Giữ bình yên, no ấm cho bản làng

Trong hai cuộc kháng chiến, theo lời kêu gọi của già làng, trưởng bản, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Đồng Nai một lòng theo Đảng, anh dũng chiến đấu. Ngày nay những con người đó lại trở thành hạt nhân của phong trào bảo vệ bản làng, hướng dẫn người dân sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no. Họ cũng là cầu nối đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến với dân tộc mình.

Đồng bào dân tộc Chơ Ro vui trong ngày hội.


Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là danh hiệu mà ông Huỳnh Công Danh (sinh năm 1950, dân tộc Chơ Ro), ngụ tại ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu được đồng bào và chính quyền tỉnh Đồng Nai suy tôn. Người Chơ Ro ở ấp Lý Lịch 1 sinh sống trên mảnh đất này từ trước năm 1945. Trong 2 cuộc kháng chiến, nơi đây trở thành căn cứ địa chiến khu Đ của cách mạng. Chiến tranh qua đi, đời sống của người Chơ Ro ở Lý Lịch 1 ngày càng đi lên, đa số bà con đã thoát khỏi đói nghèo. Ông Danh chia sẻ: "Vùng này có nhiều thế lực thù địch muốn phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 2009, bị mất mùa, có mấy người tự xưng thay mặt hội từ thiện chở theo một xe tải gạo đến phân phát cho dân. Dân làng ai cũng muốn lấy gạo nhưng họ vẫn hỏi ý kiến của tôi. Sau khi làm việc tôi nhận ra họ mang gạo đến không phải vì thiện chí. Tôi yêu cầu họ phải thông qua chính quyền, thế là họ bỏ đi".

Đầu năm 2012, một nhóm người đến ấp Lý Lịch 1 xin danh sách các hộ dân với lý do “để trao quà và trợ cấp thường xuyên”. Các đối tượng này “hứa” sẽ trợ cấp cho các gia đình mỗi tháng một số tiền nhất định từ một tổ chức ở nước ngoài tài trợ. Để dân tin cầu nguyện có thể chữa khỏi bệnh, những người này đưa ra các dẫn chứng với những con người rất cụ thể. Tuy nhiên, khi dân làng yêu cầu họ xác nhận với chính quyền họ lại từ chối và bỏ đi. Trong thời gian này, 4 lần các đối tượng xấu đã đến ấp Lý Lịch 1 phát băng đĩa, tài liệu tuyên truyền mê tín dị đoan, muốn lợi dụng đồng bào Chơ Ro để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ông Huỳnh Công Danh đã họp dân và thống nhất thu giữ tài liệu, báo cáo sự việc với chính quyền địa phương.

Còn ông Lèo Thạch Sơn (dân tộc Nùng), người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm, huyện Thống Nhất lại đi đầu trong việc vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Sơn đã vận động đồng bào dân tộc hiến hơn 2.000 m2 để làm đường giao thông nội đồng, đường giao thông trong ấp, vận động người dân đóng góp 400 triệu đồng để xây dựng đường bê tông dài 1.200m. Ông tâm sự: "Đời sống của đồng bào dân tộc dù đã được cải thiện nhưng một số hộ vẫn còn nghèo, việc vận động họ đóng góp một số tiền lớn để làm việc chung là không thể. Tôi đã tổ chức họp dân, phân tích cho họ cái được của việc hiến đất, làm đường giao thông. Sau khi được sự nhất trí của bà con, chúng tôi đưa ra các mức đóng góp khác nhau tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Nhờ vậy việc bê tông hóa đường giao thông được triển khai nhanh chóng".

Ấp Ngô Quyền có 186 hộ dân tộc Nùng. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của bà con chủ yếu là theo "ý trời". Sau khi tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dân, ông Sơn đã làm việc với các ngành liên quan để họ mở các lớp chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Đồng bào hào hứng tham gia học tập, áp dụng kiến thức được học nên sản lượng ngô, lúa và cây ăn trái của người dân đã tăng hơn 30% so với trước. Hàng ngày ông Sơn luôn dành thời gian đến tận các hộ gia đình, hướng dẫn người dân cách làm, nói cho mọi người biết về những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người dân tộc như vay vốn, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt, bảo hiểm y tế, tuyên truyền để 100% thanh niên dân tộc Nùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường nhập ngũ.

Ông Huỳnh Công Danh và ông Lèo Thạch Sơn là những tấm gương tiêu biểu trong số gần 150 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đồng Nai. Chính việc luôn chia sẻ cùng đồng bào những gì mình biết, mình hiểu bằng những hình thức tuyên truyền đơn giản, khéo léo, họ đã đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cộng đồng, qua đó góp phần giữ bình yên, no ấm cho bản làng.



Công Phong

Người phụ nữ Chơ Ro sản xuất giỏi

Trước đây, cuộc sống của chị Điểu Thị Lạc, dân tộc Chơ Ro, sinh năm 1958, ở xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) rất khó khăn, phải đi làm thuê mà vẫn không đủ ăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN