Người mẹ hiền của học sinh khuyết tật

Đã 23 năm, cô giáo Trương Thị Ngọc Hà gắn bó với các em học sinh Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng. Các học sinh ở đây đa phần sức khỏe yếu kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đều mang trong mình khiếm khuyết và nỗi bất hạnh khác nhau…

Cô Hà đang giải lại bài cho một học sinh trong lớp. Ảnh: baodanang.vn

Hằng ngày, cô Ngọc Hà như “người mẹ thứ hai”, luôn lo lắng chăm sóc và thương yêu, tận tụy dạy dỗ các em từ kiến thức đến kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, chỉ bảo cặn kẽ những điều nhỏ nhặt nhất.

Trường Chuyên biệt Tương lai cơ sở 1 (38 Trần Bình Trọng, TP Đà Nẵng) - nơi cô Hà giảng dạy có hơn 200 em học sinh khuyết tật, đa số các em mắc các dạng tật về thính giác, trí tuệ, tật vận động… Chức năng của trường chủ yếu là dạy văn hóa, phục hồi chức năng, giáo dục kỹ năng sống và dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật.

Năm 1994 trường được thành lập, cũng là năm cô Hà tốt nghiệp khoa sư phạm tiểu học Trường Đại học Đà Nẵng, chân ướt chân ráo về trường nhận công tác. Do chưa trải qua cách giảng dạy học sinh chuyên biệt trong các tiết học ở giảng đường nên cô rất lúng túng.

Cô Hà tâm sự, hồi đầu mới về trường cô lo lắng nhiều lắm, dù đã cố giảng giải nhiều lần mà các em vẫn không hiểu, cô dạy trước trò quên sau rồi nhiều em trong giờ học quậy phá. Nhiều em sức khỏe yếu kém và không tự chủ được hành vi của mình buộc cô phải quan sát, để ý thật cẩn thận để đảm bảo an toàn cho cả lớp.

Khó khăn, cực nhọc là thế nhưng không bao giờ cô nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, bởi cô luôn tâm niệm các con sinh ra không được may mắn, mang trong mình nỗi bất hạnh, nếu cô không bù đắp phần nào thì các con sẽ càng thiệt thòi, đáng thương nhiều hơn.

Nghề nào cũng vậy, mỗi nghề có những nỗi vất vả và niềm hạnh phúc riêng. Vì vậy, nếu nhìn thấy các con tiến bộ mặc dù rất nhỏ qua từng ngày như khi các con đánh vần đúng chữ, làm đúng những phép tính,… đó cũng chính là phần thưởng lớn nhất để cô Hà tự nhủ phải luôn vượt qua khó khăn, gắn bó và đồng hành cùng học sinh nơi đây.

Để chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp tới, trong buổi sinh hoạt dưới cờ nhà trường đã phát động cho các em tìm hiểu những bài hát, bài thơ viết về phụ nữ rồi sau đó các em sẽ xung phong lên thể hiện hát cho cả trường cùng nghe. Đó tưởng chừng là niềm vui rất đỗi bình thường, nhưng đối với giáo viên dìu dắt các em học sinh đặc biệt, nhận thấy các em đã học được cách yêu thương và biết cách thể hiện tình yêu thương, niềm vui đó đã thực sự được nhân lên rất nhiều.

Em Thái Quang Tuệ, học sinh lớp C7 do cô Hà chủ nhiệm chia sẻ: “Sắp tới là ngày 8/3, em cùng các bạn trong lớp sẽ cắt dán những bông hoa và vẽ tranh rồi tô màu để đem về tặng cho mẹ và cô Hà, hai người mà con rất thương”.

Bên cạnh với các hoạt động chào mừng của nhà trường, lớp học của cô Hà cũng đã ngập tràn không khí của ngày Lễ từ rất sớm. Những bông hoa tươi thắm của các em học sinh dành tặng, được cô Hà khéo léo kết thành những lẵng hoa trang trí đẹp đẽ; những trang thơ với nét chữ nắn nót nhất viết về người phụ nữ của học trò được cô tỉ mỉ dán trưng bày trên báo tường của cả lớp...

Đặc biệt, vào các giờ học kỹ năng tự phục vụ, cô Hà còn chỉ dạy cho các bạn nữ trong lớp về kỹ năng tự làm đẹp cho bản thân. Cô hướng dẫn cho các em biết cách chải tóc, cột tóc lên sao cho gọn gàng và ăn mặc dễ thương hơn. Còn các bạn nam sẽ được cô hướng dẫn cách thể hiện tình cảm trong những ngày Lễ, Tết như Ngày Quốc tế Phụ nữ bằng cách phụ giúp mẹ làm thêm những công việc nhà hay tự làm thiệp rồi viết lời chúc mừng, học cắt dán hoa tặng mẹ, tặng bà…

Cô Hà đang giảng bài cho các em học sinh. Ảnh: bacha.edu.vn

23 năm không quá ngắn cũng không quá dài, có thể nói tuổi xuân tâm huyết của quá nửa cuộc đời cô Hà đã dành cho các em học sinh khuyết tật nơi đây. Nếu không có tình yêu thương các em vô điều kiện thì hẳn cô đã không thể gắn bó với trường, với các em lâu đến như vậy. Không phải lên lớp dạy hết tiết rồi về mà là quá trình kèm cặp truyền tải kiến thức, chăm lo các em từ miếng ăn cho đến giấc ngủ hay có những em “phải chính tay cô đút mới chịu ăn”.


“Những ngày lễ 8/3, 20/11 hay dịp Tết Nguyên đán, niềm vui của chúng tôi cũng thật khác khi nhận được tin nhắn, những cuộc điện thoại, những bức tranh vẽ chúc mừng của các em. Những bức tranh được các em vẽ tặng, tôi đều ghi tên tác giả rồi đóng khung cẩn thận rồi treo xung quanh tường nhà”, cô Hà vui mừng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng cho biết: Do thiếu hụt giáo viên, năm học 2016 - 2017, trường buộc phải gộp hai lớp lại làm một nên lớp cô Hà chủ nhiệm lên đến 23 em. Con số đó là bình thường so với học sinh bình thường nhưng với học sinh của trường đó là một điều cực kỳ khó khăn. Học sinh đông là thế, mỗi em một tính cách, độ tuổi khác nhau (từ 11 - 16 tuổi), mang trong mình nhiều khuyết tật khác nhau nhưng không bao giờ cô Hà than phiền một lời nào mà tất cả các học sinh dưới sự giáo dục của cô đều có sự tiến bộ rõ rệt.

Là "cánh chim đầu đàn" từ những ngày trường mới thành lập, bản thân cô cũng thường xuyên hỗ trợ động viên tinh thần và hướng dẫn các cô giáo mới về trường công tác cách tiếp cận để nắm đặc điểm, tìm hiểu tâm tư của từng em để có hướng giáo dục phù hợp.

23 năm bén duyên với học sinh khuyết tật, với những nỗ lực đóng góp tích cực, cô Trương Thị Ngọc Hà nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 2 lần được giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tặng bằng khen vì đã có thành tích xây dựng và phát triển Trường Chuyên biệt Tương Lai. Đặc biệt Cô giáo Hà là một trong 20 thầy, cô giáo của thành phố Đà Nẵng vừa được vinh danh nhận giải thưởng Võ Trường Toản vì sự nghiệp giáo dục vào cuối năm 2016.

“Cô giáo như mẹ hiền”, câu nói ý nghĩa sâu sắc ấy có thể đã quá đủ để diễn tả tình thương của cô Hà dành cho các em học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai thành phố Đà Nẵng. Và dẫu phía trước cuộc sống còn nhiều khó khăn với học sinh nơi đây nhưng tin rằng, với những người mẹ hiền tận tụy như cô Hà – những bông hoa mãi thắm trong sự nghiệp giáo dục của thành phố, các em sẽ dần khắc phục được khiếm khuyết và có đủ tình thương, đủ nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Cao Phương (TTXVN)
1.155 phụ nữ tiêu biểu tham gia Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII
1.155 phụ nữ tiêu biểu tham gia Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017-2022 với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập" chính thức khai mạc vào sáng 7/3/2017, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN