06:22 18/06/2014

'Người tên lửa' Trung Quốc của Iran

Khi Iran và các nước phương Tây nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, một kỹ sư Trung Quốc, người đã giúp Iran phát triển tên lửa đạn đạo đã trở thành một trong những người bị Mỹ truy nã gắt gao nhất và cái giá cho “cái đầu” của người này lên tới 5 triệu USD.

Khi Iran và các nước phương Tây nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, một kỹ sư Trung Quốc, người từng giúp Iran phát triển tên lửa đạn đạo, đã trở thành một trong những người bị Mỹ truy nã gắt gao nhất, với mức giá trả cho “cái đầu” của người này lên tới 5 triệu USD.

Doanh nhân Trung Quốc Li Fangwei, hay còn được gọi là "Karl Lee", bị Mỹ buộc tội xem thường lệnh cấm quốc tế trong quan hệ thương mại với Iran. Theo một bản cáo trạng được tuyên bố hồi tháng 4 vừa qua thì Li Fangwei và những đồng sự của anh ta đã tiến hành công việc kinh doanh ở thành phố New Yok (Mỹ) từ năm 2011 cho đến thời gian gần đây - 5 năm sau khi các quan chức Mỹ thúc giục chính phủ Trung Quốc yêu cầu Li Fangwei chấm dứt hoạt động, và 2 năm sau khi chính quyền thành phố New York buộc tội Li Fangwei về 119 tội danh gian lận và lừa gạt liên quan đến ký kết hợp đồng với Iran.

Khi các nhà đàm phán quốc tế gặp nhau tại Geneva trong vòng đàm phán tiếp theo về tương lai của chương trình hạt nhân Iran, Li Fangwei là một minh chứng cho thành công của Cộng hòa Iran trong việc xây dựng sức mạnh quân sự bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Sự bất lực trong việc hạn chế Li Fangwei cho thấy tính chất phức tạp và những xung đột lợi ích xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Nếu những cuộc đàm phán hiện nay thất bại, Israel chắc chắn sẽ tiếp tục yêu cầu một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào những cơ sở hạt nhân của Iran. Nếu điều này xảy ra, Iran sẽ khai hỏa các tên lửa đã được sản xuất với sự giúp đỡ của Li Fangwei vào các tàu chiến của hải quân Mỹ ở vịnh Persique, những thành phố của Israel và các cơ sở vũ khí hạt nhân ở Dimona.

Ông Li Fangwei. Ảnh: D.B


Theo bản cáo trạng thì Li Fangwei, 42 tuổi, một kỹ sư luyện kim, chủ doanh nghiệp ở phía Đông Bắc thành phố Đại Liên, Trung  Quốc, là một người “có đóng góp quan trọng” cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran trong nhiều năm. Với sự giúp đỡ của Li Fangwei, Bộ quốc phòng Iran có được những vật liệu có độ bền cao có thể sử dụng trong chế tạo tên lửa đạn đạo và máy ly tâm khí được sử dụng để làm giàu uranium. Nhà máy sản xuất tên lửa của Iran (chung với Hezbollah ở Lebanon) là nơi trú ẩn an toàn trước những cuộc tấn công từ Mỹ và Israel.

Đầu năm nay, Washington đã đồng ý với quan điểm của Israel rằng đàm phán về hạt nhân nên bao gồm việc thảo luận về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, yêu cầu này đã bị Iran bác bỏ. Trung Quốc ủng hộ trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, nhưng lại cho rằng lệnh trừng phạt nên được sự đồng thuận từ nhiều phía. Chính phủ Trung Quốc phản đối bản cáo trạng đối với Li Fangwei và cho biết Trung Quốc “kịch liệt phản đối” việc sử dụng những điều luật Mỹ để áp đặt một lệnh cấm thương mại với Iran.

Trên thực tế, Bộ ngoại giao Mỹ đã cố gắng, nhưng đã thất bại trong việc yêu cầu Bắc Kinh phải có hành động đối với Li Fangwei từ thời chính quyền của Tổng thống Bush "con".

Tháng 2/2013, Li Fangwei nói với hãng tin Reuter rằng mình không hề vi phạm bất cứ một luật nào và cho biết từ lâu ông đã không còn quan hệ gì với Iran. Nhưng trong con mắt của phương Tây, Li Fangwei vẫn là người cần phải loại bỏ.

Trong một bài báo gần đây về công việc của Li Fangwei, Daniel B.SaLi Fangweisbur, một chuyên gia phân tích tình báo Anh và Ian J. Steward thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học và an ninh ở London cho biết: “Không chỉ vì AQ Khan (Abdul Qadeer Kha là một nhà khoa học hạt nhân người Pakistan, người đã bán công nghệ hạt nhân cho Iran và Triều Tiên trong những năm 1980) có một nhà máy sản xuất những công nghệ phổ biến vũ khí nhạy cảm, bán những sản phẩm của họ để sử dụng trong những chương trình bị cấm, bất chấp sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, lý do để lên án Li Fangwei là chưa hề có tiền lệ vì mục đích không phổ biến vũ khí, có thể được xem đây là tín hiệu cho thấy chính phủ Mỹ vẫn chưa hài lòng với phản ứng từ phía Trung  Quốc”.

Trong một bản phân tích gửi Viện khoa học và an ninh quốc tế, một quan chức Mỹ là David Albright và hai đồng nghiệp đã gọi Li Fangwei là “kẻ phổ biến hàng loạt”. Ngoài ra, việc Trung Quốc không có hành động nào trong nhiều năm để chấm dứt hoạt động của Li Fangwei cho thấy Trung Quốc có thể đang “dung túng cho hành vi vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và kiểm soát xuất khẩu quốc tế”.

Li Fangwei không chỉ được cho là vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran mà còn xỏ mũi giới chức Mỹ. Li được cho là đã sử dụng những công ty bình phong để tiến hành 165 vụ giao dịch trị giá 8,5 triệu USD trong nước Mỹ từ năm 2006. Li Fangwei đã thực hiện chuyển tiền ra và vào các tài khoản với ít nhất 6 ngân hàng có trụ sở tại New York, bao gồm Citibank, Morgan Chase, American Express Bank, Well Fargo, Bank of America, và Bank of China.

Trang mạng Wikileak tiết lộ năm 2009, khi các nhà ngoại giao Mỹ than phiền rằng Li Fangwei đã bán các công nghệ chế tạo và sản xuất tên lửa đạn đạo cho Iran, ngay lập tức Bộ ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ điều này.

Theo bản cáo trạng, quan hệ của Li Fangwei với Tehran vẫn được tiếp tục thông qua một “mạng lưới các công ty lớn”. Tháng 8/2009 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton đã “chỉ trích việc thiếu các hành động chính trị của các quan chức Trung Quốc”.

Sau khi Mỹ, Trung  Quốc và các cường quốc khác trên thế giới áp đặt một lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Iran năm 2009, Li Fangwei đã “đi vào hoạt động bí mật”. Năm 2011, Li đã nhận được một số lời đề nghị từ phía Iran chế tạo một số máy móc sản xuất sợi aramid, vốn được dùng trong sản xuất tên lửa đạn đạo và máy li tâm khí. Giữa năm 2010 và năm 2013, Li đi lại nhiều lần tới Iran để tiến hành giao dịch.

Li Fangwei cung cấp cho Iran những sản phẩm kim loại đạt chuẩn thế giới, đặc biệt trong tình trạng bị cấm đoán của lệnh trừng phạt. Năm 2012, Li Fangwei bị cáo buộc là đã cung cấp cho Iran 20 tấn ống sắt và 1,3 tấn ống hợp kim nhôm. Theo một báo cáo của Wikileak trong tháng 9/2009, Li Fangwei đã cung cấp vôn-fram, con quay hồi chuyển và gia tốc kế cho công ty Amin Industrial Complex, một nhà sản xuất vũ khí tại Iran.

Tuy nhiên, câu chuyện về Li Fangwei có một số vấn đề gây ra nhiều thắc mắc. Ai đã cho phép Li Fangwei tiếp tục các hoạt động của mình trong một thời gian dài, trong khi các hoạt động đều để lại dấu vết? Ai đã giúp mở rộng hệ thống của Li Fangwei? Li Fangwei sở hữu và liên quan tới nhiều công ty, và những công nghệ khác mà các công ty của Li Fangwei có tham gia vào quá trình sản xuất là gì?

Khi Iran và các cường quốc thế giới tìm kiếm một thỏa thuận vào 20/7 tới đây nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Iran và gỡ bỏ lệnh trừng phạt, câu chuyện về Li Fangwei cho thấy Iran có một đồng minh tốt từ Trung Quốc. Washington muốn hạn chế sự hợp tác giữa Iran và các đồng minh của mình, nhưng Bắc Kinh không thèm quan tâm tới chuyện đó chứ chưa nói gì đến giúp đỡ.


Công Thuận
(Theo D.B)