04:09 25/04/2012

Người máy điều khiển bằng ý nghĩ

Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã giới thiệu một loại người máy mà một người bị liệt một phần cơ thể có thể điều khiển chỉ bằng ý nghĩ. Loại thiết bị này mang lại hi vọng tương tác với thế giới xung quanh cho những người bị liệt.

Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã giới thiệu một loại người máy mà một người bị liệt một phần cơ thể có thể điều khiển chỉ bằng ý nghĩ. Loại thiết bị này mang lại hi vọng tương tác với thế giới xung quanh cho những người bị liệt.

Hình ảnh ông Duc hiện lên màn hình máy tính khi ông nói chuyện với các nhà khoa học ở thành phố Lausane. Ảnh: Internet


Ngày 24/4, một nhóm nhà khoa học thuộc Viện công nghệ liên bang ở thành phố Lausanne đã dùng một chiếc mũ đội đầu đặc biệt để ghi lại các tín hiệu từ bộ não của Mark-Andre Duc – một bệnh nhân đang nằm viện ở thành phố Sion cách đó 100km.

Suy nghĩ của ông Duc, hay nói đúng hơn là tín hiệu điện do não phát ra khi ông tưởng tượng mình đang nhúc nhích các ngón tay bị liệt, đã được một máy tính xách tay giải mã gần như tức thì. Những thông tin này sau đó được truyền tới một người máy cao 30 cm ở trong phòng thí nghiệm tại Lausanne.

Ông Duc không thể điều khiển chân và ngón tay sau một lần bị ngã và giờ bị liệt cả tay chân. Ông cho rằng điều khiển người máy không khó lắm nếu cơ thể không bị đau.

Theo ông Jose Millan, trưởng nhóm nhà khoa học Thụy Sĩ, từ khi các nhà khoa học thử nghiệm người máy điều khiển bằng ý nghĩ cách đây hơn một thập kỷ, những tiếng ồn xung quanh gây ra do đau đớn hay những suy nghĩ vẩn vơ là những thách thức lớn trong nghiên cứu. Trong khi não người có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ một cách hoàn hảo tại cùng thời điểm nhưung một người bị liệt sẽ phải tập trung toàn bộ thời gian để điểu khiển người máy. Do đó, sớm hay muộn họ cũng sẽ mất tập trung và giảm tín hiệu từ não.

Để khắc phục vấn đề này, nhóm của ông Millan đã quyết định lập trình người máy để giải mã tín hiệu sao cho nó hoạt động theo cùng phương thức với tiềm thức của não. Một khi phát ra mệnh lệnh như “đi thẳng”, người máy sẽ thực hiện mệnh lệnh này cho đến khi nó nhận được mệnh lệnh dừng lại hoặc gặp phải vật cản.

Bản thân người máy trong nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Thụy Sĩ đã là một tiến bộ so với trước kia khi nó cho phép bệnh nhân kiểm soát xe lăn điện. Bằng cách dùng một người máy với máy quay và màn hình, người dùng có thể có mặt “ảo” ở những nơi mà xe lăn không thể vào được.

Ông Rajesh Rao, phó giáo sư trường Đại học Washington ở Seattle (Mỹ), cho rằng nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Thụy Sĩ là một bước tiến trong lĩnh vực này, đặc biệt là khi người bị liệt có thể sử dụng thiết bị bên ngoài phòng thí nghiệm.


Thùy Dương