11:00 26/11/2011

Người dân sở hữu các thương hiệu vàng không phải SJC nên bình tĩnh

Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tuyên bố vàng SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN Việt Nam trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 25/11 đã khiến người dân mạnh tay hơn khi chọn mua vàng miếng thương hiệu SJC.

Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tuyên bố vàng SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN Việt Nam trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 25/11 đã khiến người dân mạnh tay hơn khi chọn mua vàng miếng thương hiệu SJC. Ngược lại, tình hình giao dịch tại các cửa hàng kinh doanh thương hiệu vàng khác đang diễn ra rất ảm đạm.

NHNN Việt Nam vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bán vàng miếng thương hiệu khác SJC. Ảnh: Lê Phú


Trước việc nhiều người dân đang rất hoang mang khi sở hữu các thương hiệu vàng miếng khác, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói: “Lúc này đây, người dân nên bình tĩnh bởi dù NHNN tuyên bố Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng SJC) vốn trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giờ sẽ trực thuộc NHNN Việt Nam thì vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi muốn bán vàng miếng thương hiệu khác SJC, ít ra cũng phải có một lộ trình thời gian thực hiện".

Ông Ánh dự đoán: "Việc đưa ra mức tỷ lệ khi quy đổi từ vàng miếng thương hiệu khác sang SJC cũng sẽ được NHNN tính đến. Vì hiện nay, những doanh nghiệp khác, đơn cử như Bảo Tín- Minh Châu họ đang đưa ra mức tiền chênh lệch thêm nếu khách hàng muốn đổi vàng Rồng Thăng Long sang SJC.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Việc NHNN mua SJC cũng tốt cho việc điều hành thị trường vàng nhưng phải tổ chức hoạt động sao cho hợp lý. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nên hoạt động theo hướng mô hình phi lợi nhuận, hoạt động công ích chứ không vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận, khiến cho thị trường vàng phát triển không lành mạnh. “Ngoài ra, NHNN nên tổ chức thuê các doanh nghiệp có thương hiệu vàng khác làm gia công sản phẩm vàng. Như vậy sẽ tận dụng tối đa dây chuyền, công nghệ sản xuất vàng của các doanh nghiệp khác đồng nghĩa với việc nâng cao công suất sản xuất vàng SJC lên gấp 5 – 7 lần, tránh tình trạng khan hiếm vàng SJC".

Với vai trò là Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank (thương hiệu vàng AAA), ông Trúc cho biết: Hiện nay, thương hiệu vàng AAA của Agribank đã ngừng sản xuất. Mấy hôm trước, khách hàng tới bán nhiều hơn mua. Cán bộ phụ trách kinh doanh của Bảo Tín - Minh Châu cũng cho biết, đợt này, vàng Rồng Thăng Long được bán ra cũng rất ít.

Trong ngày 25/11, giá vàng SJC đã tăng cao hơn so với các loại vàng khác do lực mua đẩy lên cao. Lúc 16 giờ 30 phút ngày 25/11, giá vàng SJC niêm yết ở mức 44,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 44,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với chiều 24/11, dù giá vàng thế giới đi ngang. Ngoài giá vàng SJC, các loại vàng khác chiều 25/11 đều giảm so với buổi sáng cùng ngày. Giảm mạnh nhất là vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín - Minh Châu. Lúc 16 giờ 30 phút, giá vàng Rồng Thăng Long được niêm yết ở mức 44,1 - 44,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng so với lúc 10 giờ sáng 25/11. Giá vàng SBJ của Sacombank giảm nhẹ hơn, ở mức 44,2 – 44,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng so với lúc 10 giờ sáng cùng ngày.

Minh Phương-Quốc Huy