Tạo dựng cơ nghiệp trên vùng Đồng Tháp Mười

Nhờ nguồn lợi từ cây khoai mỡ, dứa, sau hơn 25 năm lập nghiệp trên vùng Đồng Tháp Mười, anh Nguyễn Thanh Tùng đã có cơ ngơi bền vững gồm 12 ha đất chuyên canh dứa và xây được nhà cửa khang trang trị giá hàng tỉ đồng.

Anh Tùng tạo dựng cơ ngơi từ việc canh tác dứa.

Có dịp về Tân Phước, huyện vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), chúng tôi được nghe những lời khen về tính cần cù, chịu khó của anh Nguyễn Thanh Tùng - tỉ phú trên miền đất Đồng Tháp.

Năm 1988, anh Tùng quê ở xã Phú Mỹ (Tân Phước) đi bộ đội và xuất ngũ năm 1991. Do quê cũ nghèo, ít đất canh tác, anh đã mua 3 ha đất ở Thạnh Mỹ (Tân Phước) để tạo dựng cơ nghiệp.

Thạnh Mỹ vốn nằm trong vùng đất trũng Đồng Tháp Mười, nhiễm phèn nặng, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt tuy nhiên đất đai lại thích hợp trồng khoai mỡ, khóm (dứa)… Gần đây, khi hệ thống thủy lợi hoàn thiện, đưa nguồn nước ngọt cải tạo đất đai nên thuận lợi để trồng lúa, rau màu, cây ăn trái và một số loại cây trồng khác. Trong những năm đầu tiên vào dựng nghiệp ở Thạnh Mỹ, anh Tùng đã nghiên cứu điều kiện thủy văn, thổ nhưỡng đất đai, lên líp trồng khoai mỡ vụ sớm bán có giá, hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện mục tiêu, anh thuê đắp bờ bao quanh khu đất 3 ha để ngăn lũ bảo vệ cây trồng. Có đê bao, anh xuống giống khoai mỡ vào tháng 10 âm lịch, sớm hơn chính vụ từ 1 - 2 tháng, đến tháng Giêng năm sau thu hoạch. Nhờ thu hoạch sớm, nhu cầu thị trường lớn, nguồn cung hạn chế, anh luôn bán giá cao gấp đôi so với chính vụ.

Đây là cách làm sáng tạo, đi tiên phong trong sản xuất rải vụ ở tỉnh Tiền Giang trên lĩnh vực trồng khoai mỡ. Với năng suất 10 – 12 tấn, giá bán trên 10.000 đồng/kg vào thời điểm cách đây gần 25 năm, sản lượng khoai mỡ của anh đạt trên 30 tấn (3 ha), trừ đi chi phí còn lãi ròng trên 150 triệu đồng. Từ lợi nhuận tích lũy nhờ trồng khoai mỡ, anh đầu tư mua thêm 9 ha đất, nâng tổng quỹ đất sản xuất lên 12 ha.

Những năm về sau, khi đất không còn thích hợp trồng cây khoai mỡ, anh Nguyễn Thanh Tùng chuyển đổi mô hình sang trồng chuyên canh dứa - loại cây trồng đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Ưu điểm của dứa là ít tốn công chăm sóc so với khoai mỡ, đầu ra ổn định, là nguyên liệu phục vụ ngành chế biến xuất khẩu. Tại Tân Phước đã hình thành vùng trồng chuyên canh trên 16.000 ha dứa, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 300.000 tấn quả.

Khi chuyển đổi sang trồng dứa, anh Tùng chú ý áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng trái tốt tham gia thị trường. Theo anh Tùng, trước đây, canh tác theo tập quán cũ, nông dân trồng dứa một lần nhưng thu hoạch đến 6 – 7 năm liên tiếp, chừng nào dứa quá già cỗi không đạt năng suất mới phá bỏ trồng lại. Cách làm này có hạn chế là năng suất ngày một giảm, chất lượng trái ngày một kém, hiệu quả kinh tế do vậy không cao. Để khắc phục, anh chú ý chọn giống tốt, làm đất kỹ, trồng với mật độ vừa phải, bình quân 25.000 cây giống/ha và áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, đồng thời sau chu kỳ thu hoạch khoảng 3 năm phá ra trồng lại. Với cách làm này, dứa quả đạt độ đồng đều, trái tốt, thị trường thu mua giá cao. Mặt khác, giảm được nguy cơ sâu bệnh tấn công ruộng dứa cùng những lợi ích to lớn khác mang lại người nông dân.


Anh Tùng cho biết, với cách làm như trên, dứa cho năng suất 22 - 25 tấn/ha, cao hơn 3 - 5 tấn so với mức bình quân toàn vùng. Năm 2016, sản lượng dứa thu hoạch của anh Tùng đạt trên 300 tấn quả, trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu. Nhờ nguồn lợi từ cây khoai mỡ, dứa, sau hơn 25 năm lập nghiệp trên vùng Đồng Tháp Mười, anh Nguyễn Thanh Tùng đã có cơ ngơi bền vững gồm 12 ha đất chuyên canh dứa và xây được nhà cửa khang trang trị giá hàng tỉ đồng. Anh có ba người con, trong đó người con cả sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương theo cha chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; con thứ đang học năm cuối đại học và con út đang học phổ thông.

Anh Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ nhận xét: Anh Nguyễn Thanh Tùng là một tấm gương nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của vùng đất mới. Không chỉ làm giàu cho riêng bản thân, anh Tùng còn quan tâm giúp đỡ bà con xóm ấp vượt khó thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật canh tác, ủng hộ tiền, công sức phát triển giao thông nông thôn, thực hiện an sinh xã hội mỗi năm hàng chục triệu đồng. Nhiều hộ nông dân được anh giúp đỡ sau vài vụ sản xuất thắng lợi đã vượt khó thoát nghèo, dựng nên cơ nghiệp như: Lê Văn Hải (Tân Hòa Đông, Tân Phước), Lê Văn Tám  (Thạnh Mỹ, Tân Phước). Nhờ đó, nhiều năm liền anh Nguyễn Thanh Tùng được nhận danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. Anh vinh dự được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã Thạnh Mỹ nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Tiền Giang phát triển mạnh vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản
Tiền Giang phát triển mạnh vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản

Nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế vườn theo hướng xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, nông dân huyện Cai Lậy đã có thu nhập bình quân mỗi ha vườn 150 triệu đồng/năm đối với mùa thuận và đạt kỷ lục từ 300 - 400 triệu đồng/năm vào mùa nghịch, cao gấp 10 lần trồng lúa năng suất cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN