12:20 04/12/2014

Người Mỹ thực dụng và cái lý của người Nga

Điểm thiếu sót chết người trong các cuộc gặp hồi tháng 2/1990 chính là việc các bên liên quan đã không đi đến ký kết một hiệp định chính thức giới hạn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của NATO.

Điểm thiếu sót chết người trong các cuộc gặp hồi tháng 2/1990 chính là việc các bên liên quan đã không đi đến ký kết một hiệp định chính thức giới hạn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của NATO. Những nhà hoạch định phương Tây vì thế có cớ để “viết lại” những điều khoản theo ý mình và thực sự họ đã làm vậy.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, vẫn còn đó những chia cắt trong lòng châu Âu.


Ngay sau cuộc gặp tại Moskva, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã đưa ra lời mời trao cho Đông Đức “quy chế quân sự đặc biệt” trong phạm vi NATO, đồng nghĩa với việc NATO sẽ chỉ phải mất 4 năm để đưa quân vào Đông Đức.

Từ tháng 3/1990, đã không có thêm bất kì một cuộc thảo luận nào về việc NATO không được phép mở rộng về phía Đông. Từ khía cạnh này, có thể nói rằng đã không có một thỏa thuận nào cho đến cuối năm 1990, với việc Moskva chấp nhận nước Đức thống nhất nằm trong khu vực ảnh hưởng của NATO; đổi lại, tổ chức này sẽ trì hoãn việc đưa quân vào Đông Đức.

Việc kết tội Washington hành xử kiểu “hai mặt” là đúng, nhưng chưa đủ. Trong ngoại giao, các thỏa thuận chỉ có ý nghĩa khi nó được triển khai trong thực tế. Liên Xô và Mỹ tại thời điểm đó bước đến bàn đàm phán với hai vị thế khác nhau. Đó là một đế chế Liên Xô đang suy giảm quyền lực nghiêm trọng, với nhiều khó khăn, thách thức ở bên trong, với những sức ép từ bên ngoài. Ở phía đối diện là một nước Mỹ với sức mạnh lấn lướt, chưa bao giờ từ bỏ tham vọng bá chủ toàn cầu. Đó là lý do Mỹ có động cơ để đẩy lui hiện diện ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu và củng cố cái gọi là “Trung tâm quyền lực công nghiệp và quân sự” tại châu lục này.

Sau khi Liên Xô tan rã, đối diện trước thực tế “khoảng trống quyền lực” tại châu Âu, Washington hẳn nhiên có cớ để xét lại những lời hứa trong quá khứ, vốn không còn phù hợp với những diễn tiến trong hiện tại. Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng nhận ra rằng, việc mở rộng NATO là yếu tố mang tầm quan trọng chiến lược. Đó vừa là biểu hiện của lối hành xử “lá phải, lá trái”, nhưng nó cũng là sự thực dụng thường thấy trong các quan hệ quốc tế. NATO lấn dần sang phía đông đã trở thành thực tế.

Năm 1999, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc là những nước đầu tiên thuộc khối Hiệp ước Warsaw gia nhập NATO. Đến tháng 3/2004, NATO đón nhận thêm 7 thành viên mới đến từ vùng Trung, Đông Âu gồm: Estonia, Latvia, Litva, Slovenia, Slovakia, Bungary, Rumania. Albania, Croatia bước vào “ngôi nhà chung NATO” tháng 4/2009. Một loạt những nước khác như Cyprus, Macedonia, Bosia & Herzegovina, Montenegro, Gruzia…cũng nhận được những lời chào mời tương tự. 

Với những bước đi này, NATO đã đặt chân vào không gian hậu Xô Viết và điều đó đã gây ra những căng thẳng thường trực giữa phương Tây và Nga - nước thừa hưởng vai trò và vị thế của Liên Xô. Căng thẳng lên đến cao trào khi NATO tiếp tục ve vãn Ukraine. Tổng thống Viktor Yanukovych đã bị lực lượng đối lập ở Ukraine lật đổ trong cái gọi là “Cách mạng Maidan” (2/2014), với lý do ông không chịu kí hiệp định liên kết với EU.

Điều mà truyền thông phương Tây ít đề cập là lý do ẩn sau quyết định này: Nếu chấp thuận, Ukraine coi như sẽ phải “phá tan” nền công nghiệp, bị giới hạn tham gia vào các liên minh kinh tế với Nga và đặc biệt là phải ký một hiệp định an ninh liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Cựu Nghị sĩ Mỹ Dennis Kucinich nhận định: “Đối với NATO, mục tiêu là mở rộng. Phần thưởng trước mắt sẽ là vươn đến một quốc gia có 1.426 km đường biên giới với Nga. Bản đồ địa - chính trị khi đó sẽ bị vẽ lại bởi một Hiệp định dưới vỏ bọc kinh tế, mà ở đó Ukraine sẽ là tiền tuyến mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây ở sát nách nước Nga”.

Đó là giới hạn vượt quá sức chịu đựng của Nga và phản ứng của Moskva trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là điều mà phương Tây có thể lên án, nhưng hoàn toàn dễ hiểu. Can dự của phương Tây vào Ukraine trong trường hợp này đã gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của Nga.

Mọi giải pháp đề xuất giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine đều không thể thiếu vai trò và sự hợp tác của Nga. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Brussels cần phải nhớ lại bài học cốt lõi của năm 1990: Nếu phương Tây thực sự muốn giảm thiểu căng thẳng với Moskva, thì NATO cần đóng băng tiến trình mở rộng về phía Đông. Để làm được điều đó, cần nhiều hành động thiết thực hơn là những lời nói ngoại giao.


Hoài Thanh