Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới ở Phú Lương

Cùng với huyện Đại Từ, trong năm 2023, phong trào Hiến đất và tài sản trên đất mở rộng đường giao thông 6m trở lên, xây dựng công trình công cộng đã được nhân rộng tại huyện miền núi Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Chú thích ảnh
Đường giao thông nông thôn tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương mới được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Qua thống kê sơ bộ, năm 2023, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tự nguyện hiến gần 30.000m2 đất, 9.200 ngày công lao động, huy động hơn 7,9 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới 31 tuyến đường với tổng chiều dài trên 25 km, xây mới 6 nhà văn hóa, sửa chữa 7 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố... góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa phương.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Phú Lương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, đẩy mạnh phong trào hiến đất, tài sản để mở đường, xây dựng các công trình phúc lợi khác.

Ngay sau khi thống nhất các nội dung về xây dựng tuyến đường mẫu tại các xã, thị trấn, các xã trong huyện nhanh chóng triển khai rà soát những tuyến đường trục xóm, ngõ xóm nhỏ hẹp, xây dựng tuyến đường mẫu với các tiêu chí: Có chiều rộng tối thiểu 6m, có đèn chiếu sáng, khuyến khích trồng cây xanh hai bên đường, luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, có cảnh quan đẹp, bảo đảm tiêu chí “rộng - sáng  -xanh - sạch - đẹp”.

Các xã, thị trấn trong huyện đều thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản trên đất để mở rộng đường xóm từ 6m trở lên. Thành viên các Tổ công tác của huyện, cán bộ, công chức cấp xã và nhân dân các xã, thị trấn cùng tháo dỡ công trình, chặt cây cối, giải phóng mặt bằng để mở rộng đường xóm 6m; đồng thời tích cực tham gia ngày lao động tình nguyện vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Chỉ trong thời gian ngắn, địa bàn huyện Phú Lương xuất hiện hàng trăm hộ dân và các tập thể tự nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất cho các công trình làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa...

Chú thích ảnh
Nhà văn hóa xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh được đầu tư xây dựng khang trang có sự đóng góp tích cực của cộng đồng.

Điển hình như cán bộ và nhân dân xóm Pháng 2 (xã Phú Đô) hiến trên 5.000m2 đất; cán bộ và nhân dân xóm Thanh Đồng (xã Yên Đổ) hiến trên 4.500 m2 đất. Nhiều gia đình dù điều kiện kinh tế còn khó khăn vẫn hiến đất, tài sản lớn trong gia đình, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung, lợi ích lâu dài của cộng đồng. Tiêu biểu có các gia đình ông Hoàng Xuân Cảnh (xóm Ao Sen, xã Động Đạt) hiến hơn 1.000 m2 đất; Lâm Minh Đức (xóm Pháng 2, xã Phú Đô) hiến 1.600 m2 đất; La Văn Đậu (xóm Pháng 1, xã Phú Đô) hiến trên 2.000 m2 đất...

Một số hộ không chỉ hiến đất mà còn phá rỡ tường rào và các công trình trên đất để làm đường giao thông nông thôn như gia đình các ông Hoàng Quốc Toản, Nguyễn Trọng Hùng, Hoàng Xuân Thanh, Đỗ Văn Hoan ở xóm Cây Cài (xã Cổ Lũng); Nguyễn Xuân Trọng (xóm Liên Hồng 8, xã Vô Tranh), Bùi Văn Minh (Xóm 1/5, xã Vô Tranh) hiến 300 m2 đất và đóng góp 50 triệu đồng...

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương cho biết: Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phú Lương là huyện có xuất phát điểm thấp, còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng, đường giao thông thôn. Do vậy, việc người dân tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình công cộng… đã góp phần tạo nên thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục lan tỏa phong trào Hiến đất, tài sản trên đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công cộng, tạo tiền đề quan trọng để Phú Lương đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Gỡ vướng cho người dân sau khi hiến đất làm đường giao thông nông thôn
Gỡ vướng cho người dân sau khi hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Tại Tây Ninh, nhiều hộ dân được Nhà nước vận động đã hiến đất xây dựng công trình công cộng, làm đường giao thông nông thôn, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Thế nhưng, sau khi đường đã mở rộng nhiều năm, diện tích đất của người dân không được ngành Tài nguyên và Môi trường chỉnh lý biến động công trình công cộng kịp thời vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất dẫn đến vướng mắc khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bán, tặng cho con cháu…). Nhiều hộ không thể làm thủ tục thế chấp, vay vốn ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN