Chuyện người Việt đón Tết ở nước ngoài

Cứ mỗi dịp Tết cổ truyền, những người con ở xa Tổ quốc lại trang hoàng nhà cửa, sửa soạn mâm cỗ Tết, gặp gỡ cộng đồng, kể cho con cái nghe về những nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt. Không chỉ là để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, trong thâm tâm ai cũng mong muốn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc dù ở bất cứ nơi đâu. Thế rồi, tình yêu Tết Việt “ngấm” vào người thân của họ tự lúc nào...

Cây đào duy nhất ở chợ hoa

Làm dâu Trung Quốc hơn 10 năm, chị Đỗ Hồng Hạnh, người Nam Định, có một cuộc sống ổn định và hạnh phúc bên gia đình chồng. Mỗi khi Tết đến, chị lại nhớ về quê nhà và mong muốn tạo được bầu không khí đón Tết Việt ngay tại nơi đây.

Đại gia đình Séc - Việt trong những ngày xuân mới.

Vào những ngày giáp Tết, chúng tôi đến thăm nhà chị Hạnh ở Quận Triều Dương, thành phố Bắc Kinh. Chị đang chuẩn đi đưa con gái lớn đi chợ hoa sắm Tết. Chị kể cho con gái rằng ở Việt Nam, cây đào, cây quất là thứ không thể thiếu mỗi độ Tết đến xuân về, bởi nó là biểu tượng cho sự may mắn và tươi vui, thể hiện sự sinh sôi nảy nở, tài lộc đến nhà vào đầu năm mới. Chị Hạnh chia sẻ: “Mỗi khi Tết đến tâm trạng chung là rất nhớ nhà, nhớ về Việt Nam. Năm nay may mắn quá sau khi đi một vòng chợ hoa thì tìm thấy cây đào này, nhất định là phải mua để cho con cái và gia đình nhà chồng đều biết đến cái không khí ăn Tết ở Việt Nam như thế nào”.

Ông chủ cửa hàng cho biết đây là cây hoa đào duy nhất ở chợ hôm đó. Cây có gốc to, cánh kép, nhiều lộc, nhiều nụ. Giống đào này ở đây rất hiếm, không được trồng đại trà vì thời tiết giá lạnh. Dù không có nhiều sự lựa chọn nhưng chị Hạnh cảm thấy mãn nguyện khi đem được không khí Tết Việt về nhà.

Thời gian thấm thoắt trôi, hơn 10 năm trước sang Trung Quốc du học, chị quen và lấy chồng là bạn học cùng trường. Nay anh chị đã có với nhau hai cô con gái ngoan ngoãn và đáng yêu. Các con và gia đình chồng chị Hạnh đều đặc biệt thích ăn các món ăn Việt Nam, như nem rán, gà luộc, canh măng khô, xôi đỗ, bánh chưng... Chị Hạnh chia sẻ, trong nhà lúc nào cũng dự trữ bánh đa nem, thỉnh thoảng cuối tuần là chị lại làm món nem, cô con gái lớn của chị đang học lớp 4 nhưng đã biết cuốn nem thành thạo từ 3 năm trước.

Trong bữa cơm tất niên Việt Nam, chị Hạnh còn mời thêm một vài người bạn cũng làm dâu Trung Quốc đến dự. Họ vẫn thường xuyên liên lạc, cùng nhau chia sẻ về công việc, chuyện gia đình và chăm sóc con cái. Tuy sống xa Tổ quốc nhưng họ luôn cố gắng dạy dỗ con cái hiểu tiếng Việt, biết yêu những gì thuộc về đất nước Việt Nam. Câu đối ngày Tết quen thuộc của người Việt Nam là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, ở Trung Quốc “câu đối đỏ” rất nhiều, còn “bánh chưng xanh” lại không dễ làm được vì không có lá dong, lạt tre... Các cô dâu Việt khắc phục bằng cách tự cắt bìa làm khuôn, không có lạt buộc thì dùng dây, cuối cùng những chiếc bánh chưng thơm ngon cũng được vớt lên và ai nấy đều nóng lòng muốn thưởng thức.

Mỗi dịp năm mới đến, các gia đình cô dâu Việt tại Bắc Kinh lại được gặp gỡ, sum vầy bên nhau, cùng nhau thưởng thức những món ăn mang phong vị đặc trưng của Việt Nam, hướng về Tổ quốc và không quên cầu chúc cho gia đình, người thân, bè bạn một năm mới an khang, thịnh vượng.

Cô dâu Séc yêu đồ ăn Việt

Ngôi nhà của anh Đinh Hóa và chị Vera Dinh ở thị trấn Dobris, cách trung tâm Thủ đô Praha (CH Séc) khoảng 50 km. Thị trấn nhỏ, thanh bình và ngôi nhà của anh chị thật ấm cúng, gọn gàng.

Những chiếc bánh chưng do các cô dâu Việt tự gói.

Khi tôi đến, chị Vera đang thoăn thoắt cắt bánh chưng bằng dây lạt tước nhỏ. Cái cách chị túm dây, lật bánh thật khéo như một bà nội trợ đảm đang ở phố cổ Hà Nội. Cỗ Tết cũng đầy đủ các món như ở Việt Nam - bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, canh măng, gà luộc, thịt lợn kho Tàu, nem rán... Nói về món nem rán thì chị Vera đã có tiếng trong cộng đồng người Việt - nem thơm phức, có vỏ màu vàng, nhân thịt mềm, chỉ cần cắn một miếng đã cảm được vị giòn của bánh đa nem ngấm nước chấm chua ngọt. Xôi gấc do chị đồ bằng nồi cơm điện cũng rất khéo - xôi có màu đỏ au, hạt xôi dẻo, không nát và thơm nức mùi gấc đặc trưng.

Các món ăn Việt do chị Vera Dinh chế biến cho mâm cỗ tất niên rất ngon và không bị “lai Tây”. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là cách chị “huấn luyện” đại gia đình bên ngoại dùng đũa như những người Việt. Chị tâm sự: “Vào dịp Giáng sinh thì tôi mời rất nhiều họ hàng bên ngoại và một ít người nhà anh Honza (cách gọi thân mật anh Đinh Hóa). Còn dịp Tết ta thì tôi hẹn những người thân nhất bên nhà vợ đến để cùng tôi tiếp đãi khách nhà trai. Ai cũng phải ăn món ăn Việt hết và ai cũng phải dùng đũa cho đúng “nếp nhà”.

Chị Hạnh giải thích cho con gái về ý nghĩa của cây quất, cành đào trong ngày Tết ở Việt Nam.

Thực ra chị Vera nghe tiếng Việt rất tốt, còn nói thì chưa được nhiều. Nhưng chị nói tiếng Việt từ nào thì vừa chuẩn về phát âm, lại rất hợp ngữ cảnh. Người mẹ Séc này cũng hết sức khuyến khích các con học tiếng “cha đẻ”. Chị thường bảo cậu con trai cả tên là Filip (năm nay 11 tuổi): “Con mang họ Đinh của bố, vậy con là người Việt. Người Việt mà mù tiếng Việt là mất gốc”. Nhờ sự giáo dục này mà Filip luôn tự nhận là người Việt “xịn” dù ngoại hình giống bên ngoại nhiều hơn.

“Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Quan niệm này bị nhiều người Việt Nam cho là lỗi thời. Song chị Vera, một phụ nữ Séc sinh ra và lớn lên ở một đất nước đề cao nữ quyền, lại tự giác thực hiện khá triệt để. Chị và các con rất thích về quê chồng dù đó là miền quê nghèo ven sông Lam, lụt, bão liên miên. Mỗi lần về Việt Nam là cả nhà dắt díu nhau đi thăm hỏi bằng hết anh em họ hàng theo đúng phong tục đôi khi hơi nhiêu khê của người dân xứ Nghệ. Và mặc dù là tín đồ đạo Thiên Chúa nhưng chị rất chịu khó hương khói cho cụ thân sinh ra anh Đinh Hóa. Rằm, mồng một có lọ hoa tươi và đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ. Ngày giỗ, ngày Tết chị soạn mâm cơm cúng, không quá thịnh soạn nhưng với tấm lòng thành.

Điều đáng quý là không chỉ chị Vera mà những người thân của chị đều mong ngóng Tết Việt vì họ cảm nhận được ý nghĩa nhân văn của bữa cơm tất niên trong các gia đình Việt Nam. Anh Jarda Janecek, anh trai của chị Vera, nói: “Tôi thích Tết Việt Nam. Hàng năm gia đình chúng tôi vẫn tụ tập vào khoảng tháng 2 để đón Tết Việt. Đó là một dịp có ý nghĩa để gia đình tụ họp, cùng đón chờ điều mới mẻ và thú vị đến với chúng tôi. Tôi cũng thích văn hóa phương Đông với ẩm thực độc đáo”.
Tường Thu - Trung Kiên - Quang Vinh (Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh và CH Séc)
Cộng đồng Việt tại Pháp vui Tết Bính Thân
Cộng đồng Việt tại Pháp vui Tết Bính Thân

Lễ mừng Tết cổ truyền với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn văn nghệ, phiên chợ Tết... đã trở thành ngày hội chào xuân mới của người Việt Nam tại Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN