09:19 25/09/2014

Người mở đường cho nền văn hóa, giáo dục cách mạng

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất học giả Đặng Thai Mai (1902-1984) và 70 năm ra đời tác phẩm “Văn học khái luận”, ngày 25/9/2014, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai”.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất học giả Đặng Thai Mai (1902-1984) và 70 năm ra đời tác phẩm “Văn học khái luận”, công trình lý luận văn học hiện đại đầu tiên, có hệ thống của lý luận và mỹ học mác xít Việt Nam, ngày 25/9/2014, tại Hà Nội, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai”.


Các tham luận tại Hội thảo đã làm nổi bật được giá trị tư tưởng học thuật của GS Đặng Thai Mai trong các công trình văn học, lý luận văn học, phê bình văn học, dịch thuật văn học và giảng dạy văn học... đồng thời khẳng định những đóng góp nổi bật, tiên phong của GS Đặng Thai Mai đối với sự phát triển của nền văn học cách mạng, sự hình thành nền lý luận và mỹ học mác xít ở Việt Nam.


Tượng đài GS Đặng Thai Mai tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: VA.



PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học khẳng định: GS Đặng Thai Mai là nhà hoạt động chính trị uy tín, nhà văn hóa lớn, nhà sư phạm mẫu mực, một học giả có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn nghệ và học thuật của chế độ mới. Ông thuộc thế hệ những người mở đường, đặt nền móng cho nền mỹ học, lý luận và phê bình văn học mác xít ở Việt Nam.


Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, nhắc đến GS Đặng Thai Mai, trước hết chúng ta nhắc đến một trí thức giàu bản lĩnh, có những đóng góp to lớn trong việc kiến tạo nền văn học mới. Cùng với những trí thức cách mạng như Hải Triều, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp… GS Đặng Thai Mai sớm bước vào cuộc tranh đấu cách mạng, cổ vũ cho sự thắng lợi của nghệ thuật vị nhân sinh, khẳng định văn học nghệ thuật là một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, Đặng Thai Mai đã tích cực viết cho nhiều tờ báo của Đảng cộng sản Đông Dương bằng tiếng Việt, và tiếng Pháp. Ngoài ra, ông còn tìm đến những hình thức biểu đạt khác như thơ, văn, nghị luận… tất cả những trang viết của ông trước cách mạng đều toát lên ý thức về vai trò cải tạo xã hội của văn học nghệ thuật, vai trò của Đảng cộng sản đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông đã dùng văn học để cổ vũ quần chúng chiến đấu, nói lên khát vọng của thời đại, tuyên truyền cho sự tất thắng của cách mạng. 


Một trong những công lao nổi bật của GS Đặng Thai Mai từ năm 1945 về sau là tập hợp, cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, gắn bó sâu sắc với nhân dân, xứng đáng là những nghệ sỹ - chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Trên cương vị lãnh đạo, quản lý văn nghệ, giáo dục, ông đã tổ chức đào tạo được một thế hệ văn nghệ sỹ đứng vững trên lập trường nhân dân, yêu nước để sáng tạo; đào tạo một đội ngũ phê bình giàu bản lĩnh cách mạng, nhạy bén, kịp thời phát hiện và đấu tranh bài trừ những tư tưởng, khuynh hướng sai lầm, nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, GS Đặng Thai Mai luôn tâm niệm, điều căn bản nhất đối với người viết luôn là vấn đề lập trưởng tư tưởng; có giải quyết dứt khoát được vấn đề này mới khơi thông được các vấn đề như sự tự do, tính chân thật, đối tượng phản ánh và phục vụ của văn nghệ, chủ đề, hình thức dân tộc… trong nghệ thuật.


Trong tư cách là nhà sư phạm, nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo ngành giáo dục, cùng với nhiều trí thức tâm huyết, GS Đặng Thai Mai đã có những đóng góp quan trọng để kiến tạo nền giáo dục mới. Các lĩnh vực hoạt động của ông là những lĩnh vực gắn liền với chiến lược đào tạo con người, xây đắp nền tảng trí tuệ, tinht hần cho những chủ thể tri thức trong thì đại mới. Và trong một thời gian dài, với tư cách là người lãnh đạo nền giáo dục, bên cạnh công việc quản lý và giảng dạy của một nhà giáo, ông vẫn say mê đọc và viết. Công trình Giảng văn Chinh phụ ngâm của ông đến nay vẫn được coi là một công trình vừa giàu tính khoa học, vừa có giá trị về phương pháp giảng dạy văn học.


Theo GS Hà Minh Đức, cuộc đời của GS Đặng Thai Mai là một tấm gương của người trí thức cách mạng, một nhà văn với sự nghiệp sáng tạo to lớn, một người thầy được tôn kính.Ông đã để lại một sự nghiệp văn chương to lớn, một tấm gương về đạo đức, về nhân cách. Có thể tìm thấy trong những bài báo thời trẻ của người những ý kiến đanh thép, trong những bài phê phán những tư tưởng sai trái, các bài bình giảng văn chương với những lời đằm thắm, sâu sắc. Tuy nhiên tất cả dường như vẫn mang âm hưởng, giọng điệu của một người thầy, người thầy trên giảng đường, trong trang sách và ở ngoài đời.


Phương Hà