Nạn nhân chất độc da cam Trần Tố Nga:

“Ân tình của đồng bào giúp tôi có thêm niềm tin và sức mạnh” (Tiếp theo và hết)

Rồi bà tâm sự về việc trong một lần đến thăm các nạn nhân chất độc da cam, một cháu bé tật nguyền, không có não, đã níu ông Alain Anderson lại để nựng và âu yếm. Giây phút bối rối qua đi, vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, ông đã đưa tay xoa bóp chân cháu bé một cách rất tự nhiên và rồi ông khóc.


Sau đó ông trải lòng: “Tuy đi làm phim về các nạn nhân chất độc da cam, nhưng sự thật là tôi rất sợ. Cho đến khi không hiểu sao cháu bé níu tôi lại như thế và tôi ôm cháu vào lòng một cách rất tự nhiên thì tôi hiểu rằng tôi làm phim vì những con người này”.

“Câu nói của ông trước khi chia tay tôi để quay trở về Mỹ đã nói lên kết quả của chuyến đi này. Tôi vui vì đã trao được cho những người bạn quốc tế tình yêu đối với con người Việt Nam và đất nước Việt Nam. Theo tôi, đó mới là điều cốt lõi. Qua chuyến đi này, họ cũng nhìn thấy rất rõ nạn nhân da cam là những người bị bệnh tật dày vò, nhưng họ không phải là những người đáng được thương hại mà là những người đáng được giúp đỡ và đáng được nể phục về ý chí vươn lên, về tinh thần vượt khó”, bà nói.

Nghĩa tình quê hương

“Sóc Trăng là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tuy nhiên, chiến tranh và những năm tháng hoạt động cách mạng đã khiến tôi sớm phải rời xa quê hương. Mặc dù vậy, khi tôi về Sóc Trăng, chính quyền và người dân trong tỉnh đã tập hợp được 20.000 chữ ký ủng hộ tôi trong vụ kiện da cam. Khi nhìn thấy một vài dấu lăn tay của những người không biết chữ nhưng vẫn bày tỏ sự ủng hộ cho vụ kiện thì tim mình se lại vì cảm động và vì biết ơn. Tôi biết ơn những người dân Sóc Trăng đã chịu khó đi đến từng thôn, ấp để lấy chữ ký ủng hộ. Tôi cũng biết ơn những con người không biết Trần Tố Nga là ai, có thể cũng chưa hiểu nhiều về vụ kiện này nhưng sẵn lòng ký và đóng góp cho vụ kiện này”.

Tập hồ sơ tập hợp 20.000 chữ ký của người dân tỉnh Sóc Trăng ủng hộ vụ kiện da cam.

Cầm trên tay tập hồ sơ gồm 20.000 chữ ký, bà xúc động kể về cách mà người dân Sóc Trăng ủng hộ cho vụ kiện bằng những đồng tiền nhỏ chắt chiu: “Người dân nghèo nên cách đóng góp của họ dễ thương lắm. Số tiền mỗi người góp chỉ tương đương giá trị một ly cà phê hay một tô hủ tiếu. Vậy mà, chỉ riêng Sóc Trăng đã gửi cho vụ kiện là 120 triệu đồng, tương đương với 5.000 euro. Số tiền này sẽ giúp chúng tôi thuê dịch các tài liệu, phản biện lập luận của các công ty Mỹ trong các tranh luận tại phiên tòa”. Bà cũng cho biết đúng ngày bà quay lại Pháp, tỉnh Hòa Bình cũng đã gửi cho bà 12 triệu 800 nghìn đồng. Rồi bạn bè bà là cựu học sinh miền Nam, mỗi người đóng góp một chút. Tổng cộng, bà đã mang về Pháp số tiền 6.500 euro để chuyển vào tài khoản dành cho vụ kiện.

“Số tiền đóng góp của từng cá nhân tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa thật to lớn. Điều đó cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh để cho chúng tôi vượt khó, vì càng đi tới thì khó khăn càng nhiều với phía trước là các phiên tranh tụng của luật sư và việc tòa yêu cầu tôi tiến hành giám định y khoa”.

Bà chùng giọng xuống khi kể về một cặp vợ chồng mà người vợ bị bệnh nan y về gen, đui mắt, không đi lại được, người chồng là sĩ quan quân đội phải xin nghỉ hưu sớm để về chăm sóc vợ ốm, vậy mà hai vợ chồng đã gửi ủng hộ vụ kiện 5 triệu đồng. “Chính những con người đó, những tấm lòng đó bảo tôi là phải đi, khó mấy cũng đi tới và kiên trì cho đến cùng. Cái nghĩa của mọi người đối với tôi lớn quá”.

Mục tiêu thức tỉnh lương tri nhân loại

Về khả năng các công ty Mỹ từng cố tình trì hoãn vụ kiện có thể sẽ còn tiếp tục gây thêm nhiều rắc rối, bà nói: “Dù sao thì tới giờ này, tôi cho là mình thắng rồi. Mở ra được vụ kiện đã là thắng lợi, đi được một phiên tòa là thắng lợi tiếp theo, vậy mà bây giờ mình sắp đi đến phiên tòa thứ ba. Đương nhiên, phiên tòa thứ ba chưa phải là phiên tranh tụng mà chỉ là phiên để giải quyết sự cố mà đối phương đã gây ra. Nhưng như vậy có nghĩa là vụ kiện vẫn đang sống. Hễ vụ kiện còn sống thì mình sẽ còn đi tiếp. Tôi tràn đầy niềm tin vì thấy rằng đúng như luật sư William Bourdon đã nói: Không ai phá được vụ kiện. Thắng hay không thì lại là chuyện khác”.

Theo bà, đích đến của vụ kiện không phải chuyện thắng hay thua mà là gióng lên hồi chuông “nỗi đau da cam” nhằm thức tỉnh lương tri nhân loại: “Nếu mình thắng trong vụ kiện này thì đó là một sự đền bù xứng đáng. Nhưng không chỉ vì sự đền bù đó mà tôi và các luật sư chiến đấu. Đích đến là thức tỉnh lương tri nhân loại, là làm cho càng ngày càng có nhiều người trên thế giới biết về thảm họa da cam và cùng chung tay khắc phục hậu quả và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam”.

Bà cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với ba luật sư là William Bourdon, Amélie Lefèbvre và Bertrand Repolt, những người đã sẵn lòng dấn thân, làm việc không lương trong nhiều năm và can đảm đối mặt với hàng chục luật sư được các công ty Mỹ thuê vì lòng nhân ái và tình yêu công lý.

Bà cũng cho biết vụ kiện đang ngày càng gây tiếng vang trên thế giới với nhiều bài viết được đăng trên báo chí Thụy Điển, Đức và Thụy Sĩ thời gian qua. Ngoài ra, một số nhà khoa học ở Canada và Mỹ cũng liên lạc trực tiếp với Văn phòng luật sư Bourdon & Forestier để trao đổi thông tin và luận cứ khoa học. Điều này cho thấy vụ kiện đang nhận được sự ủng hộ và quan tâm ngày càng nhiều không phải chỉ ở Việt Nam và Pháp mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. “Tôi nghĩ rằng đấy là một điều kiện hết sức thuận lợi cho những phiên tòa sắp tới”.
Bài và ảnh: Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
“Ân tình của đồng bào giúp tôi có thêm niềm tin và sức mạnh”
“Ân tình của đồng bào giúp tôi có thêm niềm tin và sức mạnh”

Trong khoảng thời gian hai tháng, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9, bà Trần Tố Nga, một người Pháp gốc Việt - người đứng đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ tại tòa đại hình thành phố Evry đã trở về Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Những tình cảm sâu đậm của đồng bào trong nước mà bà nhận được trong chuyến trở về đã tiếp thêm nghị lực cho bà trong trong cuộc chiến lâu dài và gian khó này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN