09:08 02/09/2012

Người thích nghĩ việc lớn và làm từ việc nhỏ

Trong mỗi công việc, dù nhỏ đều cần có lòng quyết tâm và sự chuyên cần. Đó là phương châm sống và cũng là bí quyết của GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, người vừa được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 30/6/2012.

Trong mỗi công việc, dù nhỏ đều cần có lòng quyết tâm và sự chuyên cần. Đó là phương châm sống và cũng là bí quyết của GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, người vừa được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 30/6/2012.

 

Tâm huyết từ việc nhỏ


GS.TS Nguyễn Anh Trí luôn tâm niệm, đã là một “đầu tàu” thì phải gương mẫu, đã quyết tâm làm thì phải tập trung và làm tới cùng thì hiệu quả công việc mới đạt kết quả cao nhất. Bởi vậy, ông luôn chú ý rèn luyện cán bộ, nhân viên y tế trong Viện phải mang lại lợi ích cho người bệnh từ những việc rất nhỏ.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Bằng danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS. TS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

 

Ông thường hay nói với nhân viên của mình rằng: “Cần phải xác định công tác khám chữa bệnh chính là một nghề dịch vụ và là nghề phục vụ đặc biệt. Vì thế, việc đem lại sự tiện lợi, thoải mái cho người bệnh cũng là điều tất yếu phải làm”. Đó cũng chính là lý do tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ nhiều phong trào lạ nhưng rất thiết thực đã được phát động như: “Mỗi người làm một việc tốt vì người bệnh”, “Mỗi tháng rèn một việc tốt”...


“Với phong trào “Mỗi người làm một việc tốt vì người bệnh”, mỗi cán bộ của chúng tôi đều ý thức hơn trong nỗ lực thực hiện những việc làm tốt để giảm bớt nỗi đau của người bệnh. Ví dụ, một nữ y tá cần phải chú ý hơn trong việc tiêm cho bệnh nhân hàng ngày, thay vì rút nhanh mũi kim, có thể làm người bệnh đau bật cả máu thì cần phải nhẹ nhàng, từ từ lấy mũi kim ra. Đó là việc rất nhỏ nhưng rất cần cho người bệnh”, GS. TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.


Cũng với phương châm quan tâm đến người bệnh từ những việc rất nhỏ, Viện trưởng Nguyễn Anh Trí cũng chính là người đã tạo nên một sự khác biệt rất riêng và thú vị tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ; đó là, người bệnh và người nhà không còn phải lo đến việc giặt quần áo vì được giặt sấy quần áo miễn phí hàng ngày. Theo GS Trí: “Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh và gia đình, Viện cũng tránh được tình trạng thân nhân người bệnh không biết sử dụng sẽ làm hư hỏng nhanh hệ thống nước. Khi Viện phải đầu tư sửa chữa về cơ sở vật chất thì mọi việc sẽ phức tạp hơn”.


Trước khi cùng chúng tôi tới khu vực phòng bệnh, GS Trí vừa với tay lấy chiếc điều khiển để tắt điều hòa và vừa mỉm cười giải thích: “Từ cán bộ đến nhân viên của Viện đều quán triệt về việc sử dụng hiệu quả các trang thiết bị. Tôi còn yêu cầu nhà cung cấp hướng dẫn cách sử dụng các loại thiết bị điện, nước sao cho hiệu quả và tiết kiệm. Vì thế việc sử dụng điều hòa nhiệt độ ở chế độ vừa phải và khi ra khỏi phòng là phải tắt máy để tiết kiệm điện... đã trở thành ý thức của mọi người”.

 

Để “góp gió thành bão”


Chín năm được giao trọng trách là người “đứng mũi chịu sào” một viện chuyên ngành về máu lớn nhất cả nước, GS.TS Nguyễn Anh Trí chú ý rèn nhân viên từng việc nhỏ để mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Việc đào tạo nhân lực, rèn luyện họ để trở thành những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên là điều mà ông luôn đau đáu.


Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, giai đoạn khó khăn nhất trong 9 năm đảm nhận vai trò Viện trưởng của ông là những năm 2003 - 2004. Khi đó, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ mới tách ra khỏi BV Bạch Mai nên cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ, còn trang thiết bị thì lạc hậu, thô sơ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ thiếu trầm trọng vì tới 1/3 số cán bộ của Viện đã ở lại BV Bạch Mai, nghĩa là lúc này Viện chỉ có vẻn vẹn 100 cán bộ để hoạt động.


Tình hình của Viện lúc đó khiến các thầy là những “cây đa, cây đề” của ngành huyết học cũng phải lo lắng. Một thầy đã chia sẻ với GS.TS Trí rằng: “Thầy lo nhất là đội ngũ cán bộ của Viện trẻ quá. Không có trình độ, kiến thức thì khó mà đảm đương được chức năng của một Viện đầu ngành, nơi sẽ triển khai những kỹ thuật tiên tiến nhất, đồng thời cũng là nơi phải làm tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ của ngành trong toàn quốc”. GS. TS Trí cũng rất lo để làm sao Viện sớm có được một cơ sở khang trang và lo hơn cả là làm sao xây dựng được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao.


Để nâng cao cả lượng và chất cho đội ngũ cán bộ của Viện, GS Trí đã chọn lựa và quyết định đưa hàng trăm bác sĩ trẻ đi tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại những nước có nền y học tiên tiến ở châu Âu, Bắc Mỹ. Với cách làm này, tới nay, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ đã có gần 650 cán bộ, nhân viên, trong đó nhiều cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn giỏi, có khả năng triển khai nhiều kĩ thuật cao như thực hiện thành công ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại và tự thân để điều trị các bệnh nguy hiểm về máu như lơxêmi, đa u tủy xương, u lympho ác tính... “70% cán bộ của Viện dưới 35 tuổi. Một đội ngũ quá trẻ, nhưng tôi rất tự hào và tự tin về trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ ở Viện”, GS. TS Nguyễn Anh Trí hồ hởi cho biết.


Điều đáng ghi nhận là trong những lời chia sẻ của đồng nghiệp, Viện trưởng Nguyễn Anh Trí luôn là một cán bộ gương mẫu, ông thường là người tới cơ quan sớm nhất và cũng là người về muộn nhất. Hay như trong suốt quá trình xây dựng trụ sở mới của Viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí luôn dành thời gian rảnh hoặc ngày nghỉ để giám sát tại chân công trình. Nhờ vậy, chỉ sau gần 4 năm từ ngày khởi công (cuối năm 2006) trụ sở mới của Viện đã hoàn tất và đưa vào sử dụng trong khi rất nhiều trụ sở của các cơ quan khác khởi công cùng thời điểm với Viện nhưng đến nay vẫn còn dang dở.


Và từ năm 2010 đến nay, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ đã có được một cơ ngơi khang trang, bề thế với diện tích 10.000 m2 gồm 3 tòa nhà hiện đại và còn có cả một sân bay trực thăng. Đặc biệt, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ được trang bị hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến cho phép chẩn đoán, điều trị các bệnh về máu, hỗ trợ tạo máu cho hơn 650 bệnh nhân/ngày. Trong Viện có Trung tâm Truyền máu Hà Nội, bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm máu an toàn, chất lượng cho hơn 100 bệnh viện thuộc 16 tỉnh, thành phố phía Bắc.


Bên cạnh đó, thời gian qua, GS.TS Nguyễn Anh Trí còn là một “nhạc trưởng” tài hoa trong việc khởi xướng, tổ chức và triển khai thành công nhiều hoạt động hiến máu nhân đạo và đặc biệt là Chương trình Lễ hội Xuân Hồng (triển khai từ năm 2008). Chỉ trong 5 kỳ Lễ hội Xuân Hồng (2008 - 2012) đã huy động được 23.072 đơn vị máu từ hơn 76 vạn người tham gia và đến nay sự kiện này đã trở thành Ngày hội của những tấm lòng nhân ái rất riêng của Việt Nam. Nhờ các hoạt động hiến máu nhân đạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng khan hiếm máu trong điều trị, cấp cứu trong các dịp trước và trong Tết Nguyên đán.


GS.TS Nguyễn Anh Trí tâm sự rằng, mục tiêu sắp tới của ông còn nhiều lắm, nhưng điều mà ông mong mỏi nhất là làm thế nào thúc đẩy được phong trào hiến máu nhân đạo trên cả nước, để mỗi dịp hè về, Tết đến, người bệnh và cả những cán bộ của Viện Huyết học và Truyền máu TƯ không còn phải “lo đến bạc cả tóc” vì thiếu máu. “Để đạt được tỷ lệ 2% người dân tình nguyện hiện máu là rất khó (hiện nay, mới đạt 0,86%).


Đó là chưa nói đến chuyện nếu không nỗ lực thúc đẩy thì phong trào tình nguyện hiến máu còn rất dễ đột ngột đi xuống. Vậy nên, trước tình hình các bệnh về máu đang tăng lên, trước nỗi đau của người bệnh, tôi và những cán bộ của tôi luôn quyết tâm cố gắng hoàn thành tốt từ việc nhỏ nhất để có thêm nhiều những giọt máu nghĩa tình cho người bệnh, “góp gió sẽ thành bão mà”, GS.TS Nguyễn Anh Trí vui vẻ chia sẻ trước lúc tạm biệt chúng tôi.

 


Phương Liên