành được cảm tình của cộng đồng thì Chi hội Phụ nữ Pisek và đội múa Hương Quê không gặp nhiều khó khăn khi “dân vận khéo” bà con tích cực tham gia các phong trào của cộng đồng như  góp quỹ ủng hộ Biển Đảo, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng của bão lụt, cùng chung tay tổ chức Tết Trung Thu cho thiếu nhi, Tết cổ truyền dân tộc… Nhờ sự khéo léo, nhiệt tình của chị em mà Chi hội Người Việt Nam ở Pisek tổ chức được các sự kiện lớn mà không phải chi hội nào cũng làm được dù có điều kiện thuận lợi hơn.

Chi hội Phụ nữ Hradec Kralove là tổ chức non trẻ nhất trong các đơn vị thành viên của Hội Phụ nữ Việt Nam tại CH Séc. Chi hội ra đời ngày 20/11/2016 và mới có 50 hội viên, trong đó 15 chị tham gia Ban chấp hành. Chi hội Người Việt Nam tại Hradec Kralove cũng được thành lập trước đó chưa lâu với ban lãnh đạo gồm 20 người, trong đó một nửa là phụ nữ. Một số chị em giữ vai trò cốt cán cả trong Chi hội Người Việt Nam lẫn trong Chi hội Phụ nữ.

Anh Trần Hùng, Chủ tịch Chi hội Người Việt Nam tại Hradec Kralove, đánh giá rất cao sự nhiệt tình của chị em trong các công tác của cộng đồng. Bên cạnh đó, tài “dân vận khéo” của các cán bộ phụ nữ đã giúp cho Chi hội Người Việt Nam tập hợp bà con, đặc biệt là lớp trẻ sinh ra và lớn lên tại CH Séc. Vào dịp đón Xuân Đinh Dậu Ban chấp hành Chi hội Người Việt Nam đã vượt qua thử thách đầu tiên là tổ chức được một cái Tết có rất đông người tham dự, vui và có ý nghĩa, để lại dư âm tích cực trong cộng đồng. Đóng góp đáng kể vào thành tích này có công lao của Chi hội Phụ nữ, đặc biệt trong khâu văn nghệ, gây quỹ và hậu cần. Điều đáng ghi nhận là toàn bộ 15 chị trong Ban chấp hành và hầu hết các chị em hội viên khi cần đều có thể là “ca sỹ”, “diễn viên múa”, cống hiến hế mình trên sân khấu.

Chị Trịnh Thị Hạnh, thủ lĩnh của phong trào phụ nữ Hradec Kralove, cho biết: “Đầu năm 2017 chúng tôi phối hợp với Chi hội Người Việt Nam tổ chức lớp học tiếng Việt cho các cháu thế hệ thứ ba. Chúng tôi cũng tập hợp được nhiều cháu tham gia các tiết mục văn nghệ cùng với các bà, các mẹ. Đây vừa là hình thức tăng thêm sự gắn kết của các cháu với cộng đồng, dạy bảo cội nguồn dân tộc và hướng các cháu nhớ về quê hương. Trong quá trình học hát, học múa các cháu được rèn giũa tiếng Việt”.

Bài, ảnh: Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)
Phụ nữ Việt tại Séc với vai trò lưu truyền văn hóa dân tộc
Phụ nữ Việt tại Séc với vai trò lưu truyền văn hóa dân tộc

Cộng đồng Việt Nam ở CH Séc với khoảng 65.000 người được đánh giá là một trong những cộng đồng người Việt tại nước ngoài mạnh nhất, đoàn kết nhất, có tổ chức chặt chẽ nhất. Những người phụ nữ đã và đang đóng góp phần nổi trội của mình vào thành tích chung đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN