Ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu

Xuống huyện Mường Ảng (Điện Biên) hỏi ông Lò Văn Phanh, dân tộc Thái, ở xã Ẳng Nưa, người đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình kinh tế tổng hợp để làm giàu, thì bất cứ cán bộ, hay người dân nào trong vùng đều biết.

Khoảng 18 năm trước, gia đình ông Phanh cũng chìm trong cảnh đói nghèo như hàng trăm hộ khác ở xã Ảng Nưa này. Khi Công ty cây công nghiệp Điện Biên triển khai hợp đồng để trồng cà phê, nhận thấy lợi ích của loại cây trồng mới, ông mạnh dạn đứng ra nhận đất, trồng và chăm sóc hơn 4 ha.

Ông Lò Văn Phanh.


Do đây là loại cây dài ngày, ít nhất phải 3 năm mới bói quả, 5 năm mới cho thu hoạch có lãi, nên nhiều hộ đã trồng cà phê như ông lại quay sang trồng cây lương thực. Cả bản chỉ còn gia đình ông tiếp tục theo đuổi. Để có vốn đầu tư, ông mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp 10 triệu đồng mua máy xay xát, máy phát điện cung cấp cho cả bản.

Số tiền kiếm được, ông tiếp tục mua phân bón, vật tư nông nghiệp đầu tư vào vườn cà phê cho đến khi thu hoạch. Đến thời điểm này, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 14 tấn cà phê hạt khô, bán được từ 600 - 700 triệu đồng.

Có lãi, ông Phanh tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, mua máy móc phục vụ việc canh tác, sơ chế sản phẩm của mình. Hiện mô hình sản xuất của ông có máy kéo để cày kéo, vận chuyển vật tư phân bón lên vườn và chở sản phẩm về nhà; máy phay, máy sát cà phê với băng chuyền tự động, nên giảm đáng kể nhân công sản xuất.

Thăm cơ ngơi của gia đình ông Lò Văn Phanh, cảm nhận đầu tiên là cách tổ chức sản xuất bài bản, quy củ của 1 người có đầu óc. Trước ngôi nhà sàn lợp ngói rộng lớn, vững chắc là khu sân rộng lớn như sân kho hợp tác, láng xi măng sạch sẽ, đang phơi ngồn ngộn cà phê hạt đã sơ chế.

Phía sau hệ thống chuồng trại với trên 20 đầu lợn thịt, lợn nái, hàng trăm gia cầm các loại và hệ thống ao cá rộng 2.500 m2. Từ mô hình chăn nuôi này, mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường vài tấn lợn thịt, cá thịt; hàng trăm lợn giống và gia cầm các loại.


Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng


Cô giáo vùng cao đam mê sáng tạo
Cô giáo vùng cao đam mê sáng tạo

Vào nghề hơn 10 năm, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy môn toán, cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã sáng tạo ra phương pháp giảng dạy mới cho môn toán học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN