04:11 15/04/2015

'Người dân EU nên ăn côn trùng'

Người dân nên bổ sung vào khẩu phần ăn của mình một số loại côn trùng bởi các loài này rất giàu đạm và có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu acid amin.

Tổ chức Côn trùng học quốc tế (IPIFF) vừa kêu gọi người dân châu Âu nên bổ sung vào khẩu phần ăn của mình một số loại côn trùng bởi các loài này rất giàu đạm và có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu acid amin. 

Châu chấu rang là món ăn ưa thích từ côn trùng.


Ngoài khuyến nghị trên, ông Antoine Hubert, Chủ tịch IPIFF, còn bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu (EU) cho phép sử dụng các loài côn trùng với vai trò là nguồn cung cấp đạm động vật cho các loại thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm, thay vì việc chỉ sử dụng bột cá và đậu nành như hiện nay. Ông Hubert cho biết Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đang xem xét việc sử dụng hợp lý các loài côn trùng làm thực phẩm dựa trên các quy định hiện hành có liên quan của EU, đồng thời nghiên cứu những vấn đề về vi trùng học, nhằm xác định rõ loại thực phẩm này có thể “biến tướng” thành khuẩn salmonela độc hại hay không. 


Theo dự báo, dân số thế giới sẽ cán mốc 9 tỷ người vào năm 2050, trong khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ước tính vào thời điểm đó thế giới sẽ phải tăng 70% sản lượng thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Điều này đồng nghĩa nhu cầu toàn cầu đối với nguồn đạm động vật có thể tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000-2050. Hơn nữa, IPIFF cho rằng trong bối cảnh ngành sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi hiện đang cạnh tranh gay gắt, thì các loài côn trùng sẽ có thể đóng vai trò mang tính chất quyết định. 


Cũng theo thống kê của FAO, hiện có tới hơn 1.400 loại côn trùng đang trở thành thức ăn hàng ngày, thậm chí có tên trong danh sách đặc sản của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó phổ biến nhất là kiến, ong, dế và sâu bướm. Liên hợp quốc từng tổ chức hội thảo về giá trị dinh dưỡng của côn trùng, trong đó nhiều ý kiến khẳng định côn trùng không chỉ giàu đạm mà còn chứa các chất vitamin, chất khoáng và chất béo.



TTXVN/Tin tức