“Bác Ivo” và dang dở tâm nguyện về Đại từ điển Séc – Việt

Ngày 2/11 gia đình, giới Việt Nam học CH Séc và cộng đồng người Việt ở Séc vĩnh biệt Tiến sỹ Ivo Vasiljev - đồng tác giả của bốn tập trong bộ Đại từ điển Giáo khoa Séc – Việt gồm sáu tập.

Bác Ivo và ông Quyết Tiến trong lễ nhận giải thưởng Từ điển 2016.

Tâm nguyện của nhà ngôn ngữ học, nhà Việt Nam học xuất sắc đang còn dang dở. Trên bàn làm việc của ông tại căn hộ nhỏ ở thành phố České Budějovice còn ngổn ngang những tấm thẻ ghi chú các cụm từ để chuẩn bị cho tập năm của bộ từ điển.

Người Việt không gọi ông bằng học vị Tiến sỹ hay nhà ngôn ngữ học theo cách gọi của người Séc. Đơn giản và gần gũi hơn – bác Ivo. Gần một trăm người Việt từ các nơi đến České Budějovice để tiễn đưa bác, trong đó có những người chỉ nghe tên chứ chưa một lần tiếp xúc gần gũi với bác. Anh Hà Mạnh Hùng khi chưa gặp bác Ivo thì đã hết sức ngưỡng mộ về tài nói tiếng Việt “chuẩn như phát thanh viên Hà Nội”. Đứng bên cạnh di ảnh của Tiến sỹ Ivo Vasiljev trước cửa Nhà tang lễ, với cặp mắt đỏ hoe, anh nghẹn ngào tâm sự với phóng viên TTXVN: “Chỉ cần biết bác Ivo đã dịch ra tiếng Séc Nhật ký trong tù của Bác Hồ, từng làm phiên dịch khi Bác Hồ tiếp các nhà lãnh đạo Tiệp Khắc tại Hà Nội thì tôi đã yêu quý bác lắm rồi. Sau này, khi đã tiếp xúc gần gũi với bác thì tôi coi bác như cha đẻ”.

Chúng tôi hiểu tâm trạng của anh Hùng cũng như của nhiều người Việt khác đã từng thân thiết với bác Ivo. Trong lần đến thăm khi nghe tin bác bị ung thư giai đoạn cuối, các phóng viên TTXVN đã chứng kiến sự chăm sóc ân cần như một người con hiếu thảo của anh Hùng đối với bác. Trong khoảng  thời gian vợ và các con bác Ivo không có điều kiện ở bên bác hằng ngày thì vợ chồng anh Hùng và một số người Việt đã thường xuyên thăm hỏi, mang đến cho bác những món ăn Việt mà bác thích. Anh khẩn khoản mời bác về nhà mình để có thể chăm sóc bác được chu đáo hơn, nhưng bác ý nhị từ chối. Không hẳn là bác sợ phiền hà mà bác không muốn người thân của bác khó nghĩ. Bác hiền từ nhìn “đứa con người Việt” và giải thích với chúng tôi: “Chữ hiếu trong tiếng Việt rất 'đắt'. Khi dịch từ này ra tiếng Séc thì tôi không tìm được từ nào tương đương mà phải giải thích dài dòng là “sự thương yêu, quý trọng của con cháu đối với bố mẹ, ông bà”.

Đại sứ Trương Mạnh Sơn trước bàn thờ bác Ivo.

Một trăm năm trước người dân Séc cũng có sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình gần như người Việt bây giờ. Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp, khi mà những người trẻ rời mái nhà bố mẹ để đi làm xa, ở tập thể, bị cuốn vào dây chuyền sản xuất thì tình cảm giữa những người thân không còn chặt chẽ nữa. Tình cảm gia đình của người Việt rồi cũng sẽ đứng trước thử thách như vậy, nếu không biết cách điều chỉnh”. 

Bác Ivo còn là một phật tử, hiểu rất sâu các triết lý đạo Phật. Bác gắn bó với các hoạt động của các phật tử Việt Nam tại Séc. Bởi vậy, khi biết bệnh “không còn thuốc chữa” bác bình tĩnh đón nhận “ngày về cõi Phật”. Bác chỉ ái ngại cho người đồng sự của mình.

Kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến, người cùng Tiến sỹ Vasiljev bắt tay vào việc soạn bộ đại từ điển giáo khoa Séc – Việt từ năm 2012, ngậm ngùi chia sẻ: “Khi tôi đến gặp bác Ivo thì bác yếu lắm rồi. Bác thì thào hai tiếng: “từ điển”. Nước mắt ứa ra, rồi bác nói tiếp hai từ cuối cùng -“xin lỗi”. Ngay cả trước khi chìm vào cơn hôn mê sâu thì tâm trí của nhà Việt Nam học vẫn dồn cả vào công trình tâm huyết nhất.  Ông Tiến cho chúng tôi xem Giấy Ủy thác viết tay, thực chất là bản di chúc của bác Ivo dành cho đồng tác giả của bộ từ điển.

Giấy Ủy thác nêu rõ: “Trong trường hợp người ký tên dưới đây ở giai đoạn sau của cuộc đời vì lý do sức khoẻ hoặc chết đi thì Kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến (và những thành viên có trình độ chuyên môn về ngôn ngữ trong gia đình của ông) được toàn quyền sử dụng tác phẩm này, tức là Đại từ điển Giáo khoa Séc-Việt và tất cả các tư liệu đã cùng nhau soạn thảo để tiếp tục công việc nhằm hoàn thành toàn bộ tác phẩm trong thời gian dự kiến, cũng như việc bổ sung, hiệu đính nó và sau này dự định sẽ soạn thảo Đại từ điển Giáo khoa Việt-Séc (chiều ngược lại của Đại từ điển Séc-Việt)”.

Anh Hà Mạnh Hùng coi bác Ivo là cha ruột.

Bắt đầu một công trình đồ sộ đòi hỏi nhiều thời gian, trí lực và sự nhẫn nại khi đã bước sang tuổi 77, Tiến sỹ Vasiljev ý thức được rằng ông đang chạy đua với thời gian. Ông không muốn nghỉ ngơi khi căn bệnh quái ác đã gặm mòn sức lực. Tập 1 của bộ Đại từ điển được ra mắt vào tháng 11/2013 (có 10.100 mục từ và 630 trang), tập 2  - tháng 11/2014  (có 9.200 mục từ và 690 trang), tập 3 - tháng 11/2015 (có 19.200 mục từ và 930 trang). Công trình hướng tới phục vụ thế hệ người Việt được sinh ra tại Séc và có nhu cầu học tiếng mẹ đẻ cũng như một số người Séc quan tâm đến tiếng Việt. Đây không đơn thuần chỉ là những cuốn từ điển mà gần như là bộ bách khoa toàn thư được soạn bằng hai ngôn ngữ và đề cập nhiều lĩnh vực-xã hội, văn hóa, lịch sử, địa lý, sinh vật học…

Chiều 13/5 tại hội chợ sách quốc tế Thế giới sách Prague, Hội đồng Dịch thuật toàn quốc Cộng hòa Séc (JTP) đã trao Giải Nhì Từ điển 2016 cho Đại từ điển giáo khoa Séc-Việt (mới hoàn thành ba tập). Tiến Vasiljev không chờ được thời điểm đứa con tinh thần – tập từ điển thứ bốn – sẽ ra mắt vào ngày 20/11 tới.

Ông Hoàng Đình Thắng, người có cả chục năm làm Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc, tiếc nuối vì không kịp có mặt vào phút giây Tiến sỹ Vasiljev lâm chung. Ông và Đại sứ Trương Mạnh Sơn vượt hơn 150 km đến nơi, xe dừng bánh thì nghe tin bác Ivo vừa trút hơi thở cuối cùng.

Trong lời tiễn biệt Tiến sỹ Vasiljev, Đại sứ Trương Mạnh Sơn đã nói hộ tấm lòng của những người Việt ở Séc: “Cả cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sỹ Ivo Vasiljev, ngay từ lúc còn trẻ cho đến lúc vĩnh biệt chúng ta, luôn gắn bó thân thiết máu thịt với Việt Nam. Từ một nhà Triều Tiên học, cơ duyên đã đưa ông đến với đất nước Việt Nam. Những năm 1960 - 1970 ông đã là người sáng lập và là Trưởng Bộ môn Việt Nam học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Karl Praha, chuyên nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đối với Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, ông là người đồng chí, người anh đáng kính, đã hết lòng phối hợp, cộng tác công việc, là cầu nối hữu nghị cho các quan hệ đối ngoại với lãnh đạo và người dân Séc. Với các thế hệ cộng đồng người Việt Nam ở CH Séc, ông thân tình gắn bó như người cha, người anh, người bạn lớn. Ông không chỉ là người Séc, mà còn là một người Việt Nam đúng nghĩa”.

Hiểu được tấm lòng của ông đối với Việt Nam và cảm được tình nghĩa của người Việt ở Séc đối với ông, thân nhân của Tiến sỹ Vasiljev đã đồng ý để anh Hà Mạnh Hùng lập bàn thờ bác Ivo với lư hương ở trước cửa Nhà tang lễ. Điều này không giống với tập tục của người Séc nhưng gần gũi với người Việt.

Ngắn gọn nhất nói về bác Ivo, đó là "một người Séc mang tâm hồn Việt".

Bài và ảnh: Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại CH Séc)
Nga trao Huân chương cho Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn
Nga trao Huân chương cho Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn

Hai công dân Việt Nam được vinh danh trong lễ trao tặng phần thưởng Nhà nước Nga là Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn và ông Đỗ Xuân Hoàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN