Triết lý trồng người của người Việt ở LB Nga

Cuộc sống mưu sinh của người Việt ở thủ đô Moskva không hề đơn giản. Họ phải vất vả, trăn trở, đầu tắt mặt tối kiếm tiền, để tồn tại và phát triển tại thủ đô hoa lệ nước Nga.

Tuy nhiên trong những vất vả đời thường đó, vẫn có những gia đình người Việt biết tạo lập bệ phóng vững chắc để con cái họ tự tin hướng tới tương lai.

Nguyễn Huy Trường Nam (thứ 3 từ trái sang) trong lễ trao giải thi lập trình toàn quốc tại LB Nga đội 3 người năm 2013.


Những giây phút hạnh phúc sum họp của gia đình anh Nguyễn Huy Tuấn - chị Trần Thị Minh Huệ là khi cả nhà cùng ngồi uống chè trò chuyện. Tuy nhiên, những giây phút như vậy giờ sẽ không còn nhiều bởi mùa hè này, cháu Nguyễn Huy Trường Nam nhập học chuyên ngành công nghệ thông tin Đại học Harvard danh tiếng nước Mỹ.

Không chỉ nhận học bổng của trường Đại học Harvard, Nam cùng lúc còn được đề nghị học bổng toàn phần Đại học Princeton, Đại học Colombia, và Viện công nghệ California. Để được như vậy, thành tích phổ thông của Nam thật đáng nể.

Nam đã tốt nghiệp trường chuyên "Trung tâm Giáo dục khoa học cao cấp" thuộc Đại học Tổng hợp Moskva (MGU) lớp 10 và 11; học trường chuyên Gymnasia từ lớp 5 đến lớp 9; nhiều lần giành giải nhất trong các cuộc thi tin học và toán học cấp quốc gia và quốc tế.

Kể về quá trình học tập của mình, Nam khiêm tốn nói: "Cháu rất may vì học trường Gymnasia, trường chuyên MGU, thứ nhất cháu không chỉ được học các thầy tốt nhất của Nga. Cái quan trọng hơn cháu nghĩ là cháu được học trong môi trường với bạn bè rất giỏi, họ từng đi thi toán quốc tế và quốc tế lập trình, khi học với họ mới hiểu rằng mình còn nhiều thứ phải vươn lên, và điều đó thúc giục mình cố gắng học hỏi thêm về môn toán và lập trình".

Tuy nói vậy song phải khẳng định Nam cũng có những nỗ lực vượt bậc để có thể đạt thành tích như ngày nay. Em kể: "Hồi lớp 8, khi thi cấp thành phố về lập trình cháu đủ điểm đi thi toàn quốc, nhưng bởi ở Nga chưa bao giờ có người nước ngoài thi toàn quốc nên Bộ Giáo dục Nga không biết phải làm gì với trường hợp của cháu. Tuy nhiên các thầy thấy cháu là người có tiềm năng, họ thuyết phục Bộ Giáo dục cho cháu đi thi và cháu đã được đi thi năm đó cũng như các năm sau".

Thành công của Nam cũng không thể không nhắc đến công sức của cha mẹ. Đó là tầm nhìn xa trông rộng cũng như sự kiên trì, hết lòng vì tương lai con cái mình. Bố cháu Nam, anh Nguyễn Huy Tuấn cho biết: "Ở Việt Nam, 2 vợ chồng tôi đều học trường chuyên, nên khi các cháu sang đây bọn tôi cũng muốn cho các cháu vào học trường chuyên. Nhưng để tìm ra các trường chuyên ở nước Nga cực kỳ khó. Những người đi trước chưa ai tìm cả".

"Chính vì thế bọn tôi phải qua bạn bè người Nga, qua hệ thống sách báo và đặc biệt là Internet. Tôi tìm trường chuyên cho con bằng cách qua Internet tìm xếp hạng của các trường phổ thông. Thấy những trường có xếp hạng cao thì bọn tôi nộp đơn để đi thi", anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn kể tiếp: "Khi cháu đỗ vào trường chuyên, gia đình tôi đã phải chuyển nhà từ phía Bắc xuống phía Nam để cháu học gần hơn. Còn bà xã nhà tôi hầu như ở nhà lo cho gia đình và đưa con cái đi học, thỉnh thoảng mới giúp công việc với chồng thôi, cái chính là lo cho con cái".

Nguyễn Huy Trường Nam tại cuộc thi "Actions for Earth" của "Global Youth Summit 2014" ở Singapore.


Không chỉ học giỏi, Nam còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Hè năm 2013, Nam đã tổ chức một lớp học lập trình dành cho cộng đồng người Việt ở Nga. Hè năm 2014, Nam tham gia chương trình "Trại hè Việt Nam" tìm hiểu về quê hương đất nước. Cũng trong năm đó, Nam cùng các học sinh ở Việt Nam giành giải nhất cuộc thi "Actions for Earth" của "Global Youth Summit 2014" ở Singapore.

Ngoài cậu con trai ưu tú của mình, anh Tuấn - chị Huệ còn có cô con gái Nguyễn Thùy Linh cũng học lớp 9 trường Gymnasia giống anh.

Trong căn hộ ấm cúng, tiếng đàn piano của Linh không chỉ khiến căn nhà thêm ấm cúng hơn, nó chắc chắn còn làm ấm lòng anh Tuấn - chị Huệ, vốn đã định hình cho con mình những bước đi vững chắc, theo triết lý được anh Tuấn bật mí: "Tôi vẫn nhớ ngày xưa bố mẹ tôi bảo rằng cho tiền cho bạc không bằng cho cái cần câu cơm, nghĩa là cho kiến thức để sau này con cái có thể tự dùng kiến thức kiếm tiền cho mình. Chính vì thế bọn tôi đầu tư cho con cái học hành".


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)
Điểm sáng Việt trong làng khiêu vũ Nga
Điểm sáng Việt trong làng khiêu vũ Nga

Len lỏi trong thế giới nghệ thuật choáng ngợp tại Moskva có hai điểm sáng người Việt là cặp anh em Nguyễn Cao Thành Nhân 12 tuổi và Nguyễn Cao Minh Tâm 7 tuổi.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN