08:23 13/08/2012

Người hưu trí Nhật Bản 'hướng ngoại'

Sau khi đã cống hiến cả tuổi trẻ cho sự phát triển của công ty với những giờ làm việc dài dặc và hiếm hoi kỳ nghỉ, quãng đời hưu trí tưởng như là sự nghỉ ngơi xứng đáng của những công dân cao tuổi ở Nhật Bản.

Sau khi đã cống hiến cả tuổi trẻ cho sự phát triển của công ty với những giờ làm việc dài dặc và hiếm hoi kỳ nghỉ, quãng đời hưu trí tưởng như là sự nghỉ ngơi xứng đáng của những công dân cao tuổi ở Nhật Bản. Nhưng thực tế không hẳn như vậy, không ít người Nhật Bản cho rằng về hưu là cơ hội để họ bắt đầu một sự nghiệp mới.


Ông Teruo Higo (ngoài cùng, bên phải) trò chuyện với đồng nghiệp trong thời gian làm việc tại một nhà máy ở Cordoba, Áchentina tháng 7/2011. Ảnh: AFP/ttxvn

 

Tại đất nước Mặt trời mọc, xu hướng ra nước ngoài làm việc để tiếp tục sống năng động trong quãng đời hưu trí, vốn có thể kéo dài tới 20 năm, đang là lựa chọn của nhiều công dân cao tuổi. Khi ngấp nghé tuổi 60, ông Toshio Hirouchi đã tự hỏi cuộc sống nào đón đợi ông khi ông rời “gã khổng lồ” công nghệ IT Fujitsu, nơi ông đã làm việc hơn 3 thập kỷ.


Ông Hirouchi gia nhập công ty năm 1973 và tham gia lập trình những máy tính đa mục đích cỡ lớn vốn là những thứ làm nên trụ cột ngành công nghiệp Nhật Bản thời kỳ đó. “Nhưng với sự xuất hiện của máy tính cá nhân, công ty muốn tuyển dụng những kỹ sư trẻ tuổi hơn để phát triển dòng máy tính mới.


Những người thế hệ tôi buộc phải rút khỏi khu vực phát triển để làm công việc hành chính”, ông nói. “Sự thay đổi này giúp tôi nghĩ đến việc phải làm gì đó hoàn toàn mới sau khi nghỉ hưu”, ông Hirouchi nay 66 tuổi nói.


Câu trả lời đã đến khi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thông báo tuyển dụng những người tuổi từ 40 đến 69 để làm việc tại nước ngoài.


Chương trình đã tuyển được 470 người như vậy để đi làm việc tại hơn 60 nước khác nhau ở châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông mỗi năm, nơi họ có nhiệm vụ thúc đẩy “sự hiểu biết và tình hữu nghị xuyên biên giới”. Các chuyên gia Nhật Bản cũng có mặt ở đó để “góp phần phát triển kinh tế và xã hội” của những nước nhận viện trợ của Nhật Bản.


Hiện nay số công dân trên 65 tuổi chiếm tới hơn 23% trong tổng dân số 127 triệu người của đất nước Mặt trời mọc, một tỉ lệ thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Mặc dù vậy, con số này dự kiến tăng lên tới 40% vào năm 2060, do dân số Nhật Bản tiếp tục suy giảm và điều này tiếp tục làm tăng gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước vốn đã căng thẳng sau 2 thập kỷ kinh tế trì trệ.


Các tính toán của chính phủ ước đoán đến năm 2060, tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản là 84 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ nước này lên đến 91. Đồng nghĩa với tuổi thọ tăng cao là chi phí an sinh xã hội gia tăng trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản đang cao gấp đôi GDP.


Một báo cáo của chính phủ tháng trước nói rằng Nhật Bản cần tận dụng kỹ năng của đội ngũ lao động cao tuổi này, cảnh báo rằng triển vọng kinh tế đất nước phụ thuộc vào làm sao để khuyến khích người về hưu tiếp tục cống hiến.


Trong sách trắng, nội các Nhật Bản nêu rõ nước này “cần hiện thực hóa một xã hội nơi người già có thể tham gia thị trường lao động hay trong hoạt động xã hội” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sách trắng cũng chỉ rõ, nhiều người cao tuổi thực sự vẫn muốn năng động về mặt kinh tế song thực tế mong muốn mạnh mẽ của họ lại chưa tạo ra được nhiều cơ hội việc làm thực sự.


Ông Tetsuo Kawauchi, nhà nghiên cứu trưởng tại Tổ chức Việc làm cho Người trung tuổi, Người khuyết tật và những Người tìm kiếm Việc làm (JEED), cho rằng những việc mà JICA đang làm hiện nay rất hữu ích nhưng mới chỉ có một bộ phận người hưu trí được hưởng thành quả này.


Ông nói: “Người nộp đơn làm việc tình nguyện cho JICA ở trong điều kiện tương tối vì họ có kỹ năng chuyên môn và đang hưởng mức lương hưu khá lớn từ những tập đoàn lớn mà họ đã làm việc trước đây. Điều mà những người này muốn tìm kiếm không phải là thu nhập mà là động lực sống”.


Cùng với đó, những công dân cao tuổi tài năng như Teruo Higo, chuyên gia kiểm soát sản xuất của hãng Sony, coi làm việc là cách duy nhất để duy trì tài năng của họ. Đây cũng là cách để họ cảm thấy vẫn còn năng động và tràn đầy nhiệt huyết cống hiến. Ông Higo rời Sony ở tuổi 58 để thành lập công ty riêng của mình chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ về cách thức cải thiện năng suất.


Khẳng định “tuổi già, trí không già”, trong 10 năm tiếp sau đó, ông đã có tới hai nhiệm kỳ 2 năm làm việc cho JICA với tư cách chuyên gia tại Áchentina vào các năm 2002 và 2009. Ông Higo, nay đã 72 tuổi, bày tỏ: “Với người về hưu, không có nơi làm việc nào tốt hơn cơ chế tình nguyện này (JICA), cả về điều kiện làm việc và phúc lợi”.


Khí tới Mỹ Latinh làm việc, các chuyên gia JICA được cung cấp chỗ ở và vé máy bay miễn phí. Bên cạnh đó, họ được nhận sinh hoạt phí 1.000 USD mỗi tháng. Ông Higo cho rằng đối với người về hưu, điều quan trọng hơn tiền bạc là có một công việc gắn với trách nhiệm nào đó. Điều này giúp được người cao tuổi tránh được bệnh mất trí nhớ và nhờ đó cũng giúp họ tránh được một khoản chi phí y tế mà bệnh tật gây ra do không làm việc.

 


Đỗ Sinh (theo AFP)