01:15 06/01/2011

Người ấy không về

Hồi còn bé, tôi luôn tự hào về người chị thân yêu của mình. Chị đẹp về hình thể lẫn tâm hồn. Tôi thầm ghen với sắc đẹp của chị - một thân hình cân đối, mái tóc buông dài đen nhánh, làn da trắng mịn, gương mặt thanh tú.

Hồi còn bé, tôi luôn tự hào về người chị thân yêu của mình. Chị đẹp về hình thể lẫn tâm hồn. Tôi thầm ghen với sắc đẹp của chị - một thân hình cân đối, mái tóc buông dài đen nhánh, làn da trắng mịn, gương mặt thanh tú.


Nổi bật là đôi mắt đen láy với cái nhìn dễ cảm và say đắm lòng người. Hồi ấy các chàng trai trong làng mê chị tôi như điếu đổ. Có liền mấy chàng thường xuyên trồng cây si trước cửa nhà tôi. Cứ mỗi lần chị và tôi soi gương chung, so với sắc đẹp kiêu sa, quý phái của chị, tôi như cô bé lọ lem đứng bên chị Hằng.


Chị còn vượt trội tôi về sự dịu hiền, nết na. Tôi nóng tính còn chị tôi thì ôn hòa, tế nhị. Tôi lêu lổng thì chị tôi ngăn nắp, nhu mì. Tạo hóa thật trớ trêu, tôi với chị như có sự hiện thân của luật bù trừ. Ấy thế, nhiều lần mẹ tôi cười bảo: “Giá như con người ta có thể san sẻ cho nhau về sắc, tính nết, thì mẹ sẽ xin con Linh nhường bớt một phần cái đẹp, cái phúc hậu của nó cho con Loan”.


Những lúc như vậy tôi dúi đầu vào lòng mẹ nũng nịu: “Ai bảo mẹ dồn cả tinh hoa của bố mẹ cho chị Linh, để cặn bã cho con làm chi?”. Lần nào mẹ cũng cốc yêu vào trán tôi, giọng người trở nên tha thiết: “Con không được may mắn, trời ban diễm phúc như chị Linh của con, mẹ cầu nguyện cho con sau này sẽ được nhiều hạnh phúc”.


Nghe mẹ an ủi, tôi vơi bớt nỗi buồn, nhưng trong tâm tưởng bao giờ cũng nghĩ rằng giữa hai chúng tôi, người được hưởng nhiều hạnh phúc sau này hẳn là chị tôi. Vậy mà trời không thương…

*

*                     *

Năm ấy, tiểu đoàn bộ đội chủ lực đóng quân ở làng tôi để chỉnh huấn trước khi đi B. Trong đoàn quân phần đông là những người lính còn rất trẻ, có một người lính khá điển trai tên là Quang. Anh vui tính, cởi mở và nói chuyện rất có duyên.


Nhà tôi có một vườn cây rộng, rợp bóng mát. Các chàng lính trẻ ngấp nghé muốn đến xin mắc võng ngủ trưa. Tình thật họ thích vườn cây thì ít mà thích cô chủ vườn cây xinh đẹp thì nhiều. Quang cũng nằm trong số đó. Bố tôi là người rất nghiêm khắc.


Ông không những giữ nền nếp nho giáo đối với con cái, mà còn đối với cả những người thân quen. Quanh năm, trừ con cháu, thân quyến lui tới thăm và mấy người bạn già thường đến đàm đạo về chữ nho, đám trẻ con trong làng tuyệt nhiên không dám bén mảng đến khu vườn nhà tôi.

Một hôm chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào Quang đủng đỉnh chắp hai tay ra sau lưng như cụ non, khoan thai tiến vào cổng. Tôi và chị Linh sững sờ nhìn nhau. Không hẹn, chúng tôi cùng biến xuống nhà dưới.


Bố tôi đang ngồi dùng trà trước hiên nhà, có lẽ ông cũng ngạc nhiên không kém chúng tôi trước sự xuất hiện của anh chàng bộ đội lạ hoắc. Chị em tôi len lén lên nhà trên, đứng nép sau bức màn.

- Dạ, cháu chào bác ạ! Giọng nói đúng là dân Hà Nội chính gốc (tôi nhủ thầm).

- Anh muốn hỏi ai? Bố tôi giọng nhát gừng, kẻ cả.

- Thưa bác, con đóng quân gần đây, tiện đường ghé thăm bác.

- Tôi có ốm yếu gì đâu mà anh thăm viếng? Vả lại, tôi với anh chưa từng quen biết.

Vẫn cái giọng gay gắt của bố. Tôi thầm lo cho lòng tự ái của anh chàng bộ đội kia bị tổn thương. Ai bảo tự thân lao vào lửa. Thế mà anh chàng vẫn nhã nhặn, ngọt ngào:

- Thưa bác, đúng là con chưa hề quen biết bác, song bác thông cảm cho con; là người lính xa quê lâu ngày, thấy bác con chạnh lòng nhớ quê nhà… Bố con cũng trạc tuổi với bác.

- Anh đi bộ đội lâu chưa? Có đánh đấm gì không? – Bỗng nhiên giọng nói của bố tôi trở nên trầm ấm. Tôi và chị Linh thở phào, đưa mắt ngầm bảo nhau: “Tai qua, nạn khỏi”.

- Dạ, con mới vào quân ngũ vài tháng nay. Chưa biết trận mạc là gì.

- Anh đọc Tam Quốc chí chưa? – Tôi và chị Linh nhìn nhau, bụm miệng cười sùng sục. Cái sở thích của bố “giở nút”.

- Thưa bác, có ạ!

- Anh có hiểu vì sao Tào Tháo được mệnh danh là kẻ gian hùng, nhưng hắn ta rất có tài chăng?

- Dạ, vì ông ta biết dùng người.

- Đúng! Theo anh thì trong Tam Quốc chí đoạn nào hấp dẫn nhất?

- Dạ, thưa! Theo con thì đoạn Tào Tháo thất trận tan tác phải cắt râu, vứt áo giả dạng làm quân sỹ mới trốn thoát, hoặc đoạn Gia Cát Lượng chọc tức chết Chu Du, mắng chết Vương Lãng…

- Ha! Ha! Ha! Chưa hết đâu anh bạn trẻ ạ. Anh có biết “Tử nang Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt” không hở?

- Dạ, đó là: Gia Cát chết còn đuổi được Trọng Đạt sống.

Chẳng bao lâu một già, một trẻ tâm đầu ý hợp. Anh Quang trở thành thượng khách của gia đình tôi. Và còn tiến xa thêm bước nữa - anh là người yêu của chị Linh.

Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ, câu chuyện anh Quang tự đến kết thân với gia đình tôi còn có một lý do hết sức thú vị và còn buồn cười nữa. Tuy nhiên, không vì thế mà gia đình tôi, nhất là chị Linh lại vơi đi tình cảm dành cho anh Quang.

Số là các anh bộ đội đóng quân trong làng rất “bắt mắt” khu vườn nhà tôi. Họ ước ao được mắc võng ngủ trưa dưới vòm cây mát rượi, yên ả. Mấy lần vị chỉ huy đại đội có ý định đến xin phép bố mẹ tôi cho quân tạm trú trong vườn nhà một thời gian.


Khổ nỗi qua thăm dò một số bà con, họ bảo rằng bố tôi là người cực kỳ khó tính. Ông ấy sẽ chẳng bao giờ ưng thuận. Trong một buổi sinh hoạt đơn vị, đại đội trưởng đề nghị:

- Tôi biết đồng chí Quang có biệt tài làm công tác dân vận. Tôi thay mặt anh em trong đơn vị nhờ đồng chí trổ tài, đến nhà cụ Hai xin cho anh em được nghỉ mát trong khu vườn nhà cụ ấy – Lời nói vừa dứt đã có mấy người chêm vào mỗi người một câu:

- Thủ trưởng tìm đúng chỗ rồi đấy! Theo em, chẳng những anh Quang sẽ xin được nơi nghỉ trưa cho đơn vị, mà còn có khả năng chinh phục luôn cô con gái xinh đẹp của ông cụ nữa là đằng khác.

- Lên đường đi nào! Lên đường đi nào! – Cả nhóm người nhốn nháo, lại có cả người thách đố:

- Không dám đâu! Thằng Quang mà thực hiện được một trong hai điều kiện nói trên thì tớ sẵn sàng cõng cậu đi chơi bất cứ lúc nào nếu cậu yêu cầu.

- Tớ cũng xin làm đệ tử cho cậu Quang không hối tiếc!

Quang bật dậy, cười ha hả, hùng hồn tuyên bố:

- Tôi xin mời toàn thể anh em vào ngày mai ta ngủ trưa trong vườn cây nhà cụ Hai!

*

*                     *


Thời gian trôi đi như con thoi. Hai tháng luyện quân kết thúc. Đoàn quân chuẩn bị lên đường vào chiến trường miền Nam với khí thế hừng hực. Những ngày cuối cùng, chị tôi thảng thốt như kẻ mất hồn. Nhìn đôi mắt trũng sâu vì thao thức, lo buồn đến ngày chia xa với anh Quang, tôi thương chị vô cùng.


Cho đến bây giờ, hơn bốn mươi năm sau, tôi vẫn nhớ như in cái đêm sau cùng chị tôi gặp gỡ anh Quang trước khi vào trận chiến. Bố mẹ căn dặn tôi: “Đêm nay thế nào chị Linh của con cũng gặp thằng Quang.


Kẻ ở, người đi tình cảm có thể bứt phá ranh giới giữa nam và nữ. Làm thân con gái khôn ba năm, dại một giờ. Rủi có bề nào thì khổ. Con hãy bí mật giám sát hai đứa nó…”.

Đó là một đêm trăng tròn vành vạnh. Ánh trăng tỏa sáng như muôn dải lụa vàng. Tôi mặc đồ đen, đi chân đất nhẹ nhàng bám theo anh Quang và chị Linh. Hai người dắt tay nhau mon men trong vườn chuối.


