08:11 06/08/2012

Người dân thờ ơ trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết

Theo thống kê chưa đầy đủ, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam, trung bình mỗi tuần ghi nhận trên 1.000 ca mắc, nâng tổng số người bị sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên gần 15.000 (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, 11 trường hợp đã tử vong.

Cục Y tế dự phòng Việt Nam dự báo: tháng 8, 9 là thời điểm sốt xuất huyết ở giai đoạn đỉnh dịch theo chu kỳ vì thời tiết mưa sớm và bất thường, cùng với tốc độ đô thị hóa, thời điểm dịch chuyển của hàng triệu học sinh, sinh viên nhập học nên nguy cơ dịch sốt xuất huyết tăng cao và lan rộng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam, trung bình mỗi tuần ghi nhận trên 1.000 ca mắc, nâng tổng số người bị sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên gần 15.000 (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, 11 trường hợp đã tử vong. 


Theo nhận định của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới số các ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng khi Nam Bộ vào giữa mùa mưa.


Các địa phương tiếp tục dẫn đầu số ca mắc sốt xuất huyết phải kể đến thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng tuần lễ gần đây nhất, thành phố đã ghi nhận thêm 131 người mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc bệnh này từ đầu năm đến nay lên 3.323.


Hình minh họa. Nguồn: Internet


Những quận có số ca mắc cao không giảm là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Tiếp đến là tỉnh Đồng Nai, tính đến nay đã có gần 3.000 ca sốt xuất huyết ở tất cả các quận huyện, trong đó 5 ca tử vong. Các địa bàn có số ca mắc cao là: thành phố Biên Hòa với hơn 800 ca, huyện Trảng Bom với gần 500 ca.


Đặc biệt, năm nay bệnh lây lan mạnh ở huyện miền núi Xuân Lộc với hơn 400 ca mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong.


Trung tâm y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trên diện rộng, với 2.988 ca sốt xuất huyết, tăng 1,5 lần so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, huyện Chợ Mới, Phú Tân, thành phố Long Xuyên là những địa phương có số ca mắc cao nhất.


Theo ngành y tế, đáng lo là chu kỳ cách 3 năm dịch sốt xuất huyết lại xuất hiện, như năm 2008 ở An Giang có gần 5.000 ca sốt xuất huyết, nhưng số ca bệnh 3 năm liền sau đó giảm dần.


Còn tại Khánh Hòa dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng và đang là địa phương có số ca mắc cao nhất 11 tỉnh miền Trung , với gần 2.200 trường hợp sốt xuất huyết. Số người mắc bệnh cao nhất tập trung ở huyện Ninh Hòa, cả 27 xã của huyện đều phát hiện có người mắc bệnh, với gần 800 trường hợp.


Số bệnh nhân ở các huyện Diên Khánh, Cam Lâm và thành phố Nha Trang cũng không ngừng tăng và lan trên diện rộng.Tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát trong năm nay tại Khánh Hòa cao hơn trung bình 5 năm trở lại đây so với cùng kỳ năm 2011).


Còn ở Cần Thơ, tính từ đầu năm đến nay, có 447 ca mắc sốt xuất huyết tăng 41 ca so với cùng kỳ. Trong đó, một số quận, huyện có người nhiễm sốt xuất huyết cao như: Ninh Kiều : 126 ca, Thốt Nốt: 60 ca… Những trường hợp mắc sốt xuất huyết đa số là trẻ em dưới 5 tuổi.


Nguyên nhân dẫn đến dịch sốt xuất huyết gia tăng theo các chuyên gia dịch tễ ngoài yếu tố khách quan, năm nay là chu kỳ của đỉnh dịch sốt xuất huyết cùng với diễn biến thất thường của thời tiết mưa sớm, mưa nhiều và tốc đô thị hóa nhanh.


Trong khi sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu cùng với vị trí địa lý Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành dịch sốt xuất huyết trên thế giới. Nhưng phải kể đến một yếu tố và tác nhân gây dịch bùng phát do ý thức chủ quan con người.


Cục Y tế dự phòng và môi trường Bộ Y tế cũng thừa nhận: việc thực hiện phòng chống dịch sốt xuất huyết ở một số địa phương thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức, chủ quan, thụ động. Thêm vào đó, việc phòng chống dịch theo kiểu “chạy theo đuôi dịch, xử lý ổ dịch muộn... khiến cho dịch bệnh không giảm mà còn tiếp tục lan rộng với tốc độ nhanh.


Hàng năm dịch số xuất huyết khiến cho hàng chục ngàn người mắc, ở mọi lứa tuổi và cũng hàng chục ca tử vong - là một trọng những dịch trọng điểm của Bộ Y tế. Nhưng do dịch sốt xuất huyết đã tồn tại vài chục năm, trong khi nguồn lây bệnh trung gian là muỗi đã “sinh tồn” cùng cuộc sống của người dân vùng sông nước.


Với các chum vại, khum, cóng chứa nước, lo hoa, chậu hoa, vũng nước…hiện hữu ở khắp mọi nơi trong từng gia đình, thôn, xóm đã nuôi dưỡng đàn muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.


Trung tâm TP Hồ Chí Minh, là quận Bình Tân, đến nay vẫn dẫn đầu về số ca mắc sốt xuất huyết của Thành phố.


Bác sĩ Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận cho rằng, cái khó nhất hiện nay trong việc phòng chống sốt xuất huyết do còn tồn đọng hàng ngàn điểm nguy cơ sinh ra các ổ dịch chung sống hàng ngày, hàng giờ cùng với dân. Chính nếp sinh hoạt, thói quen và ý thức của người dân đã chủ động tạo ra và bảo vệ môi trường muỗi lăng quăng, bọ gậy - ổ dịch sốt xuất huyết sinh sôi, nảy nở tồn tại dai dẳng, bền vững trong cộng đồng.


Năm nào TP Hồ Chí Minh cũng chi hàng tỉ đồng để phòng chống sốt xuất huyết nhưng ngành y tế chỉ triển khai vài ba đợt phòng tránh dịch bệnh bằng cách phun xịt, thả cá bảy màu. Cách làm này đã quá quen thuộc và người dân cho rằng dịch sốt xuất huyết là loại dịch... quen, năm nào cũng xảy ra nên địa phương và người dân chủ quan, đến khi dịch bùng phát mới vào cuộc chữa cháy.


Dịch sốt xuất huyết tiếp tục đe dọa đến sức khỏe và tính mạnh người dân nhất là trẻ em nhưng công tác phòng chống tại các quận, huyện lại gặp nhiều khó khăn, như địa bàn quá rộng, dân cư đông, nhân lực y tế mỏng, thiếu kinh phí, trang thiết bị... Nhưng điều quan trọng hơn cả là ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng.



TTXVN/Tin Tức