06:21 03/06/2015

Người phát minh ra tàu đệm khí hoàn chỉnh đầu tiên

Trong đời sống ngày nay, tàu đệm khí là một phương tiện không thể thiếu trong nhiều hoạt động của con người vì những tính năng ưu việt của nó. Và người đã phát minh ra chiếc tàu đệm khí hoàn chỉnh đầu tiên cả về mặt kỹ thuật lẫn thương mại là kỹ sư người Anh Christopher.

Trong đời sống ngày nay, tàu đệm khí là một phương tiện không thể thiếu trong nhiều hoạt động của con người vì những tính năng ưu việt của nó. Và người đã phát minh ra chiếc tàu đệm khí hoàn chỉnh đầu tiên cả về mặt kỹ thuật lẫn thương mại là kỹ sư người Anh Christopher.

Kỹ sư người Anh Christopher.

Tàu đệm khí là loại tàu có khả năng đứng yên hay di chuyển trên mặt đất, mặt nước, đầm lầy và đồng ruộng với tốc độ cao. Đây là loại tàu lai giữa máy bay và tàu thủy nhưng thiên về máy bay hơn về phương diện vận hành, điều khiển. So với các loại tàu thủy truyền thống, tàu đệm khí có ưu điểm vừa chạy được trên cạn vừa chạy được dưới nước nên được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực khác nhau từ quân sự cho đến du lịch, cứu hộ cứu nạn…

Qua lịch sử phát triển hơn 300 năm của tàu đệm khí, từ bản phác thảo đầu tiên vào năm 1716 của nhà thiết kế người Thụy Điển Swedenborg, với mẫu thiết kế có hình dáng một chiếc thuyền lộn ngược hoạt động bằng sức người. Tiếp đó, dựa theo bản thiết kế của sĩ quan hải quân người Áo Thomamühl, chiếc tàu đệm khí đầu tiên mang tên “Tàu cánh ngầm với hệ thống Thomamühl” được Hải quân hoàng gia đế chế Áo – Hung chế tạo thành công vào năm 1915. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, hải quân Áo – Hung chính thức ngừng tiến hành những nghiên cứu về loại tàu này. Sau đó là các sáng chế của kỹ sư Phần Lan Kaario, tiến sĩ người Mỹ Bertelsen… cùng biết bao nhiêu nỗ lực của rất nhiều nhà phát minh khác. Nhưng phải đến phát minh của Christopher Cockerell thì chiếc tàu đệm khí mới trở nên hoàn chỉnh cả về mặt kỹ thuật và khả năng thương mại.

Tàu đệm khí Hovercraft.


Christopher Cockerell sinh ngày 4/6/1910 tại Cherry Hinton gần vùng Cambridge của nước Anh, trong gia đình có cha làm tại Bảo tàng nghệ thuật. Mặc dù được làm quen với môi trường nghệ thuật từ nhỏ, nhưng Cockerell lại có thiên hướng về kỹ thuật. Sau khi học xong trung học, Christopher Cockerell quyết định theo học về phát thanh và điện tử tại Đại học Cambridge. Sau khi tốt nghiệp, Cockerell làm việc cho Công ty Nghiên cứu Đài phát thanh cho đến năm 1935. Cùng năm đó, ông gia nhập Công ty Điện tín không dây Marconi. Tại đây, Christopher Cockerell tham gia nghiên cứu phát triển các hệ thống radar sử dụng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ông cũng đã được cấp 36 bằng sáng chế cho các ý tưởng của mình trong thời gian làm việc tại Marconi.

Vào năm 1950, một bước ngoặt lớn đến với Cockerell khi ông và gia đình mua được một bến du thuyền nhỏ ở Norfolk. Năm 1951, Cockerell quyết định nghỉ làm ở Marconi để về quản lý bến du thuyền của gia đình. Thời gian này, ông có ý tưởng về những chiếc thuyền có thể di chuyển được nhanh hơn trên các địa hình khác nhau.

Vào năm 1952, Cockerell nghiên cứu về hệ thống bôi trơn bằng không khí, sau đó ông nghiên cứu sâu hơn về ý tưởng tạo ra đệm khí. Ông thực hiện những thí nghiệm đơn giản bằng cách dùng động cơ máy hút bụi và hai hộp hình trụ để tạo ra một động cơ phản lực - chìa khóa để phát minh ra tàu chạy trên đệm khí. Ông đã chứng minh tính khả thi của phương tiện này khi nó có thể tạo ra đệm khí để di chuyển trên nhiều bề mặt hoàn toàn khác nhau như đầm lầy, mặt đất, mặt nước, mặt băng… Trên ý tưởng đó, ông cho ra đời mẫu tàu đệm khí SR-N1 và chính thức vận hành vào ngày 11/6/1959.

Kỹ sư Cockrell cùng đồng nghiệp thử thiết kế tàu đệm khí.


Một thời gian ngắn sau, tàu đệm khí SR-N1 thực hiện chuyến đi từ Pháp sang Anh để dự lễ kỷ niệm 50 năm chuyến bay của Bleriot. Sau đó, Cockerell cùng cộng sự của mình là kỹ sư Denys Bliss hoàn thiện tàu SR-N1, để cuối cùng vào năm 1962, chiếc tàu đệm khí bản thương mại hóa chính thức ra đời. Bằng sáng chế cho phát minh này được đồng trao cho cả Cockerell và Bliss vào tháng 7/1967. Cockerell đặt tên cho tàu là “hovercraft”.

Sau SR-N1, Cockerell còn phát triển nhiều cải tiến khác cho các thủy phi cơ, và phát minh ra các ứng dụng khác nhau cho các nguyên tắc đệm không khí.
Với đặc điểm cấu tạo và vận hành độc đáo, linh hoạt gần như trên mọi địa hình nên sau phát minh của Cockerell, tàu đệm khí đã được nghiên cứu và ứng dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, tàu đệm khí được ứng dụng cả trong quân sự lẫn dân sự, từ những chiếc tàu đổ bộ nhanh của quân đội, tàu tuần tiễu bờ biển, tàu di chuyển trên đầm lầy, tàu di chuyển trên băng và cho đến những chiếc phà chở khách và còn nhiều ứng dụng khác nữa. Chính vì thế, ngoài máy bay lên thẳng ra, tàu đệm khí cũng là một trong những phương tiện cơ động nhất của con người.

Vào ngày 1/6/1999, Christopher Cockerell – người kỹ sư tài hoa của nước Anh, đã qua đời tại thị trấn Hythe vùng Hampshire của nước Anh, hưởng thọ 89 tuổi. Với những đóng góp to lớn của mình, Christopher Cockerell đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý và được phong tước Hiệp sĩ vào năm 1969.

T.L