04:17 23/04/2015

Người dân ĐBSCL liên tục bị rắn độc cắn

Dù chưa vào mùa mưa, nhưng thời gian qua người dân Đồng bằng sông Cửu Long liên tục bị rắn độc cắn.

Dù chưa vào mùa mưa, nhưng thời gian qua người dân Đồng bằng sông Cửu Long liên tục bị rắn độc cắn. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu 8 ca nặng do rắn độc cắn, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ đất.

Bác sĩ Đặng Ngọc Thuyết, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ cho biết, chiều 19/4, khoa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Lê Tô Điền (25 tuổi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) bị rắn hổ cắn trúng.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân Điền nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, sập mi mắt, mạch nhanh. Sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân Điền bắt đầu hôn mê sâu, rối loạn hô hấp, thở ngáp cá. Khoảng 10 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân đã ngưng thở. Lúc này, các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, kiểm soát về hô hấp, tuần hoàn, giảm đau cho bệnh nhân. Tiếp đó, bệnh nhân được dùng huyết thanh kháng nọc độc rắn. Sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo và tiếp tục nằm điều trị tại bệnh viện.

Ảnh minh họa.


Còn trường hợp của bệnh nhân Huỳnh Văn Ngà (49 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 121 do bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong tình trạng choáng, tụt huyết áp, nôn nhiều, bàn chân phải xưng to do bị rắn cắn trúng 4 phát. Lập tức, các bác sĩ khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu của bệnh viện tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân được các bác sỹ giảm đau, chống phù nề, truyền 2 đơn vị khối tiểu cầu và huyết thanh kháng nọc độc rắn. Sau cấp cứu, hiện bệnh nhân tỉnh táo và tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 121 cho biết, đối với 2 trường hợp trên, nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong do suy hô hấp, rối loạn đông máu.

Bác sĩ Kiên cho biết thêm, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận cấp cứu nhiều bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, khi nhập viên đã ngưng thở song với nỗ lực của các bác sỹ, các bệnh nhân điều được cứu sống. Hiện hai loại rắn độc phổ biến thường cắn người là rắn hổ đất và rắn lục xanh đuôi đỏ. Nếu bị rắn hổ cắn, nọc độc của nó sẽ gây liệt thần kinh. Người bị rắn cắn mặc dù vẫn tỉnh táo nhưng không thở được, suy hô hấp, dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Với rắn lục đuôi đỏ (nọc độc hơn rắn lục không có đuôi đỏ) khi bị cắn, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn về đông máu, làm sưng nề tại chỗ và chảy máu không cầm được, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ bị xuất huyết não, xuất huyết ở các cơ quan khác rồi tử vong.

Dù đang là mùa khô, mùa có lượng bệnh nhân bị rắn cắn rất ít, nhưng từ đầu năm đến nay Bệnh viện Quân y 121 đã tiếp nhận cấp cứu đến 20 ca. Riêng từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhân bị rắn cắn thể nặng nhập viện cấp cứu tăng mạnh; trung bình 1 tuần, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu từ 1 đến 2 ca. Riêng trong năm 2014, bệnh viện tiếp nhận 200 ca cấp cứu do rắn cắn, trong đó có 70% số bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Theo bác sĩ Kiên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sắp bước vào mùa mưa, môi trường thay đổi nên lượng rắn độc sẽ xuất hiện nhiều hơn so với mùa khô. Lý giải điều này, bác sĩ Kiên cho hay, do môi trường thay đổi, thay đổi mắt xích chuỗi thức ăn, vào mùa mưa, mùa lũ nước ngập, loại rắn này sẽ bò vào khu dân cư, cây cối quanh nhà, nên hầu hết người bị cắn là những người làm vườn không trang bị bảo hộ như ủng, găng tay…

Để đề phòng rắn độc cắn, các bác sỹ khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 121 khuyến cáo, người dân khi ra vườn phải mang ủng, bao tay, phát quang môi trường xung quanh sạch sẽ. Khi phát hiện người bị rắn độc cắn, người dân cần nhanh chóng buộc ga-rô để ngăn chặn chất độc lan rộng khắp cơ thể, vệ sinh sạch sẽ vết cắn, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.


Thanh Sang (TTXVN)