10:07 09/10/2014

Người Bana học cách chăm con

Nhận được thông báo từ già làng Groi 1(xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai), anh Đinh Ngất quyết định không ra rẫy chăm mì (sắn) nữa mà bế cậu con trai hơn 2 tuổi ra nhà rông, để tham gia buổi sinh hoạt nuôi dạy con...

Nhận được thông báo từ già làng Groi 1(xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai), anh Đinh Ngất quyết định không ra rẫy chăm mì (sắn) nữa mà bế cậu con trai hơn 2 tuổi ra nhà rông, để tham gia buổi sinh hoạt nuôi dạy con, một hoạt động của chương trình “Giáo dục cha mẹ”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Plan Việt Nam hợp tác triển khai.


Mỗi tháng một lần, khoảng 30 ông bố bà mẹ trẻ, thậm chí là bậc ông, bà là những người dân của làng Groi 1, đều đến hẹn lại ra ngôi nhà rông cổ của làng, để học cách chăm con, chăm cháu và giao lưu với nhau.

Đồng bào Bana đến nhà rông để học cách
chăm sóc trẻ.



Trên tay bế con nhỏ mới gần 2 tháng tuổi, chị Đinh Thị Chăm chia sẻ: “Hơn 1 năm nay, tôi luôn tham gia những buổi sinh hoạt hướng dẫn nuôi dạy trẻ khoa học. Nhờ được học cách chăm con, giờ đây tôi đã có thể duy trì việc cho cháu lớn ăn uống đủ dinh dưỡng, còn cháu bé sẽ được bú mẹ ít nhất đến tháng thứ 6...”.

Cán bộ truyền đạt kiến thức chăm sóc trẻ cho đồng bào.



Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Plan Việt Nam đã và đang hợp tác triển khai chương trình “Giáo dục cha mẹ” nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và thực hành về chăm sóc và phát triển trẻ thơ cho cha mẹ là người dân tộc thiểu số tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên. Từ hiệu quả của chương trình, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Gia Lai sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình trên địa bàn.

Anh Đinh Văn Đáp, cán bộ Đoàn, người trực tiếp hướng dẫn các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số cách chăm sóc trẻ thơ tại làng Groi 1 cho biết: “Điều kiện dân trí còn thấp, nhiều cha mẹ chưa thạo tiếng phổ thông cũng là trở ngại khi triển khai chương trình “Giáo dục cha mẹ”. Tuy nhiên, khi được tình nguyện viên trực tiếp truyền đạt kiến thức nuôi dạy trẻ bằng ngôn ngữ địa phương, bà con luôn chú ý lắng nghe và đã áp dụng vào cuộc sống. Vậy nên, mỗi buổi sinh hoạt này thường như ngày hội của làng, bà con đến đông đủ để được nghe cán bộ hướng dẫn”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng Ban gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã đảm nhận hoạt động tuyên truyền dự án trong cộng đồng. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Hội Phụ nữ đã nỗ lực kết hợp để cùng thực hiện công tác giáo dục, vận động để các bà mẹ là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi nhận thức, biến kiến thức chăm sóc trẻ thành hành động, để cùng xã hội làm tốt công tác chăm lo và giáo dục thế hệ mầm non.

Bài và ảnh: Hoàng Thị Hoa