02:12 26/02/2011

Người “mẹ” của bệnh nhi

Trong suốt 20 năm làm công tác chăm sóc bệnh nhi, chị luôn tận tâm với công việc và không ngừng học hỏi mong tìm ra những biện pháp chăm sóc bệnh nhi một cách tốt nhất.

Trong suốt 20 năm làm công tác chăm sóc bệnh nhi, chị luôn tận tâm với công việc và không ngừng học hỏi mong tìm ra những biện pháp chăm sóc bệnh nhi một cách tốt nhất.

Với sự học hỏi không ngừng và cống hiến hết mình đó, chị đã được Nhà nước và ngành y tế phong tặng những danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc ưu tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua thành phố… Người thầy thuốc đó là chị Bùi Thị Bích Phượng - điều dưỡng trưởng, khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).

Chị Bùi Thị Bích Phượng xem bệnh nhi như con của mình.


Xuất thân từ quê hương xứ dừa Bến Tre, ngày còn nhỏ chị đã chứng kiến cảnh bị dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành, và chính cha của chị cũng bị bệnh mà không thể đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nên đã ra đi. Từ đó, cô bé Phượng đã nung nấu ước mơ sẽ học vào trường y.

Ước mơ đó trở thành hiện thực khi chị thi đậu vào trường Y tế 3, chuyên ngành điều dưỡng. Công tác tại khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 bằng sự chăm sóc nhiệt tình, tận tâm với công việc, chị luôn được người nhà bệnh nhân và những cộng sự yêu mến, kính trọng.

Chị chia sẻ: Nhiều gia đình bệnh nhi đưa con tới đây điều trị có hoàn cảnh rất khó khăn, nên tôi và anh chị em trong khoa cũng tìm cách hướng dẫn rồi tìm nguồn hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt”.

Không chỉ làm tốt công tác của một điều dưỡng, chị còn dành thời gian tham gia công tác huấn luyện tại bệnh viện và cho tuyến trước trong chương trình sốt xuất huyết quốc gia và của Tổ chức Y tế Thế giới, tham gia công tác huấn luyện và giám sát sốt xuất huyết cho các tỉnh phía Nam…

Đến nay, hầu hết những khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết chị đều đã đi qua. Chị chia sẻ: “Mỗi chuyến đi công tác, mình đều học được rất nhiều kinh nghiệm từ cách điều trị, chăm sóc cho người bệnh”.

Xuất phát từ những chuyến đi thực tế và những khó khăn gặp phải trong công việc, chị đã có những đề tài nghiên cứu khoa học rất thiết thực như: Tiếp cận kỹ thuật thải sắt qua đường truyền dưới da ở bệnh nhân Thalassemia; đặc điểm chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết nhũ nhi tại khoa sốt xuất huyết bệnh viện Nhi Đồng 1.

Đối với chị, mỗi một bệnh nhi đều như con của mình. Vì vậy dù khó khăn và áp lực trong công việc mỗi lúc một nhiều nhưng chị vẫn luôn nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc các cháu.

Đan Phương