03:23 08/03/2012

Người gìn giữ “linh hồn” Mường

Đến xóm Chăm, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) hỏi ông Nguyễn Văn Thực thì ai cũng biết, bởi ông là một trong ít người biết giữ phách cho giàn chiêng và truyền dạy lòng say mê cho thế hệ sau, đặc biệt dùng tay xoa vào núm chiêng để chiêng ngân lên tiếng thì chỉ có một mình ông làm được.

Đến xóm Chăm, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) hỏi ông Nguyễn Văn Thực thì ai cũng biết, bởi ông là một trong ít người biết giữ phách cho giàn chiêng và truyền dạy lòng say mê cho thế hệ sau, đặc biệt dùng tay xoa vào núm chiêng để chiêng ngân lên tiếng thì chỉ có một mình ông làm được. Chính vì lòng say mê, nhiệt huyết mà vừa qua ông Thực đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Ông Thực dạy vợ và cháu gái đánh cồng chiêng.


Ông Nguyễn Văn Thực cho biết: "Khi mới 12 tuổi, trong khi chúng bạn còn mải mê với các trò chơi như đánh khăng, bổ cù... thì tôi thường đi theo bà cô là thành viên đội văn nghệ xã Thái Bình đến những đêm diễn, hội sắc bùa để xem các mế đánh chiêng. Nhiều lúc thích chiêng quá, tôi luồn ra phía sau gõ "peng" một cái rồi chạy trốn. Về nhà tôi cứ nằng nặc nhờ bà cô dạy cách đánh và lân la đến những người cao niên khác trong làng để học. Những ngày đầu chỉ làm quen với chiêng "tủm", đánh mãi rồi mới tập sang chiêng khầm, chiêng cái, chiêng tlé. Học đánh chiêng rồi bị chiêng hút hồn từ lúc nào không hay, chỉ biết rằng nghe thấy tiếng chiêng là đôi mắt tôi sáng lên, đôi chân háo hức bước nhanh”.

Niềm đam mê đã sớm giúp cậu bé Thực ngày đó thuần thục nhiều bài chiêng cổ. Chỉ sau 5 năm ham mê học hỏi mọi điều về cồng chiêng, chàng trai Mường, xóm Chăm đã được vào đội văn công của xã năm 17 tuổi. Ông Thực không thể nhớ nổi mình đã tham gia biểu diễn bao nhiêu lần, từ hội đánh cá, đi săn đoọc moong, kéo gỗ, đám cưới, đám ma, hội sắc bùa, mừng nhà mới đến việc tế lễ ở đình làng đều không thể thiếu vắng ông.

Hiểu chiêng, yêu chiêng nên ông thấy trăn trở khi nhiều gia đình khó khăn cứ mang chiêng đi bán với giá rẻ như bèo. Ông đã bàn với vợ bán trâu, lợn, gà của nhà để dành tiền mua lại những chiếc chiêng cổ. Bước chân của ông in dấu khắp cả 4 vùng Mường Bi, Mường Vang, Thàng, Động, đến cả huyện Đà Bắc vùng sâu, huyện Mai Châu vùng cao và tỉnh Sơn La, với mong muốn giữ lại một phần “linh hồn” của đất Mường.

Thời gian dần trôi, lòng đam mê cồng chiêng cứ ngấm dần trong ông, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã sưu tầm được 20 chiếc chiêng có âm vực khác nhau. Tuy vậy, ông vẫn thấy thiếu vì chưa có một chiếc chiêng cái – nhạc cụ chủ đạo trong giàn cồng chiêng xứ Mường, dẫn nhịp cho cả giàn cồng chiêng con. Không có chiếc chiêng cái coi như giàn cồng chiêng bỏ đi.

Năm 1994, với 1,8 triệu đồng một chiếc chiêng cái là quá lớn đối với một gia đình như ông. Nhưng với lòng quyết tâm, ông Thực đã bán trâu, bò để mua bằng được chiếc chiêng đó. Ông Thực cho biết: “Những lúc như vậy, tôi chỉ nghĩ tiền có nhiều đến mấy thì cũng làm ra được, nhưng không có chiếc chiêng cái cổ thì người Mường coi như đã để mất một tài sản quý giá của cha ông để lại”.

Có chiêng nhưng chỉ để treo thì vô nghĩa, biết đàn, hát mà không truyền lại thì cũng sẽ mất đi hồn cốt dân tộc. Từ ý nghĩ đó, ông Thực đã thành lập đội văn nghệ để truyền dạy cho những người trong xóm yêu thích cồng chiêng. Để tập hợp ít nhất 12 tay chiêng trong hội sắc bùa, ông phải mất nhiều thời gian, vận động bà con lập một đội, gồm cả vợ và cháu gái trong nhà. Vợ ông lúc đầu cũng phàn nàn thấy ông ham mê cồng chiêng đến nỗi quên cả ăn, cả ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng khi được ông truyền dạy, bà cũng đam mê cồng chiêng từ lúc nào không hay. Đội văn nghệ do ông làm đội trưởng đã tham gia nhiều buổi trình diễn trong và ngoài tỉnh, đạt được nhiều giải cao.

Danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam của tỉnh Hòa Bình là phần thưởng xứng đáng, bởi ông Nguyễn Văn Thực chính là điển hình giúp cho văn hóa Mường được bảo tồn và phát huy. Qua đó, đã góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, vận động thanh thiếu niên vào những hoạt động văn hóa lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội.

Bài và ảnh: Nguyễn Quốc Trị