Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ:

Vẹn nguyên ký ức về những trận đánh

Khu tập thể Bắc Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội những ngày tháng 7 bình yên như vốn có của nó.

Biết có khách gặp, thương binh hạng 2/4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hướng vội bỏ dở công việc gần đó trở về nhà. Bà con trong khu tập thể cũng sốt sắng cùng ông, bởi xung quanh đây đều là gia đình quân nhân, sống gần gũi, quây quần với nhau.

Ông Hướng hiền lành, chân chất, dễ tạo thiện cảm, khác hẳn sự quyết liệt, quả cảm trong những năm chiến đấu ở chiến trường. Với chất giọng miền Trung ấm áp, ông Nguyễn Văn Hướng say sưa kể về những ngày chiến đấu gian khổ và tình đồng đội nơi mưa bom bão đạn. Tim ông như nghẹn lại khi nhắc tới những đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Trở về cuộc sống đời thường, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Hướng tích cực tham gia công tác xã hội.

Ông Hướng bồi hồi nhớ lại: Vào tháng 9/1966, ông tham gia trận đánh cùng Sư đoàn 9 miền Đông Nam bộ. Trong trận đánh đó, ông bắn 5 quả B40, diệt 3 xe tăng địch, tiêu diệt 10 lính Mỹ, cùng đồng đội triệt phá 1 hỏa điểm của địch. Khi được hỏi về kỳ tích này, ông khiêm tốn nói: Trước kia ông ở Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 A, Quân khu 4, sau khi vào chiến đấu ở Tây Nguyên đổi thành Trung đoàn Bắc Sơn và chuyển đến miền Đông Nam bộ tiếp tục đổi thành Trung đoàn Q16 miền Đông Nam bộ.

Khi vào chiến trường miền Đông Nam bộ, Trung đoàn của ông chưa có kinh nghiệm đánh xe tăng của địch nên ông cùng 2 đồng chí thuộc hai Tiểu đoàn khác được cử sang Sư đoàn 9 miền Đông Nam bộ học tập kinh nghiệm để phổ biến cho toàn Trung đoàn. Trong trận đánh tháng 9/1966, ông Nguyễn Văn Hướng được một đồng chí Trung đội phó kèm, hướng dẫn cách bắn B40. Do quá hồi hộp nên quả hỏa tiễn đầu tiên ông bắn trượt mục tiêu, lần bắn thứ hai mới trúng đích. Đây là trận đánh khốc liệt, quân Mỹ với lực lượng xe tăng hùng hậu được sự hậu thuẫn của máy bay quần thảo trên trời, khói lửa mù mịt cả một vùng.

Hơn 10 năm tham gia chiến đấu cùng Trung đoàn ở chiến trường Đông Nam bộ, ông Nguyễn Văn Hướng tham gia hơn 100 trận đánh khắp các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định - Củ Chi. Là tay súng nhiều kinh nghiệm của Trung đoàn, trong suốt thời gian đó, ông tiêu diệt được 10 xe tăng và gần 100 lính Mỹ, Ngụy. Trung đoàn của ông cũng được ghi nhận thắng lợi ở nhiều trận đánh lớn, để có được chiến công đó, nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại đất mẹ.

Trong trận đánh sáng 21/3/1967 ở miền Đông Nam bộ, sau khi triệt hạ một xe tăng địch, ông Nguyễn Văn Hướng bị trúng đạn, vỡ xương hàm mặt. Vết thương nặng buộc ông phải điều trị ở bệnh xá và sau đó lẽ ra được Trung đoàn đưa ra Bắc an dưỡng, điều trị. Vốn là con người không dễ chấp nhận số phận, sống có trách nhiệm với đồng đội, ông Nguyễn Văn Hướng tình nguyện ở lại chiến đấu cùng đơn vị, bất chấp những vết thương trên cơ thể.

“Trong chiến đấu, chúng tôi hạ quyết tâm, người trước ngã xuống, người sau tiếp tục xông lên, người bị thương nặng phải tự băng bó, người bị thương nhẹ tiếp tục chiến đấu”, ông Nguyễn Văn Hướng quả quyết với giọng nói và tiếng cười không tròn vành bởi di chứng của chiến tranh.

Ông Hướng chia sẻ, đồng đội cứ mất dần trên khắp các chiến trường nên khi mới bị thương mà đã trở về hậu phương ông không đành lòng. Vì vậy, khi được điều ra Bắc điều trị vết thương, ông kiên quyết từ chối và xin được ở lại chiến đấu. Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Hướng nghĩ mình có kinh nghiệm chiến đấu nên cần phải ở lại để phổ biến cho các tân binh mới được bổ sung. Việc ông ở lại đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho cả đơn vị, nhất là các chiến sỹ mới. Những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do vết thương, ông tự khắc phục để tiếp tục sát cánh cùng đồng đội. Khó khăn là vậy nhưng điều vui nhất đối với ông là được sinh hoạt, chiến đấu cùng đồng đội, dù cuộc chiến ấy khốc liệt đến đâu, ông tin dân tộc ta sẽ đánh bại kẻ thù xâm lược. Và đại thắng mùa Xuân năm 1975 là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự quả cảm chiến đấu không tiếc máu xương của những người lính vì nền độc lập của dân tộc.

Với những thành tích trong chiến đấu, ông Nguyễn Văn Hướng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978. Trở về cuộc sống đời thường, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội tại khu dân cư và nhận được sự tin yêu của nhân dân trong khu phố.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Về nơi phát tích ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7
Về nơi phát tích ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7

Những ngày cuối tháng 7, ở khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 thuộc xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), luôn tấp nập những đoàn khách từ mọi miền của Tổ quốc về dâng hương tưởng niệm anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN