06:21 05/06/2014

“Người được lấy phiếu tín nhiệm đã tự đánh giá lại mình”

Những người được lấy phiếu tín nhiệm đã tự đánh giá lại mình. Rõ nhất là một số đại biểu đạt tín nhiệm thấp đã cố gắng thể hiện qua công việc sau này đã tốt hơn.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đã chia sẻ quan điểm về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn:

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ.


Ông đánh giá như thế nào về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu?


Lần bỏ phiếu đầu tiên theo tôi đã thành công. Thông qua bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy đại biểu Quốc hội công tâm, ai là người có công, thành tích và chưa hoàn thành nhiệm vụ đều được ghi nhận khách quan. Những người được lấy phiếu tín nhiệm đã tự đánh giá lại mình. Tốt thì họ vươn lên, chưa tốt có nhìn nhận tích cực hơn. Rõ nhất là một số đại biểu đạt tín nhiệm thấp đã cố gắng thể hiện qua công việc sau này đã tốt hơn.


Việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên có mặt tốt và chưa hoàn chỉnh. Tại kỳ họp này cũng sẽ đưa ra bàn bạc và đã đưa thảo luận các đoàn về tiêu chí, các đối tượng lấy phiếu. Về quy định có nhiều cải tiến, rút kinh nghiệm từ kỳ trước. Trong thời gian tới Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm tốt hơn so với kỳ đầu, càng ngày thuận lợi hơn.


Nhiều ý kiến chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Hiện nay Quốc hội bàn nhiều và ý kiến cử tri cũng chung suy nghĩ xung quanh vấn đề này, có người cho rằng nên chọn phương án chỉ có 2 mức (tín nhiệm và không tín nhiệm), cũng có người vẫn để 3 mức. Quốc hội cũng bàn để về những mặt tích cực và chưa thuận ở 2 phương án trên. Để cân đối với tình hình thực tế thì mọi người vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho hoàn chỉnh và điều kiện chọn lựa cán bộ có thời gian đào tạo. Do đó, hiện nay đang xây dựng theo hướng giữ 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.


Quốc hội đang bàn bạc, còn quá trình làm thấy kết quả đến đâu thì rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Làm như vậy cũng là tạo điều kiện để các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm vươn lên, chuẩn bị cho mình chương trình hành động, cách làm cho tốt, phát triển hơn.


Theo ông, kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp có phải là lời cảnh báo?


Qua lấy phiếu tín nhiệm đã tạo điều kiện cho đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận đánh giá lại mình, xem lại các vấn đề mà đại biểu Quốc hội có ý kiến. Đối với người đã làm tốt thì cũng vươn lên tốt hơn. Những vấn đề chưa tốt và đại biểu đã chỉ ra thông qua lấy phiếu tín nhiệm thì cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và diều chỉnh lại cách làm cho tốt hơn.


Xin cám ơn ông!


Xuân Minh (thực hiện)