06:17 03/06/2015

Người lao động di cư thiếu thông tin về BHXH và BHYT

Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) vừa công bố khảo sát về mức độ tiếp cận an sinh xã hội của nhóm lao động di cư bán hàng rong và đồng nát vào ngày 3/6, tại Hà Nội.

Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) và Trung tâm Giới, gia đình và phát triển cộng đồng vừa công bố khảo sát về mức độ tiếp cận an sinh xã hội của nhóm lao động di cư bán hàng rong và đồng nát, vào ngày 3/6, tại Hà Nội.


LIGHT giới thiệu khảo sát mức độ tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội với nhóm lao động di cư


Khảo sát được tiến hành tại phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Đây là địa bàn cư trú của nhiều lao động di cư bán hàng rong và đồng nát (gọi tắt là lao động di cư). Khảo sát dựa trên phỏng vấn bằng bảng hỏi với 210 người lao động di cư bán hàng rong và đồng nát.


Khảo sát cho thấy phần lớn người bán hàng rong và đồng nát trước khi lên thành phố làm ăn, đều làm những công việc giản đơn trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và lao động tự do.Ngoài ra, có một tỷ lệ nhỏ làm công nhân và làm các công việc liên quan đến thủ công, mỹ nghệ.Điều đáng quan tâm là đặc trưng công việc của phần lớn người lao động không ổn định.


Nhìn chung thì đa số lao động di cư bán hàng rong và đồng nát làm việc trên 10 giờ mỗi ngày chiếm tỷ lệ cao nhất 44,8%. Số người làm việc từ 8 giờ đến 10 là 33,8%. Như vậy, thời gian lao động của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát nhiều hơn rất nhiều so với thời gian lao động trung bình mỗi ngày theo luật lao động là 8 giờ/ngày. Mức thu nhập bình quân chung là trên 3,3 triệu đồng/tháng.


So với các loại hình lao động khác, lao động di cư là nhóm có nguy cơ tổn thương cao; đặc biệt đối với lao động di cư bán hàng rong và đồng nát thì những khó khăn vất vả thường gặp nhiều hơn nữa. Do vậy, các dịch vụ an sinh xã hội (ASXH) vô cùng cần thiết và là nhu cầu chính đáng của lao động di cư – bán hàng rong.


Kết quả khảo sát cho thấy người lao động di cư có nhu cầu được tiếp cận với ASXH. Có 69% cho rằng Tư vấn và đăng ký tạm trú là cần thiết nhât đối với họ;tiếp theo là dịch vụ và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe (SKSS) (55,2%), Tư vấn và mua BHYT tự nguyện (48,1%), và Dịch vụ Tư vấn pháp luật, chính sách (40,5%), thấp nhất là dịch vụ tư vấn, mua BHXH (25,5%).


Bị đau, ốm là điều mà lao động di cư lo lắng bởi đa số họ không có người thân, không có trợ giúp xã hội, một thân một mình đi làm ăn. Nếu ốm, đau không những bản thân người lao động bị mất đi thu nhập, mà còn bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ so với thu nhập để chi trả dịch vụ khám, chữa bênh. Bới vậy, sức khỏe là vấn đề quan trọng. Dịch vụ Tư vấn khám, chữa bệnh hay chăm sóc sức khỏe là nhu cầu rất cần thiết đối với họ. Tuy nhiên do hạn chế về nhận thức trong chăm sóc sức khỏe cùng với điều kiện kinh tế khó khăn nhiều lao động di cư bán hàng rong và đồng nát còn không có khả năng khám, chữa bệnh ngay cả khi biết mình mắc bệnh. Mặc dù bản thân họ có nhu cầu được mua BHYT nhưng với thu nhập của họ, họ vẫn không xem BHYT là yếu tố đáng được ưu tiên.


Có tới 91% người lao động di cư (bán hàng rong) cho biết họ chưa từng biết đến các quy định Bộ luật Lao động 2012; 91,45% chưa từng biết đến Luật BHXH và 93,3% chưa từng biết đến Luật BHYT. Trong khi đó đây đều là những quy định pháp luật cơ bản nhất liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ lao động và ASXH trợ giúp người lao động.


Nhu cầu tiếp cận một số dịch vụ ASXH của lao động di cư tỷ lệ thuận hiểu biết của người lao động di cư về các thông tin, quy định pháp luật liên quan. Nhận thức, kiến thức, hiểu biết về ASXH càng cao nhu cầu đối với Bảo hiển Y tế, BHXH và các dịch vụ xã hội cơ bản cũng cao lên.


Số liệu khảo sát cho thấy dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trong số các dịch vụ xã hội hiện có là đăng ký tạm trú, với 72,9% số người trả lời lựa chọn; 22,4% lao động di cư đã từng đi khám, chữa bệnh, 11,9% đã từng được tư vấn mua BHYT tự nguyện. 2 loại hình dịch vụ dường như còn xa lạ, liên quan tới công việc của người lao động di cư là tư vấn và mua BHXH (2,9%) và tư vấn pháp luật (9%) được rất ít người trả lời là đã từng sử dụng.


Kết quả khảo sát cho thấy nguồn cung cấp thông tin gần gũi nhất đối với người lao động di cư là chủ nhà trọ với 40,4% người trả lời lựa chọn; 22.4% người trả lời lựa chọn tổ dân phố (cán bộ tổ dân phố); 11.5% là cán bộ ủy ban nhân dân phường, có tỷ lệ lựa chọn thấp hơn là các đại diện khác như cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân, lao động – thương binh và xã hội, công an phường.


Theo đánh giá của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát tại phường Chương Dương và Phúc Tân về chất lượng của các dịch vụ cho thấy lần nữa về sự hạn chế về mức độ tiếp cận đối với dịch vụ BHXH, BHYT, tư vấn pháp luật, chính sách. Đa số người trả lời không biết về chất lượng của dịch vụ tư vấn mua BHYT tự nguyện và BHXH. Ngay cả với dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe là dịch vụ được sử dụng phổ biến hơn với người lao động nói chung và người lao động di cư nói riêng, cũng có tới 76.3% không biết về chất lượng của dịch vụ này.


Khảo sát cho thấy số lượng lao động di cư có thẻ BHYT trong khảo sát này có tỷ lệ thấp: chỉ có hơn 13% người trả lời có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo; 1,9% có thẻ BHYT dành cho gia đình chính sách; 17% lao động di cư có thẻ BHYT tự nguyện.


Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT cho rằng: “Không được hướng dẫn khi sử dụng dịch vụ” là lý do gây khó khăn chính trong việc người lao động di cư bán hàng rong và đồng nát tiếp cận với các dịch vụ xã hội, trong đó có tư vấn mua BHYT tự nguyện, tư vấn và mua BHYT xã hội và tư vấn pháp luật.


“Đây là khảo sát trên quy mô của 2 phường tại Hà Nội có đông lao động tự do, qua đó đánh giá nhu cầu và mức độ tiếp cận BHYT, BHXH và một số dịch vụ xã hội cơ bản làm cơ sở thực tiễn cho một số hoạt động can thiệp của Dự án “Mô hình nhóm Tự Lực người di cư bán hàng rong và đồng nát tại Hà Nội”. Đồng thời kiến nghị với các Bộ ngành liên quan có chính sách phù hợp thực tế để người lao động tự do có thể tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn”, bà Nguyễn Thu Giang cho biêt.


Xuân Minh