10:21 12/10/2013

Người Hà Nội nghiêng mình trước vong linh Đại tướng

Sáng thứ Bảy mùa Thu Hà Nội tiết trời se dịu, không những con dân Thủ đô, mà người dân khắp mọi miền đất nước đã nâng nhẹ từng bước chân, dồn về trung tâm Thủ đô với một tấm lòng thành kính, nghiêng mình trước vong linh, tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sáng thứ bảy mùa thu Hà Nội tiết trời se dịu, vạn vật như tĩnh mịch hơn, lòng người cũng mang nhiều tâm trạng khác biệt; không những con dân Thủ đô, mà người dân khắp mọi miền đất nước đã nâng nhẹ từng bước chân, dồn về trung tâm Thủ đô với một tấm lòng thành kính, nghiêng mình trước vong linh, tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Sáng 12/10/2013, rất đông người dân Thủ đô tập trung tại khu vực vườn hoa Pasteur, trước Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), để xem truyền hình trực tiếp Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN


Ngay từ sáng sớm 12/10, từng đoàn người đã tập trung tại các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Tăng Bạt Hổ, Hàng Chuối, Trần Nhân Tông... Không ai bảo ai, mặc cho đông người, nhưng họ cứ âm thầm, trầm tĩnh xếp thành hàng đứng ngoài vòng quy định của Ban tổ chức Lễ tang chờ đợi hàng giờ đồng hồ để mong được vào tận nơi, tự tay mình thắp nén nhang viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Không ít người từ các tỉnh xa về, người đang thấm mệt, lại mang nỗi buồn nặng trĩu trong lòng, chắp tay vái vọng, với hàng nước mắt tuôn rơi, thật xúc động. Các màn hình lớn được dựng ở ngã 5 Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông, để phục vụ người dân tận mắt theo dõi, chứng kiến thời khắc thiêng liêng và tiếc thương vô hạn này - đất trời Hà Nội như lặng im.

Hòa cùng tâm trạng, phóng viên TTXVN cũng có mặt tại nhiều địa điểm trên thành phố để ghi lại những tâm tư, tình cảm, thước phim, gửi gắm của người dân Thủ đô. Ông Lại Phú Khải, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy đượm buồn: “Với người dân Việt Nam, ai cũng kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù biết đó là: "Sinh – Lão – Bệnh – Tử" không ai tránh khỏi, nhưng Đại tướng là người đã có công lao to lớn đối với dân tộc, lúc mất đi chắc chắn sẽ để lại nỗi đau, lòng tiếc thương không chỉ với riêng tôi mà tất cả mọi người”.

Ngôi nhà của gia đình Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu vẫn tập trung đông đảo nhân dân tới chia buồn. Họ thẫn thờ đứng trước cổng và bên dải phân cách con đường, nhìn vào khuôn viên ngôi nhà với khuôn mặt đầy ưu tư. Vẫn với những bó hoa tươi, những tờ giấy trang trọng ghi tình cảm của mình với vị Đại tướng, mang đến trước cổng nhà, dù biết rằng hôm nay gia đình Đại tướng không thể đón tiếp. Ngôi nhà vẫn hiền hòa dưới bóng cây, lối vào vẫn xếp đầy hoa tươi của những người đến tưởng niệm từ hôm trước.

Chỉ khác mấy ngày trước, trong khuôn viên nhà Đại tướng hôm nay là một dãy ô tô nối nhau, chuẩn bị đưa người thân, họ hàng vào Quảng Bình, để đưa tiễn Đại tướng về với tổ tiên. Khi đoàn xe lăn bánh, mọi người cố dõi theo như gửi gắm tấm lòng mình vào miền đất nơi Đại tướng yên giấc nghỉ. Trong số những người này, hai anh em anh Lê Văn Tài (ở xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, Hải Dương) đã dậy từ 4 giờ sáng, gác mọi công việc, vượt qua gần 100 km lên Hà Nội để bày tỏ lòng thành kính đối với Đại tướng. Anh tâm sự: “Mấy hôm trước chúng tôi không có điều kiện lên chia buồn với gia đình Đại tướng, hôm nay dù vướng bận tới đâu tôi cũng phải lên đây để bày tỏ tình cảm của mình”. Sau khi thăm ngôi nhà Đại tướng, hai anh em anh sẽ đến khu vực tổ chức lễ viếng để chia sẻ nỗi đau buồn cùng mọi người.

Cụ Nguyễn Thị Hòa (87 tuổi, trú tại ngõ 27, phố Đặng Dung, quận Ba Đình, Hà Nội) ngồi khóc lặng trên chiếc xe lăn. Trong lần ngã gần đây, cụ bị chấn thương ở đầu, ảnh hưởng đến khả năng nói, nhưng sáng nay cụ vẫn ra hiệu cho người nhà đưa tới trước cổng nhà Đại tướng. Mặc dù được mọi người an ủi, động viên, nhưng đôi lúc cụ không kìm nén được cảm xúc, khóc nấc lên.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, khu vực diễn ra các hoạt động chính của lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lực lượng chức năng đã bố trí tập kết, trông giữ phương tiện miễn phí trên 2 tuyến đường Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư và Hai Bà Trưng – Lý Thường Kiệt – Lê Thánh Tông. Các đoàn viếng đi bộ từ các phố lân cận như Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, Pasteur… để vào Nhà tang lễ Quốc gia. Quận Hoàn Kiếm huy động đông đảo lực lượng công an, dân phòng, tự quản, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên tình nguyện tham gia phục vụ, hướng dẫn phân làn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Một số cơ quan, đơn vị như: Tổng Công ty thương mại Hà Nội, Công ty cổ phần Thủy Tạ… cũng bố trí nhiều điểm phục vụ nước uống, bánh mỳ miễn phí cho các đoàn khách và nhân dân cả nước tới viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người dân quanh khu vực cũng đóng cửa hàng quán để tới dự lễ viếng Đại tướng và chỉ dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ người dân ngoại tỉnh đi lại trong thời gian diễn ra lễ viếng.

Trước vườn hoa Tăng Bạt Hổ, đông đảo người dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố khác đã có mặt tại đây từ sáng sớm để kịp theo dõi lễ viếng qua màn hình lớn. Nhiều người trong trang phục sẫm màu, nghiêm trang, xúc động trong niềm tưởng nhớ và biết ơn đối với Đại tướng. Trong số này, có nhiều cựu chiến binh mặc quân phục, đeo huân, huy chương trên ngực, nhiều phật tử vừa lần tràng hạt vừa cầu nguyện cho Đại tướng… Lẫn trong dòng người còn có cả những vị khách nước ngoài vì ngưỡng mộ tài năng, đức độ của Đại tướng, đã đến viếng và mang theo lá cờ của nước họ cùng với cờ Việt Nam có buộc dải băng đen.

Nước mắt lưng tròng, cô Nguyễn Thùy Biên (58 tuổi, ở khu tập thể Viện Quân y 108, số 1 Trần Thánh Tông, Hà Nội) nghẹn ngào cho biết, một tuần nay cô sống trong tâm trạng u buồn, thương tiếc khôn nguôi vị Đại tướng toàn tài của dân tộc. Được tận mắt chứng kiến hình ảnh tại lễ viếng của Đại tướng, khi tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên, cô Biên lại ôm mặt khóc trong nỗi tiếc thương vô hạn. Cô tâm sự, thấy đông đảo người dân từ khắp mọi miền đất nước, lặn lội không kể đường xá xa xôi cùng đến để mong được vào viếng Đại tướng, cô như thấy được sức mạnh của dân tộc, người dân Việt Nam đang xích lại gần nhau hơn, cùng nhau chia sẻ nỗi đau thương mất mát to lớn này.

Bắt xe khách ra Hà Nội từ lúc trời còn chưa kịp sáng, anh Đặng Thế Ngọc (39 tuổi, ngư dân ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cùng 2 con gái có mặt tại vườn hoa Tăng Bạt Hổ lúc 8 giờ. Anh tâm sự: Từ đáy lòng mình, anh luôn dành trọn niềm kính yêu và biết ơn vô hạn với vị Đại tướng đã dành cả cuộc đời cho nhân dân, cho non sông đất nước, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Anh Ngọc dự định chiều 12/10 cùng 2 con xếp hàng vào viếng Đại tướng và sẽ ở lại Hà Nội đến hết sáng 13/10 để được tiễn Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng.


Đinh Thuận – Kim Anh