06:08 21/06/2014

Người trẻ sưu tập báo cổ

Những nhà sưu tập của Diễn đàn sách xưa sưu tập được hàng trăm đầu báo giai đoạn 1865-1965, trong đó nhiều tờ báo nổi bật của báo chí quốc ngữ từ những ngày đầu xuất hiện. Họ còn rất trẻ và chẳng ai làm báo cả.

Những nhà sưu tập của Diễn đàn sách xưa sưu tập được hàng trăm đầu báo giai đoạn 1865-1965, trong đó nhiều tờ báo nổi bật của báo chí quốc ngữ từ những ngày đầu xuất hiện. Họ còn rất trẻ và chẳng ai làm báo cả.

Tim thắt lại khi tìm được tờ báo mình thích

Nguyễn Phát Hà Giang (ảnh) quê Nha Trang, hiện đang làm việc tại Vinaphone ở Hà Nội, từng học Đại học Quảng Tây (Trung Quốc), chuyên ngành kinh tế. Khi mới học lớp ba, Giang đã có niềm đam mê sưu tập tiền. Lớn lên, Giang thích văn học, thú sưu tập báo cũng bắt đầu từ khi lùng mua, tập hợp những gì liên quan đến văn học.
Đến nay Nguyễn Phát Hà Giang đã sưu tập được khoảng 200 đầu báo các loại, trong đó có nhiều báo trước năm 1945 như: Gia Định báo, Đại Nam Đăng cổ tùng báo, Nam Phong tạp chí, Đông Pháp,…

Nguyễn Phát Hà Giang rất thích tờ Đại Nam đồng văn nhật báo. Đây gần như một tờ công báo, xuất bản tại Hà Nội trước năm 1900, từ năm 1907 đổi tên thành Đại Nam Đăng cổ tùng báo. Tờ này chủ yếu đăng những thông báo, nghị định của chính quyền thực dân trong giới quan lại và Nho sĩ ở miền Bắc, phát hành ở Bắc và Trung kỳ. Báo in chữ Hán của Nha Kinh lược Bắc kỳ, Đào Nguyên Phổ làm chủ bút, được chính quyền thực dân Pháp cấp kinh phí.

Đại Nam Đăng cổ tùng báo có minh họa rất đẹp, trang bìa có tứ linh ở bốn góc, ở giữa có chữ Hán văn. Từ khi bắt đầu sưu tập báo, Giang đã “để mắt” tới tờ báo này, nhưng mãi cho đến năm ngoái mới sở hữu được nó.

“Hôm ấy, đang giờ nghỉ trưa, tôi lên mạng xem. Bất chợt thấy một bạn ở Bắc Ninh đang giữ tờ báo ấy. Khi nhìn thấy thứ từ lâu mình tìm kiếm, tim tôi như thắt lại”, Giang kể.

Ngay lập tức, Giang đã xin phép nghỉ buổi chiều, đi xe máy lên Bắc Ninh mua bằng được tờ báo ấy. Dù Giang cũng “nói khó”: “Tôi đi vất vả quá, vừa từ Hà Nội xuống đây, có thể bớt không”? Nhưng chủ nhân của tờ báo nhất quyết “định giá” 5 triệu đồng.

“May mắn cho tôi lúc ấy vừa lấy lương xong, hy sinh tháng lương đó luôn, cầm cả cục tiền 5 triệu đổi lấy tờ báo mang về Hà Nội”, Giang kể.

Cho đến bây giờ, nhớ lại việc ấy, Nguyễn Phát Hà Giang vẫn phải tự nhủ rằng, việc sưu tập báo ngoài chuyện mất nhiều công sức, thời gian, tất nhiên là cả kinh phí, thì còn phải có cơ duyên nữa. Nhưng khi người ta biết chờ đợi, thì lúc tìm được thứ mình muốn, niềm vui mới càng lớn lao.

Hiện tại, Nguyễn Phát Hà Giang đang gom góp cho đủ bộ báo Tri Tân. Tờ báo này có 214 số, hiện Giang có trong tay khoảng hơn 150 số. Tuy nhiên, theo Giang, việc tìm kiếm những số báo còn lại không hề dễ dàng.

Mưa ẩm, trời nồm - kẻ thù số 1

Tạ Thu Phong, luật sư (40 tuổi, ở Hà Nội) đã có thâm niên gần 20 năm sưu tập báo. Tờ báo cổ nhất anh có là một tờ báo lịch, in năm 1872. Tờ báo lịch này vốn của một người quen anh cũng rất yêu sách. Họ nhường lại tờ báo này cho anh, từ tủ sách quý của gia đình.

Đến nay Tạ Thu Phong đã có trong tay trên 300 đầu báo các loại. Trong đó có khoảng 100 đầu báo hiếm như: Phụ nữ Tân Văn, Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, báo Đông Pháp, những tờ báo về công - nông thương, những tờ báo ngành, báo về phụ nữ, thiếu nhi.

Báo Nông cổ mín đàm (ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) là tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Số 1 của báo ra ngày 1/8/1901. “Tờ này nếu các nhà sưu tập mà muốn có đủ số thì hiếm lắm, tôi cũng chỉ có 2 số thôi”, anh Phong cho biết.

Cũng theo anh Phong, những tờ báo cổ có nét đặc biệt về văn phong báo chí và lịch sử in ấn. Đó là những tờ báo mang văn phong cổ. Ngày trước người ta không có những chữ r, gi, x hay s, giữa hai từ thường có nét gạch ngang. “Tờ báo ngoài những thông tin về kinh tế, xã hội của từng giai đoạn thì còn lưu giữ lịch sử in ấn của người Việt thông qua chất liệu báo. Thời Pháp người ta thường dùng giấy dó, sau này giấy rơm. Những người sưu tập chỉ cần nhìn tờ báo không cần nhìn năm có thể biết tờ báo xuất bản năm nào”, anh Phong nói.

Nhưng chính điều này cũng dẫn đến việc lưu trữ chúng không hề dễ dàng, nhất là trong điều kiện miền Bắc mưa ẩm, trời nồm. Thời tiết này được coi là kẻ thù của những nhà sưu tập, nhất là với báo chí cổ. Ở những thư viện nước ngoài người ta làm hệ thống không khí ổn định, nhiệt độ lý tưởng cho việc bảo quản là 20 độ C. Những nhà sưu tập tư nhân không thể có điều kiện kinh tế để làm việc này nên áp dụng các phương pháp thủ công của các cụ truyền lại.

Theo kinh nghiệm của anh Phong, ngày trời nồm cần có máy hút ẩm. Vôi bột cũng được dùng rất hữu ích vào việc này. Để chống mối mọt cần có hạt tiêu sọ, hạt tiêu sau khi giã nhỏ cho vào túi lọc mỏng, đem để vào thùng bảo quản báo. Giấy dó hay giấy rơm có nét ưu việt là độ dai tốt nên có thể bảo quản được lâu.

“Nhưng chúng tôi cũng phải trả giá rất nhiều. Chỉ cần sơ sểnh, ba ngày mà không động đến báo, trong thời tiết ẩm, mối đã phá hỏng. Có nhiều tờ báo bị mối xông ăn hết, tôi cứ ngồi thẫn thờ cả tiếng đồng hồ”, anh Phong kể.

Hơn nữa, với anh Phong, để bảo quản báo mà đem cho vào thùng tôn thì không còn là báo chí nữa. Báo chí phải được tiếp cận với người đọc. “Nhà tôi, người yêu sách đến rất nhiều, nhiều sinh viên cũng đã tới đây. Tôi không bao giờ cho báo vào trong tủ cả, vì vậy việc bảo quản sách thêm phần khó khăn”.

Khó sưu tập được trọn bộ

Trịnh Hùng Cường (ảnh) (33 tuổi, ở Bắc Ninh) là kỹ sư điện, sưu tập báo được gần 17 năm. Nhà anh, trừ ông ngoại là người thích đọc sách ra thì chẳng có ai quan tâm nhiều đến sách, báo cả. Sưu tập báo là niềm đam mê của riêng anh, niềm đam mê tự thân, dù nó ngốn của anh không ít tiền bạc, thời gian, công sức.

Trịnh Hùng Cường sưu tập tất cả các báo, nhất là những tờ báo Việt Nam xuất bản thời kỳ đầu. Hiện nay, tờ báo cổ nhất anh sưu tập được là Gia Định báo và Thông loại khóa trình. Trong đó, Thông loại khóa trình (báo kiểu sách đọc thêm, giải trí mang mục đích giáo dục) là một trong những tờ báo tư nhân đầu tiên của VN, xuất bản năm 1888, ít người biết đến. Cường có được tờ báo này khi tham gia giao lưu trên Diễn đàn sách xưa.

Hiện tại Trịnh Hùng Cường đã sưu tập được mấy trăm đầu báo, số lượng hàng nghìn bản (báo trước năm 1954), nếu tính cả những tờ báo sau này thì còn nhiều hơn... Tuy nhiên, báo rất khó sưu tập được trọn bộ, trừ những tờ có số lượng ít, nhất là những bộ Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị.

Trong số những bộ báo đã sưu tập, Cường chỉ sưu tập được trọn bộ Văn, Sử, Địa, báo Sử Địa của Sài Gòn. Tạp chí Nam Phong sưu tầm được gần trọn bộ. Gia Định báo được coi là báo hiếm, anh cũng chỉ có vài số mà thôi. Và cũng theo Trịnh Hùng Cường, chưa thấy ai có trong tay số báo đầu tiên của Gia Định báo xuất bản năm 1865, ngay cả Thư viện quốc gia Pháp cũng không có.

Bài và ảnh: Xuân Phong