Đến một khoảnh đất trống, chị Linh lấy tấm nhựa mang theo trải xuống đất. Họ ngồi bên nhau, còn tôi thì nấp sau khóm chuối, lòng bàng hoàng khi nghe chị tôi bật khóc.

- Nín đi em! Rồi hòa bình, anh sẽ trở về. Anh sẽ xin cưới em. Em có tin điều đó không? – Giọng anh Quang nghèn nghẹn.

- Em sợ lắm anh ơi! Bao người ra đi có mấy người trở lại. Mất anh, chắc em không sống nổi! – Chị tôi ngã vào lòng anh Quang, khóc vùi.

- Thôi, đừng khóc nữa em! Nếu thật lòng yêu anh thì em hãy chờ đợi đến ngày chiến thắng – Anh Quang ghì chặt người yêu vào lòng, giọng xúc động.

- Hãy yêu em đi anh! Hãy gửi lại cho em một giọt máu, biết đâu… Em van anh! – Hai tay chị Linh choàng vào cổ anh, vít xuống, cuồng dại.

- Không, không thể nào! Em là con gái của một gia đình nho giáo. Bố mẹ em sẽ không bao giờ tha thứ… Em đừng nghĩ quẩn.

- Anh đừng nói thế. Nho giáo là nho giáo, tình yêu muôn đời vẫn là tình yêu. Hãy gửi lại cho em một niềm tin. Em sẽ đạp bằng dư luận để sống, để yêu anh… - Chị Linh tiếp tục khóc dữ hơn. Tôi cảm nhận chị không hề mù quáng để bứt phá ranh giới.


Tim tôi đập thình thịch như muốn thoát ra khỏi lồng ngực khi nhìn thấy bàn tay của anh Quang lần đến cúc áo của chị Linh. Tôi muốn lao tới, hét lên để bảo vệ “cái giá ngàn vàng” của chị. Nhưng không, tôi không thể nhẫn tâm cướp mất cái ước mơ nhỏ nhoi của chị.


Tôi không thể nhẫn tâm với một người lính sắp lao vào lửa đạn, sẵn sàng xả thân vì quê hương, đất nước. Tôi cắn chặt vành môi đến rướm máu, quay mặt đi mà nước mắt cứ tuôn trào.

*

*                     *


Anh Quang ra đi hơn mười năm. Biết bao chàng trai xin cầu hôn, chị tôi một mực chối từ. Bố tôi – một người tưởng chừng như khô khan tình cảm, vậy mà trước lúc lâm chung, ông gọi chị tôi đến bên giường, âu yếm, cầm chặt bàn tay chị, thều thào: “Bố biết đã bao năm qua con mỏi mòn chờ đợi thằng Quang…


Thật tội nghiệp cho con gái của bố! Bố bạc phước nên không được nhìn thấy nó chiến thắng trở về cùng con nên nghĩa vợ chồng…”. Ông trăng trối bấy nhiêu lời, nước mắt chảy dài rồi qua đời.

Chiến thắng kết thúc đã hai tháng vẫn chưa thấy có tin tức gì về anh Quang. Thế mà chị Linh vẫn nuôi hy vọng: “Biết đâu anh ấy bận công tác đặc biệt nào đó nên chưa về”. Nhân đến ngày giỗ bố, tôi đón xe về quê trước một ngày.


Bước vào nhà, tôi linh tính có điều chẳng lành. Mẹ tôi và chị Linh mắt đỏ hoe ngồi bên cạnh người đàn ông mặc quân phục hoàn toàn xa lạ. Tôi cúi đầu chào khách. Chị Linh lao tới ôm chầm lấy tôi, òa khóc:

- Loan ơi! Anh Quang hy sinh rồi!

– Chỉ nói được có vậy rồi chị tôi ngã khụy. Tôi hốt hoảng đỡ chị đến chiếc giường cạnh đó. Mẹ tôi giàn giụa nước mắt, lạc giọng:

- Con ơi! Hãy bình tĩnh lại nào!

Tôi lau nước mắt, quay sang tiếp chuyện với khách:

- Anh Quang hy sinh trong trường hợp nào hả anh?

Người đàn ông đứng tuổi, ánh mắt thoáng buồn, giọng nói nghe trầm trầm càng buồn thêm:

- Quang hy sinh trong chiến dịch mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột. Trước lúc hy sinh, anh ấy nhờ tôi tìm chị Linh trao lại kỷ vật này… - Người đàn ông rút từ trong túi áo lấy ra một chiếc lược ngà và một tấm ảnh đã ngả màu vàng ố, nhưng tôi vẫn nhận ra người trong ảnh chính là chị Linh của tôi thời con gái. Chị tôi lại vật vã, nức nở.

Mấy tháng sau, tôi về thăm, chị trở nên ít nói, suốt ngày chị lầm lũi như chiếc bóng. Có lần tôi khuyên chị lấy chồng, chị cười buồn:

- Chị già rồi, ai còn lấy chị làm gì? Với lại, nếu có ai để mắt tới cũng chỉ làm khổ lụy mà thôi. Tôi nhìn chị mà ứa nước mắt.

Trần Quốc Cưỡng