Luật Quản lý doanh thu trực tuyến tại Séc thêm cơ hội thành công

Hội thảo “Những sự thật và lời đồn về EET” (Luật Quản lý doanh thu trực tuyến) diễn ra tại Trung tâm thương mại Sapa ở thủ đô Praha, CH Séc ngày 12/6 đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại CH Séc.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo về EET, được Hội doanh nghiệp Việt Nam, Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại CH Séc phối hợp với Bộ Tài chính và Cục quản lý tài chính của CH Séc tổ chức nhằm cung cấp thông tin chi tiết hơn về đạo luật mới này cũng như giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp Việt Nam xung quanh việc thực hiện luật EET trên thực tế.

Tham dự Hội thảo về phía CH Séc có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis, Thứ trưởng Tài chính phụ trách thuế vụ Alena Schillerová cùng các chuyên gia về EET của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế của CH Séc. Về phía Việt Nam có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc Hoàng Đình Thắng cùng hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn kinh doanh tại CH Séc. Các phóng viên của nhiều cơ quan truyền thông của CH Séc cũng đến đưa tin về Hội thảo. 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Séc Andrej Babis nhấn mạnh phía Séc sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về luật Quản lý doanh thu trực tuyến và cho biết việc thực hiện luật này sẽ giúp tăng thu thuế 18 tỷ koruna (khoảng 666,7 triệu euro), số tiền cần thiết để có thể cải tạo và xây dựng đường sá, bệnh viện, trường học… Ông Babis cũng bày tỏ hy vọng EET sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi doanh nghiệp tại Séc, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

EET hiện đang là đề tài “nóng” trong cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc. Thậm chí nhiều người cho rằng đây là vấn đề “sống còn” đối với công việc kinh doanh của họ. Xung quanh EET cũng tồn tại nhiều đồn đại gây tâm lý hoang mang cho bà con người Việt kinh doanh tại CH Séc. 

Nhằm giúp giải tỏa những băn khoăn của các doanh nghiệp Việt Nam tại Séc khi luật EET được áp dụng trên thực tế, tại Hội thảo, bà Alena Schillerová, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách thuế vụ, và các chuyên gia về EET của Bộ Tài chính Séc đã giải thích cặn kẽ về bản chất của EET cũng như cơ chế và lộ trình thực hiện đạo luật mới này. Các diễn giả nhấn mạnh về thực chất, việc thực hiện EET sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng cho mọi doanh nghiệp và giúp tăng thu thuế cho ngân sách. 

Các chuyên gia tài chính và thuế vụ CH Séc nêu rõ rằng cộng đồng người Việt Nam tại Séc là một bộ phận rất quan trọng trong xã hội nước sở tại. Người Việt Nam có các cửa hàng bán buôn và bán lẻ tại hầu khắp các địa phương của Séc, kể cả ở các làng xã xa xôi, hẻo lánh. Để việc thực hiện EET có kết quả, Bộ Tài chính kết hợp với Hội Người Việt Nam cũng tổ chức nhiều buổi hội thảo về EET tại các địa phương để mọi người Việt Nam đang làm ăn kinh doanh tại Séc hiểu rõ về ý nghĩa của EET cũng như những việc cần phải làm khi thực hiện luật mới này.

Ông Babis phát biểu tại hội thảo.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Séc Andrej Babis cho biết: “Trước khi dự Hội thảo, tôi đã đi thăm Trung tâm thương mại Sapa. Tôi nghĩ mọi người đều biết đến Sapa, bởi đây là một trung tâm mua bán lớn của người Việt, các hoạt động mua bán lớn đều diễn ra ở đây. Đã từng có những lời đồn đại về việc người Việt Nam không trả thuế, nhưng đó không phải là sự thật, và tôi xin lỗi về điều này”. 

Liên quan đến EET, ông Babis cho biết các cơ quan hữu trách của Séc đã có các cuộc tiếp xúc với các đại diện của cộng đồng người Việt Nam về vấn đề này.  Ông bày tỏ tin tưởng sẽ có nhiều cơ hội cho người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại CH Séc. Ông Babis cũng cho biết sẽ làm việc với lãnh đạo ngành hàng không để xúc tiến việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Séc, giúp mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác song phương.

EET là hình thức nối mạng máy tính tiền ở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sản xuất với các cơ quan tài chính. Khi máy tính tiền nhập một khoản thu nào đó, dù là nhỏ nhất, ngay lập tức số liệu sẽ được truyền tới cơ quan tài chính, rồi sau 2-3 giây, cơ quan tài chính sẽ gửi lại máy tính tiền mã số của khoản thu đó để in ra cho khách hàng. Các khoản thu từ một máy tính tiền được lưu lại trong hồ sơ của cơ quan tài chính và cộng dồn vào cuối tháng để tính thuế. Một điều bắt buộc phải làm đối với người kinh doanh khi thực hiện EET là in hóa đơn mua hàng cho khách hàng, điều mà trước đây ít người đòi hỏi.

Hiện các doanh nghiệp nhỏ của người Việt Nam được chủ động khai mức doanh thu và đóng thuế theo mức doanh thu tự khai, họ đặc biệt lo ngại về EET vì trong mấy năm gần đây, việc làm ăn ngày càng khó khăn do nhu cầu mua sắm của người dân bản địa giảm và do bị cạnh tranh gay gắt từ phía các siêu thị của Séc. 

Bên cạnh tâm lý băn khoăn về khoản chi phí phát sinh trong thời điểm làm ăn khó khăn, nhiều tiểu thương Việt còn quan tâm đến các khía cạnh kỹ thuật như sự bất ổn đường truyền, nhất là vùng núi cao, sự trục trặc của máy tính tiền... Sự khắc phục các sự cố kỹ thuật đòi hỏi một khoản chi không nhỏ và cả thời gian chờ đợi.

Chị Vũ Thị Nga, chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng vải và đồ gia dụng ở vùng Bắc Séc, cho biết những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chị cảm thấy lo lắng vì khi áp dụng luật EET, mọi doanh thu sẽ được thống kê tại cơ quan quản lý thuế và được tính thuế. Như vậy số tiền phải nộp thuế sẽ tăng lên khiến lợi nhuận giảm sút, công việc kinh doanh sẽ trở nên khó khăn hơn. Theo chị Nga, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách thích nghi với điều kiện kinh doanh mới để có thể tiếp tục trụ vững tại thị trường Séc. 

Về phần mình, anh Ngô Long, chủ một công ty kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sapa, cho biết doanh nghiệp của anh đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc áp dụng EET, vì chỉ khi làm ăn nghiêm túc, tuân thủ đúng pháp luật thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, anh Long cũng nhắc tới những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian đầu thực hiện EET, trong đó có khoản chi phí lớn để đầu tư cho trang, thiết bị kết nối với hệ thống quản lý doanh thu trực tuyến.

Luật Quản lý doanh thu trực tuyến dự kiến được áp dụng từ ngày 1/12 tới theo lộ trình 4 giai đoạn cho đến năm 2018, bắt đầu từ các khách sạn, nhà hàng, cơ sở bán buôn, bán lẻ cho đến xưởng thủ công và các dịch vụ như taxi, bác sĩ, luật sư, kể cả ngân hàng và bảo hiểm. Tổng cộng có khoảng 600.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Séc chịu tác động trực tiếp của EET, trong đó có 20.000 doanh nghiệp Việt Nam.

Tin, ảnh: Ngọc Mai (Phóng viên TTXVN tại Séc)
Tìm cách làm “tan băng” trong hợp tác lao động Việt – Séc
Tìm cách làm “tan băng” trong hợp tác lao động Việt – Séc

Hạ viện Quốc hội Séc phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và trường Đại học Quan hệ quốc tế Praha ngày 30/5 tại Praha đã tổ chức Hội thảo Sử dụng lao động kỹ thuật Việt Nam tại thị trường CH Séc và khả năng hợp tác trên lĩnh vực đào tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN