12:19 14/12/2014

Người họa sĩ của biển đảo

17 năm gắn bó với Trường Sa là quãng thời gian mà hiếm có người nghệ sĩ nào từng được trải qua. Vậy nên với họa sĩ, đại tá Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đó là quãng đời đáng sống và đáng tự hào nhất của ông.

17 năm gắn bó với Trường Sa là quãng thời gian mà hiếm có người nghệ sĩ nào từng được trải qua. Vậy nên với họa sĩ, đại tá Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đó là quãng đời đáng sống và đáng tự hào nhất của ông.

Trong khi nhiều người gọi Bằng Lâm là “họa sĩ của biển đảo” bởi “kho” tác phẩm đồ sộ mà ông sáng tác về biển đảo từ thời kỳ công tác ở Trường Sa cho đến bây giờ, thì ông lại tự nhận mình là “người lính thủy” dùng cây cọ để làm đẹp thêm cho biển đảo quê hương và đẹp thêm hình ảnh những người chiến sĩ hải quân.

Đại tá, họa sĩ Bằng Lâm và tuyển tập tác phẩm trong triển lãm “Biển”.


Họa sĩ Bằng Lâm sinh năm 1944 tại Thái Lan, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từng được vinh dự đón Bác Hồ đến ở và làm việc. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 1965, Bằng Lâm đã nhập ngũ tại Sư đoàn 308 và chiến đấu ở chiến trường Đường 9, Khe Xanh, Nam Lào.

Từ năm 1972 đến năm 1989, ông được chuyển sang Ban tuyên huấn Bộ Tư lệnh Hải quân và công tác ở quần đảo Trường Sa, vì thế ông luôn tự hào là người họa sĩ đã từng được đặt chân tới tất cả các đơn vị thuộc duyên hải, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngay từ những ngày đầu.

“Trong suốt 17 năm ở Trường Sa, tôi đã cùng anh em chiến sĩ vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống xa đất liền, thiếu thốn đủ thứ bằng cách cứ miệt mài vẽ, miệt mài sáng tác, và dường như chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi”, họa sĩ Bằng Lâm chia sẻ.

Có lẽ bởi thế mà họa sĩ Bằng Lâm đã tới có hàng nghìn tác phẩm về người lính trong công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc, được đánh giá cao và được công chúng yêu thích. Trong số các tác phẩm đó có rất nhiều bức tranh có giá trị trong tuyên truyền vẫn đang được Bảo tàng quân đội trưng bày và lưu giữ như: Tranh sơn dầu “Bác Hồ với chiến sĩ Hải quân”, “Đọc báo trên đảo”, “Cây phong ba và người lính đảo”, “Khúc hát dân ca trên đảo”, “Lính thủy với mặt trời”...

Với họa sĩ Bằng Lâm, mỗi bức tranh ông vẽ là một kỷ niệm, và những bức tranh nói lên tinh thần “thép” của người lính hải quân vẫn là những bức ông tâm đắc nhất. Tuy nhiên, bức vẽ mà ông dành nhiều tình cảm nhất có lẽ là bức tranh sơn dầu “Cây phong ba trên đảo Trường Sa”.

Để vẽ bức tranh này, ông đã dành rất nhiều thời gian quan sát và cảm nhận. Đó là điểm chung giữa hình ảnh cây phong ba, là loại cây duy nhất sống được giữa sóng gió nghiệt ngã ở đảo với hình ảnh anh lính bồng súng giữ yên vùng biển của Tổ quốc.

Điều đáng nói ở đây là, trong khi cây phong ba phải oằn mình, mới tồn tại được thì cũng trước những khắc nghiệt sóng gió ấy, người lính vẫn đứng thẳng, hiên ngang ngẩng đầu.

Hay như ở bức tranh “Lính thủy và mặt trời” là sự phác họa cuộc sống, tình cảm của những người chiến sĩ ngoài đảo xa. Vì ở giữa biển nên lính đảo vẫn là những người đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc, có khi từ 4 giờ sáng, và ánh sáng mặt trời ban mai ấy, với họ còn là ánh sáng của Đảng, của chân lý cách mạng đã soi rọi tới mỗi chiến sĩ để động viên họ chiến đấu và kiên cường vượt qua những khó khăn, gian khổ.

Sống cùng những người lính hải quân mới “thấm” hết gian khổ của họ. Có khi đó là cảnh chống chọi với bão tố, với cái nắng nghiệt ngã, có lúc là cảnh chia nhau từng cọng rau xanh, chia sẻ cho nhau đọc từ những bức thư tình cảm trong đất liền gửi ra... Dường như không ai hiểu lính đảo như họa sĩ Bằng Lâm và đó cũng là thế mạnh giúp ông hoàn thành nhiệm vụ tuyên tuyền của mình.

“Chất lãng mạn trong các tác phẩm của tôi ở thời kỳ đó chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, đó là dùng tình cảm và cái đẹp của người lính, của biển đảo để ca ngợi đất nước, kêu gọi các chiến sĩ ra đảo chiến đấu. Đó cũng là thế mạnh của tôi, vì ngày ngày được sống cùng những người lính hải quân, cùng họ trải qua biết bao những khó khăn, nhọc nhằn nhưng cũng đầy tự hào, và tất cả những cảm xúc đó đều đã được tôi “ghi” lại trong mỗi tác phẩm của mình. Vì thế mỗi tác phẩm tôi sáng tác thời kỳ đó cũng là một phần làm nên những cảm xúc đẹp về anh lính hải quân, về lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam”, họa sĩ Bằng Lâm chia sẻ.

Dường như những kỷ niệm về người lính, về biển đảo vẫn còn nguyên trong tâm hồn họa sĩ Bằng Lâm, khi gần đây ông vẫn miệt mài sáng tác về biển, đảo với cảm xúc “không kém gì những ngày còn ở Trường Sa”.

Cuộc triển lãm “Biển” mới đây là một sự thành công nữa khi ông công bố hơn 20 bức tranh “tâm trạng về biển” vẽ theo phong cách trừu tượng. Trong đó, có bức thể hiện sự bình yên, hiền hòa của biển cả; có bức lại cho thấy biển đang giông tố với những biến chuyển của tình hình biển Đông hiện nay.

“Tôi vẫn chọn sáng tác về biển đảo vì cảm thấy cuộc đời dường như gắn với biển, gắn với những người lính hải quân. Những cảm xúc ấy theo thời gian không chỉ không phai nhạt mà còn ngày càng trỗi dậy trong tôi, và tôi luôn tự hào về quãng thời gian từng là một người lính, và cũng mãn nguyện vì mình cũng đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người lính quân đội nhân dân Việt Nam”, họa sĩ Bằng Lâm chia sẻ.


Tạ Nguyên