11:08 16/11/2012

“Người tiếp sức” giúp hộ nghèo vươn lên

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Tuyên Quang, hàng vạn hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đã có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Tuyên Quang, hàng vạn hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đã có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Riêng từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay của Ngân hàng đạt trên 1.281 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo đạt hơn 548 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) hơn 226 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn gần 195 tỷ đồng... , với gần 90.000 hộ còn dư nợ.


 

Được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình anh Nguyễn Thành Thức ở xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng chuyên gia công máy cơ khí nông nghiệp như máy cày, bừa, xe cải tiến... Hiện cơ sở của anh thường xuyên có 10 công nhân làm việc với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh: Anh Thức (phải) kiểm tra sản phẩm cơ khí.  Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang đã giúp nhiều người nghèo trên địa bàn tỉnh biến ước mơ trở thành hiện thực. Gia đình ông Đặng Văn Diết, bản Thôm Luông, xã Thượng Nông, huyện Na Hang có 5 người, bố ông bị tàn tật, không có khả năng lao động. Bao năm qua, ước mơ lớn nhất của gia đình ông là có một mái nhà kiên cố. Gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng và được Ngân hàng CSXH huyện Na Hang cho vay thêm 8 triệu đồng không tính lãi trong 3 năm, cùng với nỗ lực của gia đình và sự giúp đỡ của anh em dòng họ, ông đã dựng được ngôi nhà 3 gian khang trang, từ đó cuộc sống của gia đình ông đã dần ổn định.


Từ khi tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV đã mở ra cơ hội cho con em các gia đình nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được đến trường và không còn tình trạng con em gia đình hoàn cảnh khó khăn thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phải bỏ học vì không đủ khả năng tài chính. Với gần 2.400 tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn, bản và 140 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, bảo đảm để Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân kịp thời vốn vay cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay trong quá trình giao dịch. Đến hết quý III/2012, toàn tỉnh đã có trên 15.600 HSSV của hơn 13.300 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.


Gia đình anh Nguyễn Văn Hiền, thôn Làng Báu, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên có 4 người con theo học tại các trường đại học, cao đẳng... Gia đình anh hoàn cảnh khó khăn, thu nhập chính chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng, ngoài ra không có thêm một nguồn thu nhập nào khác, nên mỗi lần đến kỳ đóng học phí, anh Hiền lại phải chạy vạy khắp nơi, có khi phải vay lãi cao để gửi cho con. Những tưởng ước mơ đại học của các con phải dừng lại do điều kiện kinh tế quá khó khăn, nhưng được chính quyền xã giới thiệu, được cán bộ tín dụng của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên hướng dẫn tận tình các thủ tục, giấy tờ vay vốn và được ngân hàng cho vay 75 triệu đồng, gia đình anh đã không phải lo lắng về khoản tiền học phí của con. Anh Hiền chia sẻ: "Nếu không có khoản tiền Nhà nước cho vay, có lẽ các con tôi không thể thực hiện được ước mơ học hành". Hiện người con lớn của anh đã tốt nghiệp, ra trường và có việc làm ổn định, giúp bố mẹ trả nợ cho ngân hàng theo đúng quy định.


Ông Trương Văn Bình, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để nguồn vốn quay vòng và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, Ngân hàng CSXH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa hoạt động của đơn vị. Ngân hàng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn vay, chủ động thông báo nợ đến hạn. Tại các điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn, ngân hàng niêm yết thông báo chính sách tín dụng ưu đãi mới cũng như nội quy giao dịch, danh sách hộ vay, số tiền nợ, lãi đã trả. Khi bà con có nguyện vọng vay vốn, ngân hàng hướng dẫn người dân làm hồ sơ thủ tục vay cụ thể, nhiệt tình, không gây phiền hà. Các hộ được vay vốn đã tích cực lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.


Đưa nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã giúp bà con phát triển sản xuất, góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đem lại hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh Tuyên Quang.

 

Quang Cường