09:23 13/09/2012

Người nuôi cá ĐBSCL vượt khó

Chưa bao giờ người nuôi cá ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại gặp khó như năm nay, khi sản phẩm không chỉ khó khăn về đầu ra mà còn thêm gánh nặng về phí, vốn. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn quyết không “treo ao”.

Chưa bao giờ người nuôi cá ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại gặp khó như năm nay, khi sản phẩm không chỉ khó khăn về đầu ra mà còn thêm gánh nặng về phí, vốn. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn quyết không “treo ao”.  

 

Nhờ tự chế biến thức ăn cho cá, rất nhiều hộ nuôi thủy sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tiết kiệm được chi phí đầu vào.

 

Năm nay gia đình anh Hải ở huyện An Phú (An Giang) quyết định chuyển hầu hết diện tích lồng, bè nuôi cá lóc bông trên sông sang nuôi trong ao. “Có nhiều cách để làm như: đào ao, gia cố hồ ao tự nhiên hoặc sử dụng bao đất chất lên làm bờ rồi trải tấm bạt vào trong để giữ nước… Với khoảng hơn 500 m2 được chia làm 5 hồ nuôi, hàng năm tôi có thể xuất bán 2 - 3 đợt cá. Sau khi trừ chi phí, tôi có thể thu lãi hơn 200 triệu đồng/đợt. So với nuôi truyền thống bằng lồng bè trên sông, cách nuôi này có nhiều lợi thế như ít tốn công chăm sóc, giảm thiểu chi phí đầu tư lồng bè tốn kém, kiểm soát được dịch bệnh và giảm hao hụt con giống cũng như lượng thức ăn”, anh Hải phân tích.

 

Mấy đời lang bạt trên sông hồ với nghề khai thác đánh bắt trên sông Tiền, từ 10 năm nay gia đình anh Nguyễn Văn Bình ở xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đầu tư vốn chuyển sang nuôi cá lồng, bè trên sông Sở Thượng. Anh có hơn 10 lồng, bè, vèo chuyên nuôi cá điêu hồng, cá tra… Hơn 8 tháng qua, thu nhập nhà anh liên tục sụt giảm do những bất ổn về thị trường xuất khẩu cá tra và đặc biệt do tin đồn thất thiệt khiến cá điêu hồng bị người tiêu dùng “ghẻ lạnh”… giá cá liên tục sụt giảm.

 

Quyết bám nghề, ngay từ tháng 6, anh đã điều chỉnh lại công việc làm ăn của gia đình mình. “Để đầu tư một bè nuôi cá kiên cố như thế này, gia đình tôi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng giờ không lẽ bỏ hoang thì phí quá! Vì vậy, hiện tôi đã không còn chuyên nuôi cá tra nữa mà có sự đa dạng nhiều loại thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa như: cá basa, cá chim, cá bóp… Riêng con cá điêu hồng, tôi sẽ không đầu tư thả nuôi quanh năm như trước mà chỉ nuôi vào thời điểm thị trường hút hàng như: Giáng sinh, Tết hoặc mùa nước nổi để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có”, anh Bình cho biết.

 

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay sau 2 lần tăng, giá thức ăn thủy sản đã khiến chi phí đầu tư nuôi thủy sản vượt mức 23.000 đồng/kg, cân đối sau thu hoạch, người nuôi lỗ từ 500 - 1.000 đồng/kg cá. Tương tự các hộ chuyên nuôi trồng thủy sản khác, những ngày này hơn 100 hộ chuyên nuôi cá tra, basa… trên sông Bình Di thuộc huyện An Phú (An Giang) đang đau đầu với bài toán nguyên liệu đầu vào, đặc biệt giá thức ăn tăng cao chóng mặt. Để không quá phụ thuộc vào thức ăn tinh, nhiều hộ dân đã chuyển sang tự chế biến thức ăn bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như: cám gạo, bánh dầu, phế phẩm thủy sản... giúp tiết kiệm chi phí hơn 60%.

 

“Hầu hết người nuôi cá ở khu vực tụi em đều đầu tư máy móc chế biến thức ăn cho lồng, bè cá nhà mình. Trung bình đầu tư một máy chế biến thức ăn bao gồm những công đoạn: nghiền, xay, trộn thức ăn rồi sau đó đổ trực tiếp xuống mặt nước cho cá ăn chỉ tốn khoảng 20 - 40 triệu đồng. Còn phần lớn nguyên liệu có thể tận dụng ngoài thiên nhiên như: rau xanh, cỏ, cá tạp, ốc bươu vàng…”, chị Thúy, chủ một cơ sở nuôi thủy sản tại đây cho hay.


Theo anh Huỳnh Thanh Phong, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, người nuôi còn chế biến những loại thức ăn hỗn hợp cho cá ăn dạng bột hoặc trộn nước vừa đủ để nắm thả xuống ao. Do hiệu quả sử dụng thức ăn dạng bột cho cá ăn ngay thường rất thấp nên bà con đã chuyển sang dạng viên được phơi nắng hoặc sấy khô rồi đóng bao cho cá ăn dần. “Các nguyên liệu được phối trộn theo công thức nhất định, tùy thuộc vào từng đặc tính cá, sau đó trộn với nước đến đủ ẩm rồi đưa vào máy ép viên hoặc tảng. Hiện các cơ sở cơ khí trong nước đã sản xuất được các máy ép thức ăn dạng viên với ưu điểm rẻ, gọn, dễ sử dụng và có công suất phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ của người dân”, anh Phong nói thêm.

 

Bài và ảnh: Lê Nghĩa