Khởi nghiệp với nghề chế tạo máy nông nghiệp

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Trần Văn Hảo (sinh năm 1990, ngụ thôn Phước Hòa 4, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đã thành công trong việc chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.

Anh Trần Văn Hảo sản xuất máy trồng củ đa năng.

Năm 2012, anh Trần Văn Hảo tốt nghiệp Cử nhân ngành Kỹ thuật ô tô tại trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Sau vài năm làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015, anh quyết định trở về quê nhà với mong muốn lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Xác định khởi nghiệp bằng nghề nông, trước khi về quê, anh Trần Văn Hảo đã tìm hiểu về một số loại cây trồng trên đất Tây Nguyên.

Anh cho biết, vào thời điểm đó, nghệ là một trong những cây trồng khá mới ở vùng đất đỏ Bazan, anh muốn thử sức với loại cây trồng này. Tìm hiều kỹ thuật canh tác cây nghệ, năm 2015, anh Trần Văn Hảo bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng việc trồng 4 ha nghệ. Dù gặp không ít khó khăn, mùa vụ đầu tiên, anh Hảo khá thành công khi năng suất và giá thành ổn định. Trừ chi phí sản xuất và nhân công, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Mùa vụ đầu tiên thành công ngoài mong đợi nhưng để lại cho anh nhiều trăn trở khi thấy sức lao động của người nông dân bỏ ra quá nhiều cho một mùa vụ. Hơn nữa, việc thiếu hụt nhân nhân công phục vụ cho các khâu gieo giống, bón phân, làm cỏ, thu hoạch làm anh Hảo nảy sinh ý tưởng phải chế tạo ra máy móc để giải quyết bài toán về nhân công. Sẵn vốn kiến thức liên quan đến máy móc, gia đình lại có xưởng cơ khí, anh Hảo đã nghiên cứu nguyên lý hoạt động, cấu tạo chi tiết máy, từ đó sáng chế ra chiếc máy trồng củ đa năng, phục vụ cho việc trồng nghệ của gia đình, giúp giảm lượng nhân công và tăng năng suất lao động.

Trước đây, để trồng 1 ha nghệ, gia đình anh phải thuê 20 nhân công trồng trong một ngày. Khi đưa máy trồng nghệ do anh chế tạo vào sử dụng, gia đình anh Hảo chỉ mất 3 nhân công để trồng 1 ha nghệ trong một ngày. Bên cạnh đó, việc trồng bằng máy mang lại những lợi thế nhất định, từ tạo luống, bón phân lót, phân bố nghệ giống, khoảng cách giữa các cây đều được máy tính toán hợp lý, đúng kỹ thuật canh tác.

Tuy nhiên, chiếc máy đầu tiên được đưa vào sử dụng cũng có không ít hạn chế.Nhiều chi tiết máy chưa phù hợp khi vận hành, cấu tạo của máy chưa đáp ứng được điều kiện đai đất ở Tây Nguyên. Qua quá trình thử nghiệm, anh Hảo đã điều chỉnh một số chi tiết cấu tạo của máy. Đến nay, sản phẩm máy trồng nghệ của anh Trần Văn Hảo đã hoạt động ổn định, phát huy được nhiều ưu thế so trồng trọt theo hướng thủ công truyền thống. Việc đưa máy trồng nghệ vào sử dụng không chỉ giúp tiết kiệm nhân công mà còn làm tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Theo tính toán của anh Hảo, với 2 ha nghệ hiện tại của gia đình, nếu sử dụng máy móc để canh tác, sau mỗi mùa vụ gia đình anh thu lãi thêm khoảng 20 - 30 triệu đồng so với việc thuê nhân công như trước đây. Ngoài trồng nghệ, máy trồng củ đa năng do anh Hảo sáng chế có thể trồng gừng, khoai tây… theo nhu cầu sản xuất.

Máy trồng củ đa năng do anh Trần Văn Hảo chế tạo.

Không dừng lại ở đó, anh Trần Văn Hảo tiếp tục nghiên cứu, sáng chế thành công máy thu hoạch nghệ, cùng hệ thống máy sản suất tinh bột nghệ hoàn chỉnh. Những máy móc do chính tay anh Hảo thiết kế đã giúp gia đình anh hình thành dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ khép kín, từ khâu gieo giống, bón phân, thu hoạch sản phẩm thô đến việc làm sạch, nghiền nghệ, vắt bột nghệ, tách tinh dầu.


Tính ưu việt của những chiếc máy do anh Hảo chế tạo đã được khẳng định. Nhiều nông dân, công ty trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước đã tìm đến anh Hảo để tham khảo và đặt hàng sản phẩm máy trồng củ đa năng.Từ đầu năm 2017 đến nay, anh Hảo đã bán được 6 máy trồng củ đa năng với mức giá 30 - 35 triệu đồng/máy.

Do tập trung vào việc chế tạo, sản xuất máy theo đơn hàng, gia đình anh Trần Văn Hảo đã giảm diện tích trồng nghệ xuống còn 2 ha, sử dụng những máy móc tự chế tạo để sản xuất tinh bột nghệ, trừ mọi chi phí sản xuất, sau mỗi mùa vụ gia đình anh thu lãi hơn 300 trăm triệu đồng. Chia sẻ về việc liên tục chế tạo ra máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Hảo cho biết, bản thân anh vốn đam mê cơ khí, từ nhỏ thích tìm hiểu các chi tiết máy móc, đây là cũng là lý do để anh phấn đấu học ngành kỹ thuật ô tô.

Từ khi quyết định khởi nghiệp bằng nghề nông anh đã chuyển niềm đam mê của mình vào việc chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện mong ước làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Hảo cho biết thêm, thời gian tới anh sẽ làm thủ tục đăng ký bản quyền cho những máy móc mình sáng chế và mong muốn những sản phẩm của mình được nhiều người biết đến, được ứng dụng rộng rãi, góp phần cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động. Anh Trần Văn Hảo xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm cho các thanh niên noi theo trên con đường khởi nghiệp.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Lão ngư đam mê chế tạo máy nông nghiệp
Lão ngư đam mê chế tạo máy nông nghiệp

Ở tuổi 64, lão ngư Huỳnh Tiển ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vẫn luôn không ngừng sáng tạo phục vụ cuộc sống. Những máy móc nông nghiệp do ông sáng chế đều được bà con quanh vùng ứng dụng rất nhiều và cho năng suất lao động cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN