04:09 19/04/2012

Người khuyết tật còn khó tìm việc làm

Trong những năm qua, TP.HCM luôn có những chính sách nhằm chăm lo cho người khuyết tật về mọi mặt, trong đó có đào tạo nghề nhằm giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống.

Trong những năm qua, TP.HCM luôn có những chính sách nhằm chăm lo cho người khuyết tật về mọi mặt, trong đó có đào tạo nghề nhằm giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống.

Để tạo việc làm cho người khuyết tật, TP.HCM rất quan tâm đến việc trợ giúp đào tạo nghề cho người khuyết tật và hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận lao động là người khuyết tật. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, hiện toàn thành phố có khoảng 44.000 người khuyết tật, nhưng có hơn nửa số người khuyết tật vẫn chưa có việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là do họ vẫn chưa đủ tự tin để vượt qua số phận và không có trình độ tay nghề.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, số người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm hằng năm trung bình trên 15.000 người. Theo dự báo nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), bình quân mỗi năm thành phố cần thu hút trên 280.000 chỗ làm việc, những nhóm ngành nghề có thể sử dụng nhiều người khuyết tật như: CNTT, điện - điện tử, kế toán, may, giày da, thủ công mỹ nghệ… Nếu thực hiện đúng luật, mỗi doanh nghiệp phải bố trí 2% chỗ làm cho người khuyết tật thì mỗi năm sẽ giúp khoảng 5.000 - 6.000 người khuyết tật có việc làm.

Người khuyết tật được đào tạo nghề miễn phí.


Để giúp người khuyết tật có việc làm nuôi sống bản thân, hiện tại TP.HCM có khá nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho đối tượng này. Các cơ sở và trung tâm đào tạo nghề luôn chú trọng phát triển đào tạo các ngành nghề phù hợp với người khuyết tật và thị trường lao động cũng có nhu cầu tuyển dụng như: Thiết kế quảng cáo, sửa chữa điện thoại di động, tin học, may, thêu… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng dần xóa bỏ định kiến và ngày càng tiếp nhận nhiều hơn người khuyết tật vào làm việc. Ông Lê Trọng Sang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: Để các chính sách trợ giúp người khuyết tật đi vào cuộc sống, trong những năm qua thành phố đã triển khai nhiều chương trình cụ thể. Trong đó, chương trình đồng hành trợ giúp, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận được với cơ hội học văn hóa, học nghề, tìm việc làm và được hỗ trợ vay vốn tự tạo việc làm đã và đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, cũng nhìn nhận: “Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn để hòa nhập cộng đồng, trong đó có hòa nhập về việc làm. Có thể kể đến các khó khăn như phương tiện đi lại trong xã hội dành cho người khuyết tật vẫn còn ít. Một vài doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc thiết kế dây chuyền làm việc, cơ sở vật chất phù hợp với người khuyết tật”.

Theo Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật tại TP.HCM, tỷ lệ học viên người khuyết tật học nghề tại trung tâm tìm được việc làm ổn định trong thời gian từ năm 1999 - 2004 đạt gần 53% và 2005-2009 đạt gần 60% trên tổng số tốt nghiệp. Năm 2010, 100% học viên người khuyết tật có việc làm. Tính đến nay, trung tâm đã giới thiệu khoảng 800 - 1.000 lao động khuyết tật làm việc trong các doanh nghiệp và cơ sở, tuy nhiên chỉ khoảng 300 lao động còn trụ lại ở các doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện môi trường làm việc không đáp ứng được yêu cầu của công việc, không phù hợp với sức khỏe của người lao động, do đó họ phải tự nghỉ việc. Hiện trung tâm có 16 ngành nghề đào tạo khác nhau đáp ứng nhu cầu của người học nghề. Các ngành nghề được học viên theo học và được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất vẫn là ngành công nghệ thông tin, thẩm mỹ, may thêu, điện tử, điện cơ… thu nhập bình quân của người khuyết tật hiện nay là khoảng 2,5 triệu/tháng.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu song chưa có việc làm khoảng 30,43%. Do sức khỏe không tốt, lại không được học hành đầy đủ (chỉ khoảng 6% người khuyết tật học hết bậc THPT, trên 20% có trình độ THCS) nên cơ hội kiếm việc làm của họ gần như không có. Đặc biệt khó khăn càng lớn hơn đối với người khiếm thị. Chính vì thế, ông Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, trước tiên cần có chính sách khuyến khích các tổ chức và hỗ trợ hướng nghiệp cho người khiếm thị chọn nghề phù hợp để học và tự tạo việc làm như cung cấp thông tin, nâng cao trình độ nhận thức về xã hội và pháp lý cho người khiếm thị; cần điều tra phân loại người khiếm thị ở những mức độ khác nhau để chính sách hỗ trợ được thích hợp. Đối với doanh nghiệp, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ chỗ làm cho người khiếm thị, cải tiến công cụ lao động; thành lập quỹ trợ giúp người khiếm thị theo luật người khiếm thị...

Bài và ảnh: Đan Phương