11:10 29/11/2012

Người già Nhật Bản 'mê' làm việc

Sáu ngày mỗi tuần, mùa đông cũng như mùa hè, ông Mitsumi Kobuna đều thức dậy lúc 5 giờ sáng và đến khu chợ cá Tsukiji để trông nom cửa hàng của gia đình. Người đàn ông 73 tuổi này đã giữ thói quen làm việc 15 tiếng mỗi ngày trong suốt 55 năm qua.

Sáu ngày mỗi tuần, mùa đông cũng như mùa hè, ông Mitsumi Kobuna đều thức dậy lúc 5 giờ sáng và đến khu chợ cá Tsukiji để trông nom cửa hàng của gia đình. Người đàn ông 73 tuổi này đã giữ thói quen làm việc 15 tiếng mỗi ngày trong suốt 55 năm qua. Dù vài năm trở lại đây có phần chậm chạp hơn trong các sinh hoạt hàng ngày song ông Kobuna vẫn muốn tiếp tục làm việc thêm 2 - 3 năm nữa.


Ông Mitsumi Kobuna trong cửa hàng cá của gia đình ở Tôkyô.
Ảnh: AFP - TTXVN


Những người già ham thích làm việc như ông Kobuna không hiếm trong xã hội Nhật Bản và nhờ họ, chính phủ Nhật Bản đã không gặp khó khăn như một số chính phủ ở châu Âu trong việc thuyết phục người dân đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.


Đàn ông Nhật Bản thường làm việc cho đến tuổi 69, nhiều hơn 5 năm so với các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và nhiều hơn 10 năm so với đàn ông Pháp. Tuổi nghỉ hưu của phụ nữ Nhật Bản là 67, nhiều hơn 4 năm so với tuổi nghỉ hưu bình quân của nữ giới ở các nước OECD.


Vói 25% dân số Nhật Bản đang trong độ tuổi 65 trở lên và con số sẽ tăng lên 40% trong nửa thế kỷ nữa, việc người dân sẵn sàng kéo dài thời gian làm việc trước khi nghỉ hưu là rất cần thiết để giải quyết tình trạng nhóm người trong độ tuổi lao động đang ngày càng co hẹp phải “gánh” nhóm người già đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và tuổi thọ. Đây có thể xem là một giải pháp hữu hiệu để Nhật Bản đối phó với tình trạng lão hóa dân số trong bối cảnh không có nguồn lao động nhập cư như nhiều nước phát triển khác.


Hơn nữa, với nhiều người già ở Nhật Bản, công việc không phải là gánh nặng mà ngược lại, là niềm tự hào, niềm vui trong cuộc sống.


“Nếu tôi không làm việc nữa, tôi sẽ cảm thấy mình già”, ông Koji Sato, người đang điều hành một quán trà ở Tôkyô, cho biết. Ở tuổi 75, ông Sato vẫn miệt mài làm việc 12 tiếng mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần. Ông chia sẻ: “Tôi đã làm như vậy suốt 50 năm nay. Tôi cũng đang chậm dần, nhưng một ngày nào đó, tôi phải ngừng làm việc cũng có nghĩa là cuộc đời của tôi sẽ kết thúc”.


Thái độ này rất phổ biến đối với người già Nhật Bản hiện nay, những người đã trải qua thời kỳ khó khăn sau Thế chiến II và chứng kiến sự phục hồi thần kỳ của nền kinh tế đất nước này nhờ vào ý chí và khả năng lao động bền bỉ của con người.


Đối với ông Kenji Wada, một luật sư 73 tuổi và là chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, công việc luôn là ưu tiên số một. Ông cho biết: “Tiền là thứ yếu. Cái quan trọng nhất là cần phải làm gì đó có ích cho xã hội”. Trong 40 năm qua, ông Wada luôn say mê với nghề của mình và đã làm việc cho nhiều công ty.


Shigeru Oki, Giám đốc Diễn đàn chính sách kinh doanh, một tổ chức do chính phủ tài trợ, cho biết kéo dài thời gian làm việc là một cách để cảm thấy mình hữu ích. Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy, người cao tuổi muốn làm việc để được kết nối với xã hội và duy trì sức khỏe.


Tháng 8 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã thông qua luật yêu cầu các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến năm 65 tuổi và bắt đầu áp dụng quy định nghỉ hưu ở tuổi 65 từ năm 2025.


Theo ông Oki, người già Nhật Bản cảm nhận được rằng hệ thống lương hưu đã trở thành một gánh nặng đối với thế hệ trẻ do tỉ lệ sinh giảm. Do đó, họ có thể chấp nhận hoãn trả lương hưu cho tới tuổi 65.


Trong khi đó, ông Seichiro Fukui, 64 tuổi, người đã trải qua các công việc bán bảo hiểm, kinh doanh bất động sản và bán bánh gạo, cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ xem công việc của mình có thích thú hay không. Bố tôi đã làm việc cần cù cho đến tận khi ông 80 tuổi. Tôi sẽ làm việc đến khi nào không thể làm được nữa. Cuộc sống của tôi đã được lập trình như vậy và bây giờ tôi cũng không muốn thay đổi. Tôi không biết sẽ phải làm gì nếu không làm việc nữa”.



Lê Hải (theo AFP)