Người Việt ở Nga trong cơn biến loạn của đồng ruble

Người Việt ở Nga trong cơn biến loạn của đồng ruble - Bài 2

Những ngày cuối năm này, đồng nội tệ Nga biến động không ngừng và rớt giá mạnh nhất trong suốt 16 năm qua, kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998. Cuộc sống của cộng đồng khoảng hơn 100.000 người Việt ở Nga, vì thế cũng trở nên lao đao khi bỗng chốc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức.


Ngày 15 và 16/12 (năm 2014) có lẽ sẽ là những thời khắc khó quên trong lòng nhiều người, khi đồng nội tệ Nga bỗng trượt giá thảm hại trước đồng USD và euro, từ mức 57,5 ruble xuống mức 64,45 ruble quy đổi được 1 USD. Chỉ trong một buổi chiều (15/12), đồng ruble mất giá tới hơn 10% và tính chung từ đầu năm đến nay mất giá tới hơn 45%.

Cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm của giới chức Ngân hàng Trung ương Nga với quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên thành 17%/năm, cũng không ngăn nổi tình trạng mất kiểm soát của đồng ruble.

Cảnh đìu hiu ở khu buôn bán của người Việt.


Ngày 16/12 - "Ngày thứ Ba đen tối" của nước Nga, đồng nội tệ Nga liên tục trồi sụt với những quãng giá cách biệt so với đồng USD và euro. Sau thời điểm trên, với hàng loạt biện pháp "nước rút", chạy đua với đà trượt dốc của đồng ruble, những ngày cuối tuần qua, đồng nội tệ Nga đã tương đối bình ổn, song các chuyên gia khẳng định vẫn còn quá sớm để nói rằng đồng tiền này đã thoát khỏi xu hướng sụt giảm và người dân vẫn không khỏi hoài nghi về "sức bền ổn định" của nó. 

Đồng ruble mất giá, thực ra chưa tác động mạnh tới người Nga bởi họ có thói quen tiêu và dự trữ bằng tiền ruble, tuy nhiên đối với người Việt sống và làm ăn buôn bán tại Nga thì lại khác...

"Người Việt âu lo" có lẽ là cụm từ đúng nhất để nói về tình cảnh bà con ta ở Nga lúc này. Thói quen giao dịch tiền USD đã đặt cuộc sống của người Việt ở Nga trước những thách thức lớn. Giá USD tăng biến động như hiện nay là vô cùng nguy hiểm đối với vốn liếng của người Việt, khi đa phần bà con ta làm ăn buôn bán theo phương thức hàng mua vào tính theo giá USD, trong khi hàng bán ra buộc phải tính bằng ruble, và cũng không thể tăng theo giá USD, vì sẽ không có người mua. Chính vì vậy mà số tiền thất thoát lại càng lớn. Đây thực sự là vấn đề làm đau đầu bà con người Việt buôn bán nhỏ lẻ ở chợ, khi hàng hóa đánh sang từ Việt Nam, Trung Quốc, hay Thổ Nhĩ Kỹ... nơi nào cũng phải thanh toán bằng đồng USD trong khi tiền thu về bằng đồng ruble.

Những ngày qua, đồng ruble nhiều khi biến động từng phút, khiến bà con trở tay không kịp. Doanh nghiệp Dịch vụ Hoa Cương chuyên kinh doanh đồ khô ở chợ Sadovod (Moskva) cho biết họ đánh hàng từ Việt Nam sang dù biết chắc là lỗ, nhưng không lẽ bỏ nghề?! Tình trạng làm ăn thua lỗ dường như lên đến 100% cộng đồng người Việt, chỉ khác là người lỗ nhiều, người lỗ ít.


Thậm chí bà con còn nói đùa rằng: càng làm càng lỗ, làm nhiều lỗ nhiều, làm ít lỗ ít mà không làm thì... vẫn lỗ. Vì họ phải trả tiền mua "công" ở chợ, phải chi trả lương thuê người bản địa bán hàng, hoặc đối với các chủ xưởng may thì phải trả lương công nhân, phải trả tiền thuê mặt bằng, mua vải, phụ kiện... Tâm lý "bỏ chợ" không còn là hiện tượng cá biệt nữa. Nhiều xưởng may cũng buộc lòng phải đóng cửa, hoặc làm ăn cầm chừng, cố gắng trụ lại với hy vọng "ngày mai trời lại sáng".
 (Còn tiếp)


Bài và ảnh: Quế Anh
(P/v TTXVN tại LB Nga)

Đồng ruble mất giá, cộng đồng người Việt thêm khó khăn
Đồng ruble mất giá, cộng đồng người Việt thêm khó khăn

Giá USD tăng, đồng nghĩa với khó khăn cho người Việt ở Nga tăng, đã đành là thế. Và dòng người rời bỏ nước Nga trở về quê hương những tháng cuối năm nay tăng từng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN