07:09 14/07/2012

Người phụ nữ nặng lòng với văn hóa Thái

Vào những dịp bản, làng người Thái trên mảnh đất Mường Thanh tổ chức lễ hội dân gian bản địa, hay những buổi tọa đàm khoa học đề cập đến nguồn văn hóa dân gian của những dân tộc sinh sống trên địa bàn vùng núi Tây Bắc, đều thấy có mặt người phụ nữ nặng lòng với văn hóa dân gian này.

Vào những dịp bản, làng người Thái trên mảnh đất Mường Thanh (Điện Biên) tổ chức lễ hội dân gian mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống bản địa, hay những buổi tọa đàm khoa học mà nội dung đề cập đến nguồn văn hóa dân gian của những dân tộc sinh sống trên địa bàn vùng núi Tây Bắc, đều thấy có mặt người phụ nữ nặng lòng với văn hóa dân gian này. Bà là Lương Thị Đại (sinh năm 1945) hiện đang sống xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Gần đây nhất, khi Lễ hội Xên Mường - Mường Thanh (Điện Biên) sau hơn 50 năm mai một, được phục dựng lại, tôi lại gặp bà. Hơn 30 năm qua, bà đã lặng thầm làm công tác nghiên cứu, sưu tầm và đã phần nào làm “sống dậy” nguồn văn hóa dân gian của người Thái, vốn đang dần mai một, lai căng hay biến mất trước xu thế hội nhập, cơ chế thị trường.


 

Bà Lương Thị Đại (áo vàng) đang giới thiệu pho sách cổ.

 

Bà Đại tâm sự: Từ khi đang công tác ở Phòng sưu tầm văn hóa của Ty văn hóa Lai Châu cũ (năm 1963) đến nay, bà luôn "bị" kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, kỳ thú của người Thái làm mê hoặc suốt hơn 20 năm qua. Đến khi nghỉ hưu (năm 1988) bà lại thấy “nhớ và thèm” cái công việc sưu tầm, nghiên cứu khó nhọc, lặng thầm, nhưng nhiều ý nghĩa này. Và rồi những lời động viên của “người thầy”- nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân gian, giáo sư tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh đã giúp bà có thêm động lực trở lại với nghề.


Bà Đại tâm sự: “Mình làm công việc này không phải vì vật chất, bằng cấp hay khẳng định tên tuổi, mà vì một lẽ rất đơn giản: Người Thái trên mảnh đất Điện Biên trong quá trình sống, lao động, học hỏi và giao lưu đã tạo được những giá trị văn hóa riêng biệt từ hàng ngàn năm nay. Trước dòng chảy thời gian, sự tác động của những trào lưu văn hóa nên nền văn hóa này đã dần bị mai một. Mình là người Thái, khi còn có sức khỏe, còn minh mẫn mà “thôi nghề” thì thấy có tội với tổ tiên, có lỗi với bạn bè đồng nghiệp. Mình không làm bây giờ thì sẽ chẳng còn cơ hội nữa...”.


Gần 20 năm qua, hễ “phong phanh” nghe nói ở bản, làng heo hút nào có những bản chữ Thái cổ, có những người còn biết những nghi lễ của tổ tiên người Thái xa xưa, bà Đại lần tìm về. Hành trang trong mỗi chuyến đi chỉ vẻn vẹn giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh. Tư liệu mà bà thu thập là các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán sinh sống của người Thái đã và đang mất đi. “Làm cái nghề sưu tầm này yếu tố thực tế ở cơ sở sẽ giúp mình tiếp cận được con người và nguồn văn hóa mà người ta đang gìn giữ”, bà Đại nói.


Trong một năm thì người làm công tác sưu tầm như bà phải xa nhà, lặn lội xuống cơ sở mất già nửa thời gian. Đích đến là những nơi còn lưu truyền những cuốn sách mo, sách cổ, những câu chuyện kể về bản, về mường... có niên đại hàng trăm năm được chủ nhà cất giữ qua nhiều thế hệ trong những ống tre, ống nứa như một “gia bảo”. Để tiếp cận được với những cuốn sách này, nhiều chuyến công tác bà phải ở lại trong nhà đồng bào hàng tháng liền, khi gia chủ thật sự tin, hiểu thì đúng vào ngày đẹp, tháng tốt, giờ lành gia chủ mới cho xem. Để có được nội dung của những cuốn sách quý, duy nhất một cách là phải dùng đến máy ảnh để sao chụp, vì sách quý chủ nhà không đem ra khỏi nhà. Bà Đại nói vui, cái nghề sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật này chỉ làm giàu thêm kiến thức cho bản thân thôi chứ không thể làm giàu về vật chất được. Bởi thực tế, kinh phí cho mỗi chuyến công tác rất eo hẹp, thường vượt khỏi dự tính chủ quan. Thậm chí, những khoản tiền như quà bánh để làm quen, tiếp cận cũng phải tự bỏ tiền túi.


Sau những năm tháng lặng thầm sưu tầm, nghiên cứu, những năm trở lại đây, bà Đại đã cho xuất bản gần 10 đầu sách với hàng ngàn trang viết về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái nổi tiếng, như: “Tang lễ người Thái” (nghiên cứu, dịch thuật), NXB Văn hóa dân tộc, năm 2005, dày gần 500 trang; “Tạo Sông Ca, nàng Si Cáy” (truyện thơ cổ, song ngữ Thái - Việt), NXB Văn hóa dân tộc, năm 2010, dày hơn 200 trang; “Tục sinh đẻ của người phụ nữ Thái” (Nghiên cứu, dịch thuật), NXB Quốc gia Hà Nội, năm 2010, dày gần 1.000 trang; “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái” (Nghiên cứu), NXB Văn hóa dân tộc, năm 2009, dày gần 500 trang; “Hôn nhân của người dân tộc Thái ở Điện Biên”, “Khi đưa trẻ Thái chào đời”, “Xên phắn bẻ” (sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu)...


Bà Đại “tiết lộ”, một vài năm tới, bà sẽ cho “ra lò” những đầu sách có “sức nặng” khác là “Chuyện kể bản mường” (Quám Tố Mướng) , “Lịch vạn niên” (Sổ Chóng Bang). Đây là 2 tác phẩm được nghiên cứu, dịch thuật dựa trên cơ sở những bản gốc cổ, mà ông nội bà, một thầy mo, đã gìn giữ qua hàng trăm năm và truyền lại cho bà trước lúc mất.


Được biết, chồng bà - ông Lò Văn Hinh (người Thái) là người rất am hiểu về văn hóa dân gian dân tộc Thái. Thành công trong công việc của bà Đại có một phần đóng góp không nhỏ của ông. Năm 2011 ông đã mất, để lại nhiều công trình dịch thuật, nghiên cứu còn dang dở cho bà. Từ đây, những vất vả, lo toan của cuộc sống thường ngày một tay bà Đại phải quán xuyến. Nhưng bằng niềm đam mê, ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt huyết nghề bà Đại cho hay: “Dù khó khăn đến mấy thì mình vẫn phải tiếp tục công việc. Với mình, mỗi một cuốn sách, một công trình được hoàn thành, “chào đời” thì “cái nợ” với nghề, với bạn bè, đồng nghiệp, người thân mới phần nào nhẹ hơn”.


Bài và ảnh: Xuân Tiến