06:15 16/06/2011

Người đánh xe ngựa đưa Nguyễn Tất Thành về trường Dục Thanh

Một sự kiện bất ngờ và xúc động không chỉ riêng cho gia đình ông Võ Huy Quang, mà cho những nhà nghiên cứu, cho tất cả chúng ta vốn yêu kính và rất quan tâm đến ai phát hiện thêm tư liệu mới về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ.

Một sự kiện bất ngờ và xúc động không chỉ riêng cho gia đình ông Võ Huy Quang, mà cho những nhà nghiên cứu, cho tất cả chúng ta vốn yêu kính và rất quan tâm đến ai phát hiện thêm tư liệu mới về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ.

Chân dung ông Võ Văn Trang (1890 -21/9/1969).

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 -5/6/2011), được phép của gia đình ông Võ Huy Quang, chúng tôi xin công bố một đoạn ghi chép viết tay của cụ Võ Quang Miệng (Võ Văn Trang) là ông nội của Võ Huy Quang viết ngày 19 tháng 8 năm 1910 tại Bình Thuận, có liên quan đến việc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, trước khi đến dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), góp phần nối thêm cuộc hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Cụ Võ Văn Trang, sinh năm 1890 tại làng Thuận Điền, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận (nay là Hàm Thuận Bắc) tỉnh Bình Thuận, là hội viên công ty nước mắm Liên Thành tại thị xã Phan Thiết được thành lập từ năm 1906, theo gợi ý của chí sĩ Phan Châu Trinh, do các ông Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội (con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông) cùng các sáng lập viên khác như Hồ Tá Bang, Nguyễn Huệ Chi, Trần Lệ Chất,v.v… ít năm sau đó Liên Thành chuyển cơ sở sản xuất vào Sài Gòn.

Nhà nghiên cứu Võ Huy Quang – tử tù Côn Đảo - trong quá trình sưu tầm tư liệu để dựng lại bộ gia phả họ Võ của mình, cơ duyên xui khiến (hay ông nội mách bảo) ông tò mò tìm xem hai bìa (bìa hai lớp) của quyển “Võ gia khảo ký”, 1906 do ông nội ghi chép để lại. Vô cùng bất ngờ và sung sướng, ông Quang phát hiện một mảnh giấy vàng úa và chính là chữ của ông nội mình viết, có ghi ngày tháng năm và ký tên. Nước mắt ông trào ra. Ngưng một lát lấy lại bình tĩnh, lòng nghĩ thầm chắc là có điều gì tâm huyết hệ trọng lắm ông nội mới cất giấu kỹ như vậy? Mảnh giấy nhỏ chỉ chứa 74 chữ và số nhưng quý giá vô cùng(có bản kèm theo), nguyên văn như sau :

“Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1910, tôi được chú Nguyễn Trọng Lội, chú Nguyễn Huệ Chi và chú Hồ Tá Bang trong Hội đồng quản trị của Thương quán Liên Thành, những người sáng lập ra Hội giáo dục Thanh niên thể dục thể thao gọi là Dục Thanh, cơ sở kinh tế Hội quán Liên Thành… Đưa xe ngựa đến chùa Phước An ở xứ Duồng, Gành Son gặp cụ Nghè Mô và sư thầy Tạ thủ Bửu Hữu Hiền để đưa một thầy giáo về dạy học ở trường Dục Thanh Phan Thiết.

Bình Thuận, ngày 19 tháng 8 năm 1910

Võ Văn Trang (ký tên)”

Bản viết tay này đã được Viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát PCTP (Bộ Công an) giám định và kết luận “là do cùng một người viết ra” tại Công văn số: 04-CV/C54-P5 “v/v trả lời kết quả giám định”, ngày 22 tháng 3 năm 2011 do Thiếu tướng PGS.TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng ký tên và đóng dấu.

Ngày 19/5/2011, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận đã tổ chức trọng thể lễ trao nhận hiện vật “Bức thư” có nội dung liên quan đến sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh – Phan Thiết – do ông Võ Huy Quang trao tặng.

Ông Võ Văn Trang còn là người cất giữ 9 (chín) đồng bạc Đông Dương do chính tay thầy giáo Nguyễn Tất Thành gửi trả bớt lại cho Liên Thành lúc chia tay (có ảnh kèm).

Số là một ngày vào tháng 3 năm 1911 thầy giáo Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Trước khi thầy Thành ra đi, ông Nguyễn Quý Anh, phụ trách phân cuộc Liên Thành thương quán ở Sài Gòn, chỉ đạo ông Phạm Phú Hữu (cháu nội quan đại thần triều đình Huế Phạm Phú Thứ) chi 27 (hai mươi bảy) đồng bạc Đông Dương để trao cho Nguyễn Tất Thành làm lộ phí. Nhận tiền, Nguyễn Tất Thành do dự một hồi rồi chỉ nhận 18 (mười tám) đồng còn 9 đồng gửi lại. Thấy vậy ông Võ Văn Trang với lòng xúc động và kính trọng đã nhận giữ và gửi trả lại bằng 9 đồng bạc giấy cho ông Phạm Phú Hữu nộp vào quỹ Liên Thành thương quán.

Được biết, sau khi nghe hung tin Bác Hồ qua đời (3/9/1969), cụ Võ Văn Trang cùng tuổi và rất thương yêu quý trọng Bác Hồ đã vô cùng đau buồn, bỏ cả ăn uống, rồi nhịn ăn đến chết lúc 2 giờ sáng ngày 21//9/1969 trong căn hầm tránh pháo trong ấp chiến lược Tân Phú Xuân, huyện Hàm Thuận (Bình Thuận).

Nguyễn Thanh Bền (Ghi theo tư liệu của gia đình ông Võ Huy Quang)