07:00 20/07/2012

“Người muôn năm cũ” của ca trù

Sau bao thăng trầm của lịch sử, ca trù vẫn được lưu truyền bởi lớp lớp các thế hệ nghệ nhân, những người tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc.

Sau bao thăng trầm của lịch sử, ca trù vẫn được lưu truyền bởi lớp lớp các thế hệ nghệ nhân, những người tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc.

Đệ nhất trống chầu Lỗ Khê


Nghề hát ca trù tại vùng đất tổ Lỗ Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã có lịch sử phát triển gần 600 năm. Sinh ra trên mảnh đất này, lại sống trong gia đình có bố và hai cô là đào nương giỏi nên ông Hoàng Kỷ gắn bó với ca trù từ nhỏ. Tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của quê hương, sau khi xuất ngũ, ông đã dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu sách báo, các tài liệu về ca trù.

Ông Hoàng Kỷ (bên trái) trong một canh hát ca trù ở đình làng Lỗ Khê. Ảnh: Nam Hoàng


Đến nay ông Hoàng Kỷ đã sưu tầm được 46 làn điệu, 10 điệu múa cổ và sáng tác được 100 bài ca trù các thể loại. Ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Lịch sử ra đời và phát triển 600 năm của giáo phường Lỗ Khê” và đang viết tập sách “Ca trù di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại”.


Trong căn nhà nhỏ, ông Hoàng Kỷ cho chúng tôi xem những cuốn sách, tài liệu mà ông viết và sưu tầm được. Ông coi chúng như đứa con tinh thần vô giá của mình. “Tôi gặp các nghệ nhân cũ, anh em họ mạc và cả mẹ vợ tôi, họ cung cấp cho hàng chục làn điệu cổ và ghi chép lại”, ông Kỷ cho hay. Là nhà nghiên cứu ca trù “nghiệp dư”, ông Hoàng Kỷ còn được mệnh danh là “đệ nhất trống chầu” của vùng ca trù Lỗ Khê. 12 tuổi, ông đã biết đánh trống chầu, bây giờ, khi đã bước vào tuổi bát thập, tay trống chầu của ông đã đạt đến độ điêu luyện khó mà có ai vượt qua được. Các cụ cao tuổi trong làng nhận xét: Ông Hoàng Kỷ là người đánh trống chầu có phách lối rõ ràng và am hiểu về quy cách luật vận của ca trù, vì thế mà tiếng trống chầu của ông có một bản sắc rất riêng, không lẫn với ai.


Dù tuổi cao nhưng ông vẫn dành thời gian tham gia đánh trống chầu trong các canh hát ca trù của làng, đặc biệt là vào dịp lễ hội, một phần bởi yêu nghề, phần nữa là vì ông luôn trăn trở với việc tìm người nối nghiệp mình. Ông cho biết, ngày xưa đôi khi học hát đã khó nhưng việc học đánh trống chầu còn khó hơn, chính vì thế mà người theo học đánh trống chầu rất ít. Chỉ những ai thực sự đam mê và có tài năng thì mới dám theo thầy xin học.“Người đánh trống chầu phải thực hiện được những động tác điêu luyện: Thứ nhất là điều hành được canh hát từ đầu đến cuối. Thứ hai, vừa là quan viên - khán thính giả, vừa là phụ nhạc công, có đàn tơ, có phách trúc thì có tiếng “tom, chát” xen vào. Thứ ba là người đánh tiếng trống dẫn dắt người nghe ca trù hiểu thêm được cung bậc, tư tưởng, tình cảm của ca trù”, ông Kỷ phân tích.


Ông Hoàng Kỷ nói vui: Tổ tiên vẫn chưa muốn “dẫn” ông đi vì ông còn “nợ trần gian chưa trả hết”.


3 năm học được 4 câu ca trù


Ngoài những người tâm huyết lưu giữ nghệ thuật ca trù như ông Hoàng Kỷ, vẫn còn rất nhiều người dốc sức đưa ca trù đến với công chúng. Giữa lòng Thủ đô, CLB ca trù Hà Nội âm thầm, bền bỉ hoạt động suốt 20 năm qua và người giữ lửa cho CLB là nghệ sĩ Bạch Vân. Có thể nói ca trù đến với chị như một mối duyên tiền định. Không ai ngờ rằng, người con gái từng quyết tâm theo đuổi nghiệp văn chương khi đã thi đỗ vào Trường Viết văn Nguyễn Du lại bị ca trù mê hoặc chỉ sau một lần nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát.

Ca nương Bạch Vân đang truyền nghề cho một bạn trẻ.


Con đường đến với ca trù của Bạch Vân thật lắm gian nan, khi chị bắt đầu học hát vào những năm 80 của thế kỉ trước, thời điểm mà ca trù đang đứng trước nguy cơ mai một. “Cái danh con hát” hàm ý miệt thị đã khiến các nghệ nhân một thời mai danh ẩn tích. Vì vậy tìm được các nghệ nhân đã khó, thuyết phục các nghệ nhân truyền nghề lại khó hơn gấp bội. Nhớ lại quãng thời gian đó, ca nương Bạch Vân chia sẻ: “Cách đây hơn 20 năm, ca trù là hai từ rất lạ lẫm, hầu như không ai biết. Bạch Vân đi tìm thầy học những năm 1984, 1985 rất khó khăn, các cụ đều từ chối. Sau đó may mắn là Bạch Vân gặp được cụ Quách Thị Hồ. Nói thật ra 3 năm, cụ dạy 4 câu thôi”.


Dù khó khăn nhưng chị không nản lòng. Năm 1991, chị quyết định mở CLB ca trù Hà Nội để quảng bá cho ca trù. CLB ca trù Hà Nội ra mắt ngày 28/4/1991 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là kết quả mà Bạch Vân thai nghén từ 5-7 năm trước. Cảm động trước tấm lòng của chị, nhiều nghệ nhân dù cao tuổi như cụ Nguyễn Thị Sinh (gần 90 tuổi) đã truyền dạy dốc sức cho sự phát triển của CLB.


Chỉ cách hồ Gươm vài kilômét, Bích Câu đạo quán – nơi sinh hoạt của CLB Ca trù Hà Nội vào mỗi tối thứ 7 và sáng chủ nhật hàng tuần là địa điểm lí tưởng để du khách đến thưởng thức nét văn hóa tinh tế của đất kinh kì. Anh Tiến, sinh viên Đại học Phương Đông cho biết: “Trực tiếp nghe cụ Sinh hát khiến tôi nổi gai ốc trong một trạng thái như lên đồng. Tôi rất cảm ơn Bích Câu đạo quán, cảm ơn cô Bạch Vân đã tiên phong trong việc dựng lại ca trù”.


“Có một nhà báo Mỹ, công tác tại Thái Lan, cứ hàng tháng lại bay về Hà Nội, đến Bích Câu đạo quán để nghe hát ca trù. Nhưng vì Bạch Vân không giỏi ngoại ngữ và không có ai phiên dịch nên một lần ông về không gặp buổi biểu diễn đã không quay lại nữa”, ca nương Bạch Vân chia sẻ. Để các nghệ nhân cao tuổi trở lại nghề, Bạch Vân đã tổ chức các buổi lễ chúc thọ và tưởng niệm những nghệ nhân qua đời. Đồng thời, Bạch Vân cũng ý thức được việc phải truyền nghề cho các bạn trẻ. Dù biết là khó khăn khi không phải ai cũng có tố chất để hát được ca trù, nhưng Bạch Vân hiểu được nếu giới trẻ thờ ơ với ca trù thì nguy cơ mai một sẽ ngày một lớn.

Hoàng Dương