Người thầy giáo nặng lòng với chữ Bru - Vân Kiều

Gắn bó với ngành giáo dục trong suốt sự nghiệp của mình, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà giáo Hồ Chư (sinh năm 1949) xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã truyền dạy chữ Bru - Vân Kiều cho rất nhiều thế hệ học trò.


Thầy Hồ Chư là một trong những người hiếm hoi của dân tộc Vân Kiều bước vào giảng đường trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng đối với ông, quãng thời gian công tác trong ngành giáo dục để lại nhiều ấn tượng nhất. Ông là người trực tiếp giảng dạy chữ Bru - Vân Kiều cho hàng trăm học viên là cán bộ công chức và lãnh đạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Ông Hồ Chư tâm sự: “Muốn giữ được nền văn hóa của dân tộc mình, thì trước hết phải giữ được tiếng nói và chữ viết. Tôi chỉ mong rằng thông qua các buổi dạy, để lại cho lớp cán bộ trẻ vốn kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc Pakô, Vân Kiều".

Quãng thời gian sau nghỉ hưu đến nay, ông chuyên tâm công tác nghiên cứu về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều, với mong muốn có thể góp một phần sức mình trong việc truyền bá và đưa chữ viết đến với thế hệ trẻ. Ông tham gia biên soạn và xuất bản những cuốn sách về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều và giáo trình tiếng Bru - Vân Kiều cho hệ THCS. Ông Hồ Chư cho biết: Khó khăn nhất trong việc soạn thảo tiếng Bru - Vân Kiều thành ngôn ngữ chữ viết chính là ký âm, vì trong ngôn ngữ chữ thuần Việt không có âm bật hơi, âm tắc, âm xát, âm rung... nhưng trong tiếng Bru - Vân Kiều những âm này rất phổ biến. Mặt khác, tiếng Bru - Vân Kiều là ngôn ngữ chưa thành văn, nên việc dịch thuật, chuyển ngữ rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn cao "Để có thể nghiên cứu cũng như dạy ngôn ngữ Bru - Vân Kiều được tốt, người dạy phải thực sự tâm huyết đam mê với nghề và luôn nỗ lực trau dồi kiến thức mới truyền được lửa cho học sinh của mình", ông nói.

Là một người con dân tộc Vân Kiều, đau đáu trong mình những trăn trở về việc giữ gìn nguồn cội văn hóa của cha ông mình, thầy Hồ Chư vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến sức lực của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển ngôn ngữ Bru - Vân Kiều. Để phong phú thêm kiến thức trong quá trình giảng dạy, ông thường đến các bản làng khác nhau để tìm hiểu từng phong tục, tập quán những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ đó, tìm hiểu, sưu tầm những câu chuyện, những làn điệu dân ca, những tư liệu về văn hóa truyền thống của cha ông mình để lại. Ông được xem là một cuốn Bách Khoa toàn thư về văn hóa Bru - Vân Kiều.
Bài và ảnh: Thanh Thủy
Cố gắng học để mẹ yên lòng
Cố gắng học để mẹ yên lòng

Đàm Thị Ngọc Anh là chị cả trong gia đình có 4 chị em. Bố em là người Nùng di cư từ Cao Bằng vào buôn Dur, xã Dukmal, huyện Krông Ana, Đắk Lắk làm ăn. Hai vợ chồng cố gắng lao động nhưng nhà đông con nên kinh tế không mấy khá giả, vẫn hụt bữa trước, thiếu bữa sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN