04:10 26/04/2012

Người lưu giữ sử thi Raglai

Trong không gian tĩnh lặng một chiều tháng 3 ở thung lũng Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), chỉ có tiếng chim và gió rừng lồng lộng, ông Mấu Quốc Tiến cất vang bài ca sử thi của người Rắc Lây (Raglai).

Trong không gian tĩnh lặng một chiều tháng 3 ở thung lũng Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), chỉ có tiếng chim và gió rừng lồng lộng, ông Mấu Quốc Tiến cất vang bài ca sử thi của người Rắc Lây (Raglai). Giọng ca tha thiết, từng tiếng ngân nga như đưa người nghe hòa vào không gian mênh mang của núi rừng. “Không để sử thi Raglai rơi dần vào quên lãng”, niềm trăn trở ấy đã thôi thúc nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến hơn 25 năm rong ruổi qua từng thôn làng của người Raglai và ghi lại những câu hát sử thi Raglai. Đến bây giờ, khi tuổi đã ngoài ngũ tuần, tài sản quý giá nhất ông có được là 4 bộ sử thi đã được biên soạn, xuất bản và hơn 300 băng ghi âm của 4 bộ sử thi Raglai khác. Ông được mọi người cảm phục, yêu mến gọi là "người giữ hồn sử thi Raglai" của núi rừng Khánh Sơn.

Là cán bộ phòng truyền thống của Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Khánh Sơn, ông Tiến là người đi đầu trong việc sưu tầm và bảo tồn văn hóa Raglai ở nơi đây. Ông Tiến tâm sự: “Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng lời ru của bà, của mẹ. Lúc đưa nôi, hay nằm trên lưng mẹ lên rẫy, từng tiếng ru dìu dặt, dịu dàng ngấm dần vào tâm hồn, để rồi khi lớn lên những âm sắc ấy vẫn không sao phai nhạt trong tâm trí. Cả cuộc đời qua những năm kháng chiến, hòa bình, hội nhập kinh tế, đời sống đồng bào ngày càng phát triển ấm no, hạnh phúc... tôi chứng kiến và lo ngại là nền văn hóa Raglai ngày càng mai một. Lớp trẻ hôm nay ít quan tâm đến sử thi, những tiếng ru của người Raglai đang bị thay bằng những bài nhạc trẻ...”.


Với chiếc cassetle đơn giản, ông Tiến đã sưu tầm được 8 bộ sử thi Raglai.


Để tìm lại lời ru, chuyện kể một thời nuôi lớn tâm hồn mình và bảo tồn sử thi Raglai không để rơi dần vào quên lãng, ông Tiến đã cất công sưu tầm lại những lời ru ấy từ các già làng, các bà, các mẹ. Từ năm 1985, ông Tiến bắt đầu tiến hành việc sưu tầm sử thi Raglai cùng với sự giúp sức của cụ Nguyễn Thế Sang, cụ Trần Vũ (nguyên là cán bộ văn hóa của tỉnh, huyện). Năm 1987, tác phẩm đầu tiên “Bảo tồn chữ viết và văn hóa Raglai” của ông Tiến đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá cao, mở đầu cho một loạt kế hoạch bảo tồn văn hóa Raglai của ông. Năm 1999, phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tác phẩm “Akhàt jucar Raglai” đầu tiên của ông được xuất bản. Trong 10 năm kế tiếp, 3 bộ sách “Udai- Ujàc",̣ “Amã Chisa – Amã cuvau Vongcơi”,̣ “Awơi nãi tilơr” ra đời. Tổng cộng 4 bộ sử thi được xuất bản dày hơn 10.000 trang giấy, viết bằng 2 thứ tiếng Raglai và tiếng Việt. Ông Tiến đã sưu tầm được 8 bộ sử thi, ngoài 4 bộ đã xuất bản thành sách, còn 4 bộ được ghi ở hơn 300 băng thu âm đang nằm ở Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam chưa được gỡ ra và dịch lại.

Nói về sử thi người Raglai, ông Tiến cho biết đó là những câu chuyện kể về những anh hùng chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, đấu tranh sinh tồn và chống giặc ngoại xâm. Người anh hùng là những chàng trai vạm vỡ như Udai- Ujàc, là người đội lốt thú như Amã Chisa – Amã cuvau Vongcơi hay là người phụ nữ như Awơi nãi Tilơr đấu tranh chống lại thần rừng, thần biển bảo vệ người dân… Những câu chuyện ấy được truyền từ đời này sang đời khác bằng nhiều âm điệu. Điệu “Siri” dìu dặt kéo dài như lời ru con của các bà mẹ Raglai hát trên đường đi lên rẫy, khi trỉa bắp, trồng mì, hái rau rừng. Điệu “Majêng” ngân nga như lời tâm sự của người mẹ kể cho con nghe khi ru bé ngủ. Điệu “Adoh” với âm tiết nhanh, rộn ràng thường được dùng cho những buổi sinh hoạt cộng đồng, những mùa lễ hội. “Say mê lắm, mỗi lần nhớ về những bài hát ru của mẹ, hình ảnh những anh hùng hiện lên trong trí tưởng tượng của mình. Họ uy nghi, mạnh mẽ làm được những việc phi thường, khuấy động đất trời... Mỗi lần nghe tôi thêm yêu mến vùng đất này, thêm tự hào dân tộc của mình, có được những nét văn hóa đặc sắc”- ông Tiến tâm sự.

Để sưu tầm lại 8 bộ sử thi trên quả không dễ dàng chút nào, với chiếc casset cầm tay, tuần nào ông cũng đến các làng bản để gặp các mẹ, thu lại các bản sử thi qua trí nhớ của họ. Lúc đầu còn nhiều người biết, còn nhiều người nhớ nên việc thu âm còn thuận lợi nhưng những năm gần đây công việc trở nên rất khó khăn. Các bà, các mẹ bây giờ tuổi đã cao, trí nhớ mai một, sức khỏe yếu, rất nhiều người đã khuất núi. Huyện Khánh Sơn chỉ còn 2 bà nắm rõ sử thi Raglai nhưng đều đã yếu rồi.
Gian khổ là thế, nhưng điều làm ông trăn trở là lớp trẻ ngày nay ít người thuộc sử thi của người Raglai. Nếu có biết thì cũng chỉ thuộc được một vài đoạn, có thuộc thì nhiều lúc cũng không hiểu vì có nhiều từ cổ. Để lớp trẻ học được, những đêm bên bếp lửa, ông Tiến lại nghiền ngẫm từng đoạn, từng câu của sử thi. Những đoạn nào hay, sống động, ông trích dẫn lại và soạn thành từng tập nhỏ để hát lại cho thế hệ trẻ nghe. Không chỉ là sử thi, để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa Raglai, ông còn sưu tầm và dịch ra 2 thứ tiếng Raglai và Việt một loạt các tác phẩm khác được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng chứng nhận như: "Truyện cổ Raglai", “Tri thức bản địa của người Raglai”, “Thành ngữ, tục ngữ Raglai”, “Khánh Hòa diện mạo văn hóa một vùng đất”… Hiện tại ông Tiến còn là người dịch thuật, phụ trách chương trình tiếng dân tộc Raglai ở Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Ông Mấu Thái Cư, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Ông Tiến là người đam mê nhiệt huyết với văn hóa Raglai nhất mà tôi từng biết. Ông là dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Raglai hàng đầu ở Khánh Hòa hiện nay. Huyện đánh giá rất cao những công trình về sử thi Raglai do ông Tiến biên soạn, phiên âm, dịch nghĩa. Đó thực sự là một kho tàng đồ sộ về nền văn hóa truyền thống Raglai. Để bảo tồn và phát huy văn hóa Raglai, huyện đã mở nhiều lớp dạy sử thi cho con em Raglai và các cán bộ huyện, xã. Tuy nhiên, do hạn hẹp về kinh phi,́ huyện tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ việc mở lớp dạy sử thi Raglai, văn hóa Raglai trong thời gian tới”.

Ghi nhận sự đóng góp của ông Mấu Quốc Tiến, đầu năm 2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho ông Tiến. Có được vinh dự này, ông Tiến phấn khởi lắm. Mỗi ngày, những bước chân của “Người giữ hồn sử thi Raglai” Mấu Quốc Tiến lại thêm phần miệt mài hơn.

Bài và ảnh: Quang Đức