06:23 06/06/2012

Người Anh với Đại lễ Kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II

Trong bốn ngày diễn ra Đại lễ Kim cương để mừng 60 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị lên ngôi, hàng triệu người dân đã đổ về thủ đô Luân Đôn, không ngại mưa gió rét để được ngắm nhìn Nữ hoàng, vẫy cờ chào đón bà và các thành viên Hoàng gia.

Trong bốn ngày diễn ra Đại lễ Kim cương để mừng 60 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị lên ngôi, hàng triệu người dân đã đổ về thủ đô Luân Đôn, không ngại mưa gió rét để được ngắm nhìn Nữ hoàng, vẫy cờ chào đón bà và các thành viên Hoàng gia. Nhưng cũng tại thủ đô Luân Đôn trong những ngày này lại diễn ra cuộc biểu tình với tinh thần ủng hộ chế độ cộng hòa hơn là chế độ quân chủ.

Chiều 3/6, thời tiết thật kinh khủng nhưng lại rất điển hình cho nước Anh: Mưa, gió và lạnh. Nhưng hàng nghìn người đã không ngần ngại ra khỏi nhà, đứng chật hai bên bờ sông Thames Luân Đôn chỉ để mong được thấy Nữ hoàng cùng đoàn thuyền hơn 1.000 chiếc diễu hành trên sông. Nhiều gia đình từ các nơi trên khắp nước Anh như Yorkshire, Manchester, Birmingham and Bristol, đã bắt những chuyến tàu sớm xuống thủ đô để kịp có một chỗ đứng ven bờ sông Thames. Nhiều người thậm chí đã dựng lều ngủ tại công viên Battersea từ tối hôm trước để có được vị trí “đắc địa” trong sự kiện “không thấy lần thứ hai trong đời” đối với không ít người.

Bà Betty Dell trang hoàng nhà cửa chào đón Đại lễ Kim cương.

 
Và thời tiết dù có khắc nghiệt cũng không thể che khuất một tinh thần rất Anh của người dân xứ sương mù. Đường phố rồi cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, nhà dân tràn ngập những lá cờ ba màu trắng, xanh và đỏ. Cờ được vẽ trên má hồng của các cô gái Anh, trên khuôn mặt hào hứng tươi vui của các bé trai bé gái, và mọi người mang khăn quàng cổ in hình lá cờ, mũ, áo, váy, túi xách, đeo bờm để gắn cờ trên đầu, đủ mọi kiểu. Tất cả toát lên một sự ấm áp và lòng biết ơn tới Nữ hoàng.
Bà Betty Dell ở khu East Acton, Quận Ealing, phía tây Luân Đôn, tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng bà tự mình trang trí nhà cửa, bắc thang treo ảnh Nữ hoàng Elizabeth và cờ từ vài ngày trước khi diễn ra lễ kỷ niệm. Bà nói bà muốn trang hoàng nhà cửa đẹp như vậy vì Nữ hoàng là một người tuyệt vời, đã làm nhiều việc cho nước Anh và xứng đáng được hưởng một lễ kỷ niệm như vậy.


Trevor Knight, một người dân đến từ tỉnh Gloucestershire nói rằng ông vẫn còn nhớ hình ảnh lễ đăng quang của Nữ hoàng trên màn hình vô tuyến đen trắng của nhà hàng xóm khi mới lên tám tuổi.


Trong một cuộc thăm dò gần đây, có tới 80% công chúng Anh cho biết họ ủng hộ Hoàng gia. Trong Đại lễ Kim cương, hơn 10.000 bữa tiệc đường phố được tổ chức để mừng 60 năm ngày Nữ hoàng đăng quang. 

 

Phố Parliament, nơi có các cơ quan đầu não của chính phủ Anh.

Nhưng cũng vào lúc hơn 1 triệu người đội mưa, hứng gió để được nhìn thấy Nữ hoàng, lại có hơn 1.000 người tham gia cuộc biểu tình do nhóm Cộng hòa tổ chức với những khẩu hiệu “Dân chủ, chứ không phải là chế độ quân chủ”, “Bỏ chế độ quân chủ và lập chế độ cộng hòa”... Những người ủng hộ chế độ cộng hòa cho rằng, chế độ quân chủ “nuôi dưỡng” tất cả những gì lạc hậu nhất: Một cấu trúc tầng lớp cứng nhắc, một định chế chính trị lạc hậu, chỉ thích những lễ hội tốn kém.


Trong bối cảnh nền kinh tế nước Anh cũng như Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và thế giới gặp nhiều khó khăn, một bộ phận dân chúng Anh, đặc biệt là những người ủng hộ chế độ Cộng hòa, không khỏi băn khoăn với chi phí của những sự kiện Hoàng gia như đám cưới của Hoàng tử William năm 2011 hay Đại lễ kim cương này.


Theo ước tính của Bộ Văn hóa Anh, những ngày nghỉ dịp Đại lễ Kim cương gây tổn thất khoảng 1,2 tỷ bảng (khoảng 1,9 tỷ USD) về năng suất lao động cho nền kinh tế Anh vốn đang gặp khó khăn. Đó là chưa tính đến chi phí cho các sự kiện được tổ chức trong 4 ngày diễn ra Đại lễ Kim cương, bắt đầu từ ngày 2/6 như Nữ hoàng tham dự cuộc đua ngựa tại sân đua ngựa Epsom đoàn thuyền hơn 1.000 chiếc hộ tống Nữ hoàng cùng các thành viên Hoàng gia diễu hành trên sông Thames, buổi hòa nhạc khổng lồ với sự tham dự của các nghệ sĩ nổi tiếng trước cửa Cung điện Buckingham, buổi lễ Tạ ơn tại nhà thờ St Paul, cuộc diễu hành bằng xe ngựa của Hoàng gia kéo dài từ Westminster đến Điện Buckingham...


Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh cho biết, chưa có thống kê chính thức về tổng chi phí cho buổi Đại lễ Kim cương, nhưng theo quan chức này, sự kiện này về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Đại lễ Kim cương là dịp để thế giới biết đến một Luân Đôn và một nước Anh tuyệt đẹp và hấp dẫn, nhằm thu hút khách du lịch và giới đầu tư, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.


Khi được hỏi có nên “tốn tiền” các hoạt động kỷ niệm như vậy không, nhiều người cho rằng đây là sự kiện lần thứ hai diễn ra trong lịch sử nước Anh và Đại lễ Kim cương xứng đáng được tổ chức vì những đóng góp của Nữ hoàng.


Đối với hầu hết người dân Anh, chế độ quân chủ về bản chất vẫn là một định chế tốt. Thế vận hội thể thao mùa hè sắp diễn ra ở Anh, hy vọng dư âm của Đại lễ Kim cương sẽ cho phép nước Anh có thêm một bữa tiệc mùa hè hoành tráng và thành công nữa.


Bài và ảnh: Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)