Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8:

Vượt lên nỗi đau da cam

Vượt lên số phận, người cựu binh Nguyễn Bá Cảnh quyết tâm vươn lên làm giàu từ nghề mộc bằng chính đôi tay của mình.

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Cảnh quyết tâm vươn lên làm giàu từ nghề mộc bằng chính đôi tay của mình.

Trở về quê hương sau năm năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Miền Nam, cựu chiến binh Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1953, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) mang trong mình chất độc da cam, trong số 4 người con  của vợ chồng người cựu chiến binh này có 3  cháu  bị tàn tật. Thế nhưng, vượt lên số phận, người cựu binh ấy quyết tâm vươn lên làm giàu từ nghề mộc bằng chính đôi tay của mình.

Tại xưởng mộc của cựu chiến binh Nguyễn Bá Cảnh, xóm 2A, xã Hưng Yên Bắc, Hưng Nguyên (Nghệ An), những tiếng cưa máy, đục đẽo vang lên đều đặn trước căn nhà hai tầng vào loại khang trang nhất vùng. Cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh đi lại như con thoi, chỉ đạo tốp thợ này, hướng dẫn người thợ kia hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách hàng. Nhìn cơ ngơi hiện có, nhiều người thêm nể phục ông hơn bởi ý chí, nỗ lực, vượt qua nỗi đau mang tên chất độc da cam.

Năm 1972, khi mới 19 tuổi, ông Nguyễn Bá Cảnh lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, chinh chiến khắp các chiến trường miền Đông, Tây Ninh rồi tiến về giải phóng Sài Gòn. Năm 1976 ông ra quân, về quê lấy vợ. Khi đứa con thứ 2 đang ở trong bụng mẹ thì ông tái ngũ tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chiến đấu ở Lạng Sơn. Năm 1980, ông Cảnh xuất ngũ trở về địa phương.

Ông Nguyễn Bá Cảnh tâm sự: "Sau khi xuất ngũ, tôi sinh hạ được 4 người con nhưng chỉ có cháu đầu là may mắn khỏe mạnh bình thường, ba cháu còn lại đều bị tật. Đặc biệt, có hai cháu chỉ ăn rồi ngồi một chỗ bằng xe lăn, ăn uống, vệ sinh bố mẹ cũng phải phục vụ hết; thế rồi đứa út cũng mất cách đây 3 năm. Thời gian đầu tôi cứ nghĩ là vợ chồng không may mới sinh ra các cháu như vậy, chứ không biết là cái chất độc da cam từ hồi đi bộ đội lại làm khổ con, làm khổ vợ dai dẳng đến ngày hôm nay".

Thời gian đầu, hai vợ chồng cùng 4 đứa con nheo nhóc bệnh tật nên nghèo đói cứ bám riết lấy gia đình ông Cảnh. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định thử sức với nghề mộc để vượt lên nghèo đói. Lúc đầu chỉ là sửa cái cày, cái bừa cho bà con trong xóm, đóng cái ghế, cái bàn, cái chạn bát để dùng trong nhà. Cứ vừa làm, vừa học, vừa cải tiến, dần dần những sản phẩm mộc dân dụng, nông cụ của ông Cảnh được bà con quanh vùng ưa chuộng, không chỉ người dân địa phương mà người dân ở các huyện lân cận cũng tới để đặt hàng.

Từ sản xuất bằng dụng cụ cầm tay đơn giản, ông chuyển sang đầu tư máy móc, học thêm kỹ thuật, chịu khó nghiên cứu cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Hiện nay, cơ sở mộc của ông Cảnh đã phục vụ nhu cầu về các hạng mục bằng gỗ của nhiều công trình xây dựng ở các xã lân cận và vươn sang các huyện bạn như Nam Đàn, Nghi Lộc và thành phố Vinh.

Không chỉ có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình mà xưởng mộc của cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Các lao động này chủ yếu đều là con của các nạn nhân chất độc da cam tại địa phương.

“Sự cạnh tranh các sản phẩm trên thị trường ngày càng lớn, các sản phẩm mộc làm ra phải đảm bảo tính thẩm mỹ cao, vừa đảm bảo chất lượng tốt và giá cả hợp ý thì mới thu hút được khách hàng. Nhờ sự tỉ mẩn trong từng khâu sản xuất nên các mặt hàng bàn, nghế, giường, cửa tại xưởng mộc của gia đình luôn được khách hàng ưa chuộng và được đặt hàng với số lượng ngày càng lớn. Đó chính là động lực để tôi và các lao động khác không kể ngày đêm làm việc, cho ra các sản phẩm bền, đẹp, chất lượng”, ông Phạm Bá Cảnh chia sẻ.

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân ông Cảnh, còn phải kể đến những hy sinh thầm lặng người vợ hiền luôn bên cạnh động viên ông, chăm sóc cho các con tàn tật. Kéo vạt áo lên quệt nước mắt, bà Nguyễn Thị Vân, vợ ông Cảnh cho biết: “Trong 3 đứa con sinh ra đã tàn tật thì có người con thứ 3 là tàn tật nhẹ ở hai chân nhưng vẫn có thể đi lại và làm mộc cùng ông Cảnh được. Còn đứa con thứ 2 và cháu út yếu lắm, chỉ ngồi một chỗ cười cười suốt ngày. Đến việc cho ăn, tắm rửa, vệ sinh hàng ngày cho các con cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều khi nhìn con mà thương chúng, mà tủi cho mình”.

Không chỉ bên cạnh chồng, chăm sóc các con, bà Vân còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt trong vườn nhà để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện một tay bà đang nuôi đàn trâu bò 5 con, hơn 100 con gà thịt và 50 gốc chanh cho quả quanh năm.

Ông Phạm Xuân Sâm - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết: Toàn huyện Hưng Nguyên hiện có 1.527 nạn nhân chất độc da cam/dioxin; trong đó có 417 nạn nhân gián tiếp, 326 nạn nhân ốm đau thường xuyên và 76 người không tự phục vụ được. Những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hưng Nguyên đã tích cực kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ các nạn nhân, chủ yếu tập trung vào các chương trình như hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, trao học bổng, trao quà và hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi. Hiện, trên địa bàn huyện có trên 15 mô hình kinh tế có hiệu quả do các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam làm chủ.

Trong thời gian tới, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tiếp tục kêu gọi sự chung tay góp sức của các cá nhân, đơn vị, tổ chức để tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân trên địa bàn; nhân rộng các mô hình sản xuất hộ gia đình đạt hiệu quả; tiếp tục rà soát, lập hồ sơ trình các cơ quan chức năng để các nạn nhân được hưởng đầy đủ các chế độ, trợ cấp chính sách của Nhà nước.

Bài và ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)
FrieslandCampina Việt Nam đồng hành cùng chương trình đi bộ ‘vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật’
FrieslandCampina Việt Nam đồng hành cùng chương trình đi bộ ‘vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật’

Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình đi bộ “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo” năm 2017 tại công viên văn hóa Đầm Sen với thông điệp: “Xin đừng quên họ - Dù bạn có là ai, bạn có chỗ đứng như thế nào trong xã hội, sự đóng góp của bạn với nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo cũng đem lại cho họ niềm tin lớn hơn trong cuộc sống”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN