Vinh danh nỗ lực hợp tác Việt Nam-Na Uy về đào tạo nghề

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã được trao tặng "Giải thưởng Vàng Toàn cầu năm 2016" nhờ những thành công trong quá trình hợp tác với Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO) về phát triển mô hình dạy nghề kiểu mới tại Việt Nam. Đây là sự vinh danh cho mối quan hệ đối tác giữa NHO và VCCI.

Trái qua phải: Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, Giám đốc dự án đào tạo nghề của NHO Kurt Nilssen cùng nhận "Giải thưởng Vàng Toàn cầu 2016". Ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cung cấp

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn thông cáo báo chí hôm 25/9 của Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cho biết, VCCI và NHO thiết lập quan hệ hợp tác từ năm 2004. NHO hỗ trợ VCCI nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến lao động, bao gồm thương lượng tập thể, đối thoại xã hội và quản lý nguồn nhân lực.

Từ năm 2010, Chi nhánh VCCI tại TP.Hồ Chí Minh và NHO bắt đầu chương trình hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua thúc đẩy sự hợp tác giữa trường dạy nghề và doanh nghiệp. Dự án này được triển khai trong bối cảnh thị trường lao động ở Việt Nam thiếu hụt lao động có kỹ năng trong khi chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường nghề gặp nhiều bất cập, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được đòi hỏi về kỹ năng và chuyên môn của doanh nghiệp.

Với sự hỗ trợ của NHO, VCCI đã triển khai mô hình dạy nghề kiểu mới trên cơ sở mô hình dạy nghề của Na Uy, theo đó thực hiện liên kết trường với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, đóng góp xây dựng giáo trình, phương pháp giảng dạy đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; cử cán bộ kỹ thuật đến giảng dạy tại trường; tiếp nhận giáo viên và sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên tìm việc dễ dàng hơn, còn doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí đào tạo lại nhờ tuyển được đúng người mà họ cần. Điểm nổi bật của chương trình là việc thành lập ban tư vấn chất lượng của ngành nghề đào tạo, trong đó có sự tham gia của đại diện các trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện hiệp hội ngành nghề và Chi nhánh VCCI tại TP.Hồ Chí Minh.

Các đơn vị này đóng vai trò thúc đẩy sự hợp tác cũng như cải tiến chương trình và chất lượng đào tạo nghề. Đến nay, mô hình dạy nghề kiểu mới thực hiện dự án hợp tác giữa NHO và VCCI đã được triển khai tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai trong 4 ngành nghề, gồm cơ khí xe hơi, khách sạn/nhà hàng, mộc và đóng tủ. Dự kiến, VCCI và NHO sẽ triển khai mô hình đào tạo nghề kiểu mới này trên phạm vi rộng hơn, sang một số ngành nghề khác như thủy sản.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải thưởng, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh đến ý nghĩa của mô hình liên kết trường dạy nghề và doanh nghiệp ở Việt Nam mà VCCI đã thực hiện thành công nhờ dự án hợp tác với NHO. Đại sứ bày tỏ cám ơn NHO và Bộ Ngoại giao Na Uy đã ủng hộ dự án này.

Đại sứ mong muốn VCCI sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của NHO trong thời gian tới, đồng thời cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam nỗ lực triển khai những bài học kinh nghiệm từ dự án với NHO về đào tạo nghề ở quy mô quốc gia, qua đó cải thiện chất lượng dạy nghề ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng, phục vụ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian tới.

"Giải thưởng Vàng Toàn cầu năm 2016" được trao tặng cho VCCI tại Hội nghị lần thứ 13 của Mạng lưới Đối tác Doanh nghiệp - Giáo dục Quốc tế (IPN) diễn ra ở Oslo (Na Uy) giữa tháng 9/2016 vừa qua với sự tham dự của nhiều tổ chức thành viên IPN đến từ khắp nơi trên thế giới.

Lê Phương (P/v TTXVN tại London)
Nông sản Việt trước sức ép cạnh tranh từ ASEAN
Nông sản Việt trước sức ép cạnh tranh từ ASEAN

Không chỉ các nông sản thế mạnh như gạo, các ngành hàng khác như rau quả, mía đường… của Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép rất lớn khi cạnh tranh với nông sản các nước trong khối ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN