06:09 14/06/2012

Người thắp sáng ước mơ của trẻ nghèo Nêpan

Cánh cổng của trường Gyanodaya Bal Batika ở ngoại ô thủ đô Cátmanđu (Nêpan) mở rộng và một nhóm học sinh chạy ào ra với khuôn mặt rạng rỡ... Không ai có thể tin rằng cách đây bảy năm, những đứa trẻ hồn nhiên và yêu đời này được tìm thấy trong một chuồng bò bẩn thỉu.

Cánh cổng của trường Gyanodaya Bal Batika ở ngoại ô thủ đô Cátmanđu (Nêpan) mở rộng và một nhóm học sinh chạy ào ra với khuôn mặt rạng rỡ... Không ai có thể tin rằng cách đây bảy năm, những đứa trẻ hồn nhiên và yêu đời này được tìm thấy trong một chuồng bò bẩn thỉu.

 

Cánh cổng của trường Gyanodaya Bal Batika - một trong những ngôi trường tư có tiếng ở ngoại ô thủ đô Cátmanđu (Nêpan) - mở rộng và một nhóm học sinh khoảng 20 em chạy ào ra với khuôn mặt rạng rỡ. Các em mặc trên người những bộ quần áo sạch đẹp và cùng nuôi mơ ước mai sau trở thành bác sĩ, luật sư hay nhà khoa học như nhiều bạn học xuất thân từ những gia đình khá giả trong trường. “Em muốn trở thành phi công sau khi ra trường. Em sẽ theo đuổi một ngành khoa học ở trường đại học, có lẽ là ở Pháp” - Rita Bhandari, 14 tuổi, một trong những học sinh xuất sắc nhất của trường tâm sự với đôi mắt sáng ngời. Ngắm nhìn Rita và các bạn của em, không ai có thể tin rằng cách đây bảy năm, những đứa trẻ hồn nhiên và yêu đời này được tìm thấy trong một chuồng bò bẩn thỉu, dưới bộ dạng nhếch nhác và ốm yếu.

 

Vợ chồng ông bà Gene và các em nhỏ tại nhà từ thiện. Ảnh Internet

 

Giống như 19 người bạn của mình, Rita sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng Humla xa xôi, hẻo lánh và được gia đình tin tưởng trao vào tay một số người nói rằng sẽ đưa Rita lên thành phố và tìm cho em một cơ hội để có tương lai sáng lạn hơn. Hóa ra đây là những kẻ buôn người. Chúng đưa Rita và 19 đứa trẻ từ Humla tới Cátmanđu, tại đây, bọn trẻ hoặc bị bán làm nô lê tình dục hoặc bị bóc lột sức lao động trong những nhà máy gạch.

 

Doanh nhân người Ailen Gene Lane-Spollen và vợ Maura là những vị cứu tinh đã đưa tay cứu lũ trẻ tội nghiệp ra khỏi cảnh khốn cùng. Vào thời điểm đó, vợ chồng ông Gene (64 tuổi, nhân viên hãng Coca-Cola đã nghỉ hưu) đến thăm Nêpan và biết được thông tin về một nhóm trẻ phải sống trong chuồng bò. “Đó là một ngày tháng 3 lạnh giá và khi bước chân vào chuồng bò, chúng tôi không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bọn trẻ bởi vì trong đó vô cùng tối tăm, không có đèn cũng chẳng có cửa sổ” - ông Gene nhớ lại - “Khi mắt đã quen với bóng tối, chúng tôi mới nhìn rõ trong chuồng bò có rất nhiều trẻ em. Tài sản duy nhất của lũ trẻ là một sợi dây chăng ngang chuồng bò để vắt những bộ quần áo tơi tả”.

 

Ông Gene và bà Maura đã đưa 20 đứa trẻ, trong độ tuổi từ 3 đến 9, ra khỏi chuồng bò, lập một nhà từ thiện cho lũ trẻ sinh sống và đăng ký cho các em vào học tại trường Gyanodaya Bal Batika, nơi lũ trẻ (từ trước tới giờ chỉ biết mỗi ngôn ngữ bản xứ) được học tiếng Anh và tiếng Nêpan. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, lũ trẻ đã đua nhau để học tốt hơn và bắt đầu biết mơ ước về tương lai, ông Gene cho biết.

 

Khi được hỏi về ân nhân của mình, Rita và lũ trẻ đều có chung một câu trả lời: “Gene giống như cha đỡ đầu và ông ấy đã làm thay đổi cuộc đời của chúng em”. Mặc dù chưa có ai trong số 20 em nhỏ quay trở về Humla nhưng nhiều em đã bày tỏ về việc một ngày nào đó sẽ tìm về nơi chôn rau cắt rốn của mình. “Em sẽ trở về Humla và sẽ gắng sức phát triển ngôi làng. Em muốn cùng với mọi người dựng nên một ngôi trường ở Humla” - cậu bé Basanta Budhathoki, 15 tuổi, tâm sự.

 

Tại nhà từ thiện, lũ trẻ thức giấc lúc 6 giờ sáng để cầu nguyện, sau đó các em dọn dẹp nhà của và ôn bài trước khi tới trường. Từ trường trở về, các em được nghỉ ngơi trong 1 giờ đồng hồ và nhanh chóng ngồi vào bàn học. Vào các kỳ thi, lũ trẻ có thể thức tới 10 giờ hoặc 11 giờ tối để học bài. Những quy định nghiêm ngặt về giờ giấc này là điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà từ thiện của ông Gene với những cơ sở từ thiện khác ở Cátmanđu - nơi lũ trẻ tự xoay sở mọi việc và kết quả là nhiều trẻ em quay trở lại cuộc sống vật vờ nơi đường phố.

 

Tuy nhiên, ông bà Gene gặp không ít khó khăn nhằm duy trì cuộc sống tốt đẹp cho lũ trẻ ở nhà từ thiện. Chi phí ăn ở và học hành cho 20 đứa trẻ lên tới 2,8 triệu rupee (35.000 USD)/năm, trong đó ông Gene và bà Maura chi trả phần lớn và các nhà hảo tâm đóng góp phần còn lại. “Nếu bọn trẻ có đồ ngon để ăn, thuốc tốt để chữa bệnh, được giáo dục cẩn thận và được theo học tại những trường có tiếng thì không có lý do gì khiến các em phải dừng lại. Bọn trẻ có thể đạt được bất kỳ điều gì các em mong muốn” – ông Gene khẳng định.

 

 

Hồng Hạnh (Theo AFP)