Vườn tượng đặc sắc về các vĩ nhân và anh hùng dân tộc

Cẩn trọng, tỉ mỉ lựa chọn từng đường nét, hình ảnh cách điệu là “bí quyết” mà Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) tạo nên những bức tượng vĩ nhân, những anh hùng rất sống động. Cũng chính vì thế, dù không được học về điêu khắc hay mỹ thuật nhưng mỗi bức tượng mà ông tạo ra đều là một câu chuyện được kể bằng hình ảnh.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà, xã Nam Thành, huyện Yên Thành Nghệ An (bên trái) giới thiệu vườn tượng cho người đến tham quan. 

Sau 18 năm miệt mài, đến nay khu vườn với hàng chục bức tượng của ông đã hoàn thành, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh. Ông là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An được tôn vinh điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2023.

Tâm nguyện cháy bỏng

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà đã bước sang tuổi 78 nhưng ông vẫn miệt mài, cần mẫn đắp tượng. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà chia sẻ, năm 2001 khi đang là cán bộ tuyên giáo huyện Yên Thành, ông có dịp được đi tham quan Trung Quốc. Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bức tượng La Hán, một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu ông.

“Tôi có ước nguyện cháy bỏng làm sao bà con quê mình cũng được chiêm ngưỡng các bức tượng vĩ nhân. Năm 2005, tôi bắt đầu bắt tay thực hiện. Không được học điêu khắc nên từ suy nghĩ đến hành động vô cùng khó khăn. Ý định của tôi vấp phải sự phản đối của các con vì sợ bố tuổi cao, làm công việc nặng nhọc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, với tâm nguyện sẽ xây dựng một kho tàng tượng trong khuôn viên gia đình, tôi quyết tâm thực hiện bằng được”, ông Nguyễn Trọng Hà cho hay.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà giới thiệu tượng mẹ Thứ cho người đến tham quan.

Với sự trợ giúp của gia đình, ông Nguyễn Trọng Hà theo đuổi đam mê suốt 18 năm qua. Mỗi bức tượng là một câu chuyện lịch sử được ông kể theo một thứ ngôn ngữ riêng, toát lên nét đặc trưng, thần thái của từng nhân vật và mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Chất liệu chủ yếu của tượng là xi măng, sắt thép rất nặng nên sau khi đắp, ông phải nhờ 5 - 6 người bê lên bệ. Mỗi bức tượng hoàn thành phải mất nhiều tháng. Chất liệu xi măng nên khi pha chế phải sử dụng hết không sẽ đông cứng nên nhiều hôm ông thức trắng đêm.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà, ông chọn những nhân vật tiêu biểu đại diện cho từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Bức tượng vua Hùng Vương được ông đặt ngay từ cổng vào. Đây là bức tượng được đắp nổi trên mặt ao, phía sau là hình ảnh trống đồng Đông Sơn và lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Xung quanh bức tượng vua Hùng là cảnh núi đồi, cây cối, chim muông mô phỏng vùng đất thiêng Phú Thọ.

Tượng Bác Hồ được ông đắp trên nền hoa sen, bố trí theo kiểu lá úp, lá lật - trường phái nghệ thuật rất đặc trưng một thời của miền Nam Bộ với ý nghĩa “miền Nam luôn trong trái tim Người”. Bên cạnh là bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà giới thiệu đầu sách mới trong thư viện gia đình.

Sau khi vườn tượng hoàn thành, Nghê nhân Nguyễn Trọng Hà tiếp tục xây dựng thư viện gia đình. Thư viện dù nhỏ nhưng có hàng trăm đầu sách được ông sưu tầm, luôn mở cửa miễn phí. Công trình vườn tượng trong khu đất gần 400 m2 của gia đình ông đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tranh thủ buổi chiều được nghỉ học, em Nguyễn Anh Thư (học sinh lớp 6A, Trường Tiểu học Nam Thành) đến tham quan vườn tượng và thư viện sách của gia đình Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà. “Vườn tượng của ông Trọng Hà rất đẹp, phong phú với nhiều bức tượng về các anh hùng của dân tộc… Đến tham quan vườn tượng, em hiểu hơn về lịch sử, công lao to lớn của các anh hùng dân tộc. Em tự hứa sẽ cố gắng học tập để xứng đáng hơn với công lao, sự hy sinh của các anh hùng của đất nước”, em Nguyễn Anh Thư bày tỏ.

Hằng năm, đặc biệt vào các dịp lễ lớn, người dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tri ân. Số tiền công đức cũng được vợ chồng Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà tổng hợp và đóng góp gửi tặng Quỹ Khuyến học, lắp hệ thống nước sạch trong nhà trường hay đầu tư cải tạo giếng làng, nhiều việc làm ý nghĩa khác. 

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà, xã Nam Thành, huyện Yên Thành Nghệ An (bên phải) đã bước sang tuổi 78 nhưng vẫn miệt mài, tỉ mỉ trong việc đắp tượng.

Ông Nguyễn Công Quỹ, Bí Thư chi bộ xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành, huyện Yên Thành cho biết, khu vườn tượng của gia đình ông Hà đã trở thành “địa chỉ đỏ” để các thế hệ học sinh trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đến học tập, tham quan. Ngoài ra, tủ sách gia đình do đồng chí Hà xây dựng cũng đã mang lại hiệu quả rất cao. Hiện tại, xóm đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, ngoài trích tiền lương để ủng hộ, đồng chí Hà còn vận động, quyên góp 60 triệu đồng để làm đường bê tông, quỹ khuyến học.

Với những nỗ lực, cống hiến của mình, Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Huân chương Lao động Hạng 3, Chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015, Bằng vinh danh Nghệ nhân năm 2016…

Bài và ảnh: Văn Tý (TTXVN)
'Đánh thức' và lưu truyền phở chuẩn vị xưa
'Đánh thức' và lưu truyền phở chuẩn vị xưa

Về đất Thành Nam, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện về người phụ nữ đặc biệt, khi dành cả cuộc đời để miệt mài tìm, lưu giữ và phát huy hồn cốt của phở xưa. Nữ nghệ nhân mà chúng tôi muốn nhắc tới là chị Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Nam Định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN